Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin mang đến cơ hội cho mọi người nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy. Nhiều trẻ em ngày càng lãng phí thời gian sử dụng điện thoại, chơi game, xem ti vi... khiến các bậc phụ huynh lo lắng, trăn trở.
Nỗi lo của nhiều vợ chồng trẻ
Gia cảnh khó khăn nên vợ chồng anh Đoàn Văn Thông (xã An Mỹ, huyện Tuy An) vào TP Hồ Chí Minh làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì lẽ đó, vợ chồng anh không có nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ chu đáo con trai mới tiểu học. Anh Thông ngày càng lo lắng khi con học hành sa sút và luôn lẩn tránh mỗi khi cha mẹ, ông bà yêu cầu tắt điện thoại.
Anh Thông chia sẻ: “Sự giáo dục của cha mẹ từ nhỏ cho trẻ rất quan trọng. Tuy nhiên, vợ chồng tôi bận rộn công việc lại đi làm xa nhà nên không có thời gian bảo ban con cái. Chúng tôi lo lắng vì con ít nói chuyện với mọi người, chỉ dán mắt vào điện thoại, hễ người lớn yêu cầu ngừng chơi điện thoại là con bất hợp tác, rồi nước mắt ngắn dài”.
Vợ chồng chị Lê Thị Thanh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) có 2 đứa con. Con trai lớn đang học THPT, con gái nhỏ ở tiểu học. Vì ít có thời gian kèm cặp con cái nên hai đứa con của vợ chồng chị thích chơi với thế giới ảo hơn thích học. “Có lần vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với các con, con thừa nhận xem ti vi, chơi điện thoại thú vị hơn học bài. Chính vì vậy, vợ chồng tôi muốn tách con khỏi các thiết bị điện tử qua việc đọc sách, khám phá thiên nhiên, động vật, đặc biệt giúp các con giao tiếp với mọi người để có thể phát triển toàn diện”, chị Thanh nói.
Còn theo anh Nguyễn Anh Hiếu ở phường 7 (TP Tuy Hòa), không thể phủ nhận những lợi ích của internet vì dễ tiếp cận, dễ thực hiện, nhanh chóng, kịp thời... Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn không ít cạm bẫy, rủi ro bởi nhiều đối tượng xấu lợi dụng mảnh đất màu mỡ này để truyền bá những thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của trẻ. “Tôi cho rằng cha mẹ nên đồng hành cùng con trong việc sử dụng mạng xã hội để có biện pháp bảo vệ các con tốt hơn, tránh các rủi ro trên mạng như: Lộ thông tin cá nhân, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác...”, anh Hiếu chia sẻ.
Cùng chung tay
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Điều quan trọng là làm sao để đứa trẻ được thừa hưởng một môi trường lành mạnh ngay từ nhỏ. Muốn vậy, những thông điệp tốt đẹp phải được lan tỏa từ những nơi, những người gần gũi nhất với các em. Nói cách khác, gia đình chính là trường học đầu tiên, có tác động và định hình lối sống, cách ứng xử cho mỗi cá nhân trong tương lai.
Hơn hết cần phải quan tâm đến vấn đề đạo đức, văn hóa để tổ ấm vững vàng hơn trước sự tác động của kinh tế. Công nghệ hiện đại đang phục vụ đắc lực mọi nhu cầu nhưng cũng khiến con người ngại giao tiếp ngoài đời thực. Chiếc điện thoại thông minh khiến con người bận rộn hơn mỗi ngày. Nhưng đừng vội đổ lỗi cho công nghệ, lỗi nằm ở chính người sử dụng nó đang bị mất tự chủ, bị chi phối bởi công nghệ.
Hiện nay, người lớn nói chung và trẻ em nói riêng đều cần tới internet để duy trì việc học tập, kết nối với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường số cũng tăng lên. Đây là vấn đề được đề cập tại hội thảo Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Hội thảo đã đề cập đến các giải pháp bảo vệ trẻ em, trong đó cần huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn, lọc, xóa tài liệu liên quan đến bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bảo vệ trẻ không phải là trách nhiệm của một bộ, ngành, cơ quan nào mà là sự chung tay của tất cả các bên liên quan, trong đó vai trò của cha mẹ, người chăm sóc trẻ hết sức quan trọng. Nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, việc tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả những hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cần được chú trọng.
THIÊN LÝ