Được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đình Phước Khánh (xã Hòa Trị) và đình Vĩnh Phú (xã Hòa An) góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của huyện Phú Hòa.
Nơi thờ cúng Thành hoàng làng
Đình Phước Khánh được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 gồm 3 gian, mái lợp ngói tây, nền láng xi măng, phía trước là phần sân rộng có mái che lợp tôn. Đình quay mặt về hướng nam, có diện tích 1.517m2, tọa lạc tại thôn Phước Khánh.
Theo anh Lê Trung Khang, đại diện Ban Quản lý đình Phước Khánh, khi mới thành lập, đình được xây dựng theo kiểu nhà lá mái. Kiểu kiến trúc này có bộ khung nhà, dân gian thường gọi là bộ giàn trò được làm bằng gỗ vững chắc với 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái. Ở phía đầu cột có bộ mái đắp bằng đất, còn phía trên bộ mái đất có thêm bộ mái bằng tranh. Về sau, khi có điều kiện, đình được thay thế bằng vật liệu kiên cố, mái được lợp ngói, phía trên bờ nóc trang trí kiểu lưỡng long triều nguyệt, phía trước có án phong và trụ biểu trang trí linh vật. Đình có người trông coi hương khói thường xuyên gọi là ông thủ biện hoặc ông từ đình.
“Sau năm 1945, do chiến tranh ác liệt nên đình Phước Khánh và các công trình kiến trúc trong khuôn viên của đình sụp đổ. Đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, người dân Phước Khánh quyên góp kinh phí và tổ chức xây dựng lại đình với kiến trúc đơn giản để làm chỗ thờ cúng Thành hoàng của thôn. Công trình tồn tại cho đến ngày nay”- anh Khanh cho biết.
Còn theo các bậc cao niên ở thôn Vĩnh Phú, đình Vĩnh Phú được xây dựng khá sớm, từ thuở lưu dân người Việt theo chân Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh có mặt ở đồng bằng Tuy Hòa, cũng là nơi thờ cúng Thành hoàng làng. Đình được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, nằm chính giữa thôn Vĩnh Phú, quay mặt về hướng tây, có tổng diện tích 3.783m2. Đây là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật có bố cục mặt bằng bao gồm nghi môn, sân đình và chánh điện. Phần lớn diện tích trong khuôn viên của đình là đất canh tác hoa màu, trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Trong khuôn viên còn 2 cây gạo cổ thụ.
Từ lúc xây dựng cho đến nay, đình Vĩnh Phú trải qua nhiều lần tu sửa, phục dựng. Trong đó, năm 1970 do chiến tranh, đình xuống cấp, một số công trình phụ trợ đổ sụp; các bậc cao niên trong thôn đã đứng ra vận động kinh phí tu sửa. Đình được xây dựng lại theo kiến trúc nhà cấp 4, 2 gian 2 mái, lợp ngói. Năm 2006, đình được trùng tu lần cuối từ nguồn kinh phí đóng góp của người dân trong vùng. Đây là lần phục dựng thứ năm với kiến trúc cổ lầu, mái lợp ngói, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Gìn giữ cho đời sau
Theo tài liệu Thần tích - Thần sắc của thôn Phước Khánh do nhà giáo Lê Cụ sưu tầm, biên soạn vào năm 1937, thần Thành hoàng của thôn Phước Khánh là Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người có công lao to lớn trong việc chiêu tập dân cư, khai phá đất đai, hình thành thôn xóm, làm tiền đề để thành lập phủ Phú Yên vào năm 1611. Tài liệu cũng cho biết, khi ông Lương Văn Chánh mất được phong làm phúc thần, được lập miếu thờ và cấp 40 mẫu ruộng để thu hoa lợi phục vụ cúng tế tại miếu.
Còn đình Vĩnh Phú, theo ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa An, đây là nơi bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư thôn Vĩnh An xưa và thôn Vĩnh Phú ngày nay. Đây là loại hình di tích có liên quan đến tín ngưỡng tâm linh thể hiện tấm lòng thành kính của cộng đồng cư dân địa phương đối với các vị thần linh đã che chở cho người dân thôn Vĩnh Phú trong tiến trình lịch sử. Bên cạnh đó, các nguồn tư liệu Hán Nôm như gia phả, hương ước... có liên quan đến đình Vĩnh Phú là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử thôn Vĩnh Phú nói riêng và lịch sử vùng đất Phú Yên nói chung.
Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho rằng việc đình Phước Khánh và đình Vĩnh Phú được xếp hạng di tích cấp tỉnh là niềm cổ vũ to lớn đối với người dân huyện Phú Hòa trong việc bảo tồn di tích và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ mai sau. “Để tiếp tục phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, huyện Phú Hòa sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, khai thác khoa học và hiệu quả kho tàng di tích, xem đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam”, ông Thạch cho biết.
THIÊN LÝ