Thứ Sáu, 20/09/2024 06:59 SA
Người con gái thất lạc - sự lưỡng nan của tình thế làm mẹ
Chủ Nhật, 22/10/2023 09:00 SA

Người con gái thất lạc (tựa gốc tiếng Anh: The Lost Daughter) là phim điện ảnh chính kịch tâm lý của Mỹ và Hy Lạp năm 2021 do Maggie Gyllenhaal viết kịch bản và đạo diễn. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tay của cô, dựa trên tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 2006 của nữ nhà văn Elena Ferrante.

 

Poster phim The Lost Daughter (tựa tiếng Việt: Người con gái thất lạc). Ảnh: Internet

Tác phẩm được giới phê bình khen ngợi, nhận được 3 đề cử tại Oscar lần thứ 94, bao gồm đề cử: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Colman, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Buckley, và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

 

Xa con là điều không dễ dàng

 

Bộ phim Người con gái thất lạc xoay quanh câu chuyện về một nữ giáo sư văn học tuổi trung niên Leda (Olivia Colman đóng), sống và làm việc ở Cambridge. Nghỉ hè, bà một mình đến vùng biển ở Hy Lạp du lịch tìm sự yên tĩnh và gặp Nina (Dakota Johnson đóng), một phụ nữ trẻ có cô con gái Elena chỉ mới lên ba. Kỳ nghỉ và cuộc gặp gỡ tình cờ này là lúc những bí mật khi còn là một bà mẹ trẻ của Leda được hé lộ - những bí mật có thể giải thích cho mọi hành động và cảm xúc đầy khó hiểu của người phụ nữ trung niên này.

 

Leda sớm làm mẹ của 2 đứa con gái nhỏ chỉ cách nhau 2 tuổi khi còn rất trẻ. Như mọi người mẹ, Leda thương con. Cô chăm con bằng tất cả tình thương của người mẹ. Cô có chồng, và chồng cô cũng ở cạnh. Song tình thương và sự hỗ trợ của chồng vẫn không đủ giúp cô vượt qua những nhọc nhằn, mệt mỏi đến stress của việc chăm sóc và dạy bảo con. Những chi tiết rất đời thường, rất quen thuộc của việc nuôi con hiện ra thật sinh động, đến mức người xem có thể cảm nhận chân xác về “thảm cảnh” của người mẹ trẻ. Nina cũng vậy. Cô thương Elena, bất chấp mọi mệt mỏi, cô vẫn cố dịu dàng, đáp ứng mọi nhu cầu của một cô bé con. Nhưng việc cô bé quấn mẹ, khi bình thường cho đến khi mất con búp bê, khiến Nina như muốn phát điên vì không được phút nào yên ổn. Cả hai gần như không cười trong suốt bộ phim.

 

Leda thật sự cười khi cô nhận được điện thoại mời đến buổi nói chuyện về nghiên cứu và dịch thuật văn học. Cô cũng thật sự cười khi được tham gia chương trình giảng dạy đó. Bởi đó là lúc cô được sống với đam mê của riêng mình. Những giây phút được thoát vai làm mẹ, được làm điều mình thích đã là một trong những động lực khiến cô đi đến quyết định sẽ rời xa con 3 năm để theo đuổi khát vọng. 3 năm, Leda trải qua những gì? Là ánh mắt và thái độ có phần dè dặt, né tránh, xa lạ của các con mỗi khi cô về thăm chúng. Là sự van xin của chồng mong cô đừng đi nữa vì anh ta cảm thấy quá sức khi phải chăm 2 con. Là sự chấp nhận trong cay đắng việc các con sống cùng bà ngoại - người phụ nữ có học vấn thấp và người khiến cô trải qua những năm tháng khủng khiếp khi sống cùng. Với một người mẹ, điều đó thật không dễ dàng.

 

Có thể nói, phim khắc họa và lột tả một cách chân thực, sâu sắc về việc làm mẹ và sự lưỡng nan của tình thế làm mẹ khi phải lựa chọn giữa con cái và nhu cầu, khát vọng cá nhân. Không phải lựa chọn nào tốt hơn, mà với người mẹ, lựa chọn nào ít tổn thương hơn.

 

Đi tìm “người con gái thất lạc”

 

Phải đến tuổi trung niên, cuộc gặp gỡ giữa Nina và Elena mới cho chúng ta biết được, 3 năm đó đã gây ra những chấn thương tâm lý nơi cô. Những ký ức về những năm tháng ấy liên tục sống dậy. Hành động lấy và giữ con búp bê mới là biểu hiện cao nhất của chấn thương nơi Leda. Rất khó để đoán định cô lấy nó một cách vô thức hay hữu thức. Cô lấy nó vì cô muốn đùa một chút (như cô thú nhận) hay vì nó là hiện thân của điều mà cô muốn chuộc lại từ quá khứ? Lấy con búp bê và giữ mãi bên mình, là hành động khó hiểu nhất của Leda.

 

Một cảnh trong phim Người con gái thất lạc. Ảnh: Internet

 

Leda lấy búp bê của Elena, cô mua đồ, lau rửa, ôm nó ngủ và liên tục sợ hãi nó biến mất. Phải chăng, cô đã từng cảm thấy chính mình đã bỏ rơi con, chính mình làm thất lạc đứa con gái bé nhỏ khi quyết định rời con trong 3 năm khi trẻ? Cô muốn chuộc lỗi, muốn sửa chữa, muốn thiết kế lại quá khứ qua những việc làm với búp bê của Elena? Lấy con búp bê, phải chăng Leda đang cảm thấy mình tìm lại đứa con gái đã từng thất lạc khi xưa?

 

Quyết định theo đuổi đam mê chỉ trong 3 năm như Leda, là sai hay đúng? Chỉ biết rằng, Leda đã phải sống trong day dứt đến mức gần như là một dạng sang chấn tâm lý khi cô có những biểu hiện khá kỳ quặc như thế. Nỗi ân hận, day dứt không nguôi được lột tả rất tinh tế. Một loại ân hận, day dứt đầy ám ảnh, không rõ ràng mà lẩn khuất và dai dẳng. Khi nó hiển lộ bằng những hành vi khó hiểu, cô lại phải đối diện với những phán xét, kết tội của những kẻ ngoại cuộc vốn bị đóng khung trong những quan niệm cố hữu về việc một người phụ nữ làm mẹ phải - như - thế - nào. Người ta ngạc nhiên khi cô nói cô không nhớ các con của cô khi nhỏ ra sao. Người ta liên tục chửi cô là đồ quỷ cái, đồ biến thái khi cô dị ứng với sự ồn ào. Và Nina, cô gái hết sức ái mộ Leda, tìm đến Leda để giải tỏa áp lực làm mẹ, cũng dùng chính những lời nói đó khi Leda thú nhận mình đã lấy con búp bê. Hành trình làm mẹ đơn độc. Và hành trình chống lại chấn thương cũng đơn độc không kém! Leda vừa chịu sự phán xét của chính mình, vừa chịu sự kết tội của tha nhân.

 

Làm mẹ luôn được ngợi ca là thiên chức của người phụ nữ. Những chuẩn mực cũng được đặt ra cho một người mẹ để một khi có một người mẹ nào lệch chuẩn dẫu chỉ là một chút, ngay lập tức họ cũng sẽ bị phán xét như thể họ không phải là một người mẹ tốt. Nhưng làm mẹ không bao giờ là một hành trình đơn giản khi họ phải rơi vào tình trạng căng thẳng của việc trở thành một người mẹ toàn thời gian, tốt và hoàn hảo với việc thỏa mãn những nhu cầu cá nhân và theo đuổi những khát vọng trong sự nghiệp. Độ căng ấy được diễn đạt bằng một ngôn ngữ điện ảnh rất sâu sắc, tinh tế trong Người con gái thất lạc.

 

Có lẽ, chỉ có thể từ góc nhìn của một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ làm mẹ mới có thể được tự sự với tất cả những phức tạp tế vi của nó và chạm được đến xúc cảm của người xem một cách đặc biệt đến thế. Người con gái thất lạc cất lên tiếng nói của nữ giới và yêu cầu tiếng nói ấy phải được lắng nghe, có thể chỉ với một tham vọng rất nhỏ nhưng tha thiết, người phụ nữ cần được thấu hiểu và sẻ chia nhiều nhất khi họ trở thành một - người - mẹ!

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek