Lễ mừng tuổi mẹ là phong tục tập quán lâu đời không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Chăm miền núi Phú Yên. Đây là dịp để nhớ ơn người đã sinh thành và nuôi dưỡng con cái lớn khôn, lưu truyền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ cúng mừng tuổi mẹ của đồng bào Chăm miền núi Phú Yên. Ảnh: LÊ KHA |
Tôi may mắn được dự lễ mừng tuổi mó (bà) Khách, 75 tuổi, ở buôn Kít, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Tại đây, tôi được chứng kiến nghi thức cúng truyền thống của người Chăm và cảm nhận được sự biết ơn của con cái đối với người mẹ qua lễ mừng tuổi.
Nghi thức truyền thống
Theo phong tục của người Chăm, người mẹ trên 60 tuổi sẽ được con cháu trong gia đình tổ chức mừng tuổi hay còn gọi là mừng thọ. Đây là nghi lễ không thể thiếu trong vòng đời của mỗi người mẹ và được tổ chức sau mùa thu hoạch lúa hay những ngày đầu năm mới.
Mó Khách vui mừng nói: “Thấy con cái biết quý trọng mình, già này ưng cái bụng lắm! Mỗi năm, chúng nó đều tổ chức cho mình thêm tuổi mới để vui cùng con cháu”.
Vì người Chăm theo mẫu hệ, khi tổ chức lễ mừng tuổi mẹ, anh chị em trong gia đình phải đề cử một người con gái đã có chồng làm chủ lễ. Ở lễ mừng tuổi mó Khách, chị Hờ Thương - con gái mó Khách đóng vai trò này.
“Đây là dịp để anh chị em trong gia đình quây quần chia sẻ buồn vui, khó khăn trong cuộc sống, chúc mẹ luôn khỏe mạnh sống an vui bên con cháu”, chị Hờ Thương chia sẻ.
Sau khi chị Hờ Thương nhóm bếp, con cháu bắt đầu ngồi quây quanh hướng về ngọn lửa đang cháy và nghe già làng Oi Dựng khấn: “Các thần linh sông núi đã độ trì cho người sinh ra con cái gia đình này được khỏe mạnh, biết khai khẩn đất hoang trồng cây bắp, cây sắn, trỉa cây lúa, chăn nuôi bò trâu đầy chuồng. Con trai biết dựng nhà, có tài nghệ phóng lao diệt trừ thú dữ. Con gái biết dệt thổ cẩm, có đôi chân dẻo dai như con hưu, con nai siêng năng đi gùi củi, gùi nước... Con cái nhớ ơn mẹ, người mang nặng đẻ đau, hôm nay có rượu ché ủ lâu ngày, có cơm, thịt cúng mừng tuổi mẹ được sống lâu, sống khỏe. Mời các thần linh cùng về quây quần bên bếp lửa chứng giám lễ cúng này”.
Lễ vật cúng mừng tuổi của mó Khách gồm: 3 ché rượu, 1 con gà trống, 3 chén cơm gạo lúa tẻ, 3 chén nước và trầu cau. Các lễ vật được đặt tại bếp chủ, bếp này ở gian sau cùng, là nơi sinh hoạt trong gia đình.
Sau khi cúng xong, Hờ Thương lấy một ít rượu ché, cơm, nước... vẩy lên chiếc cầu thang, xung quanh bếp lửa và các chân cột nhà sàn. Mọi người bảo “làm phép” như vậy là để mời các vị thần linh cùng về chung vui trong ngày lễ mừng tuổi mẹ của họ.
Ông Ma Màng ở buôn Ma Y, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) cho biết thêm: Với những gia đình khá giả, lễ vật có từ 5-7 ché rượu, làm cả một con heo đực gần trăm ký và tổ chức tấu cồng chiêng rộn ràng. Con cái tặng cong, kiềng bằng bạc và áo thổ cẩm cho mẹ để bày tỏ sự biết ơn, hiếu kính...
Giáo dục lòng hiếu thảo
Người Chăm không tổ chức giỗ tưởng khi mẹ đã qua đời như người Kinh, họ chỉ cúng người đã khuất một lần khi làm lễ bỏ mả. Đối với họ, khi sống được 60 tuổi là hết vòng đời, từ tuổi này con cái trong gia đình tổ chức cúng mừng tuổi để sống tiếp vòng đời thứ hai, cầu mong thần linh ở bên mẹ mình để độ trì cho mẹ được sống khỏe, không bỏ đi xa.
“Quan niệm của đồng bào dân tộc Chăm, người mẹ là trụ cột của gia đình, từ việc sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đến việc cưới xin... đều do người mẹ quyết định. Bởi vậy, họ rất coi trọng mẹ”, ông Ma Ủy ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) cho biết.
Mó Chiêm năm nay 65 tuổi ở buôn Ma Gú, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) bộc bạch: “Tôi được các con gái, con trai tổ chức lễ cúng mừng tuổi được 4 lần. Khi thu hoạch lúa xong vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch, con cái làm lễ cúng mừng tuổi cho tôi theo tập tục của người Chăm với ché rượu, con gà đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Được con cái tổ chức như thế, tôi cảm thấy vui lắm!”.
Còn Ma Chềnh ở gần nhà mó Chiêm cho hay: “Bà con buôn làng ai cũng khen các con của mó Chiêm biết quý trọng và yêu thương mẹ. Năm nào họ cũng tổ chức lễ mừng tuổi cho mó Chiêm, cầu mong cho bà được mạnh khỏe”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng, tập tục mừng tuổi mẹ của đồng bào dân tộc Chăm miền núi Phú Yên đã có từ lâu đời. Đây là truyền thống tốt đẹp, mang tính giáo dục lòng hiếu thảo của con cái với mẹ. Ngày nay, lễ mừng tuổi mẹ vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy bởi đồng bào Chăm nơi đây.
Tuy nhiên, đời sống xã hội ngày một phát triển, có sự giao thoa giữa vùng miền, người Chăm tiếp cận với đời sống văn hóa mới nên điều lo ngại nhất hiện nay là những phong tục tốt đẹp cũng dần bị mai một. Bởi vậy cần tăng cường các biện pháp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Chăm.
TRẦN LÊ KHA