Thứ Hai, 30/09/2024 17:34 CH
Trung thu xóm Chiếu – truyện ngắn của Y NGUYÊN
Chủ Nhật, 24/09/2023 15:00 CH

Minh họa: Internet

1. Năm nay trung thu về xóm Chiếu đúng lúc cánh đồng sau lưng xóm gặt xong. Hiếm hoi mới có một vụ gặt tháng 8 âm lịch mà đồng khô. Đồng trống, mấy nhỏ chận bò sướng lắm: thả rông cho bò kiếm ăn xong tha hồ chơi, khỏi lo nạn đuổi bò ăn lúa! Vậy nhưng chơi gì chơi, xế chiều thể nào chúng cũng bỏ hết mọi trò, leo lên vệ đường ngóng hướng thôn Tây. Chúng ngóng gì vậy ta, bà Sáu Lỉu nhà gần đó nhìn ra, thắc mắc. “Chờ… chờ oàn… lân ó quại ơi…”, thằng Hiển lanh chanh cháu bà cố sức giải thích với ngoại, giọng vừa cà lăm vừa ngọng. Ờ hé, bà Sáu vỗ trán đánh chạch, nhớ ra.

 

Cả tuần nay, chiều nào đoàn lân của ông Mười Túc bên thôn Tây cũng chở nguyên xe tải rùng rùng chạy lên thị trấn, dọc đường trống thúc vang rần. Lân chính quy, chuyên hoạt động kinh doanh. Thị trấn nhiều nhà buôn bán khá giả, mời lân vô múa lấy hên, chi tiền rất đậm. Múa kéo dài tới mười giờ đêm, lúc phố phường tắt đèn đi ngủ, cả đám mới rùng rùng chở chạy ngược về. Nói tới lân, lũ nhỏ đứa nào hổng mê; nhưng xóm Chiếu của bà toàn nhà làm ruộng, đâu ai bán buôn giàu như dân thị trấn đâu để mời lân về múa?

 

Dòm cảnh đoàn lân nhí nhố chạy qua trống thúc tùng tùng; đầu lân ngúc ngắc đỏ xanh bên đội múa trang phục giày vớ quần thùng áo chẽn nẹp vàng nẹp bạc - còn thêm mấy cái mặt nạ hoạt kê - cũng sướng mắt sướng tai. Vậy nên mới có việc tới giờ xe lân sắp chạy ngang, lũ nhỏ lại sấp ngửa trèo vệ cỏ dốc đứng lên đường đứng sẵn. Sắp thành hàng, nhẫn nại chờ xe lân chạy qua là nhảy cẫng reo hò hoặc nghệch mặt đứng nhìn say sưa. Xe khuất khúc quanh còn tiếc nuối ngóng theo, căng mũi hít hà mùi khói khét lẹt, mộng mơ đến một ngày mình cũng được… đứng trên xe! Niềm vui chỉ đếm bằng giây, vậy mà hôm nào cũng hậm hụi mất cả buổi trèo xuống trèo lên.

 

Một bữa thằng Sói - đứa lớn nhất bọn - nhìn cảnh lũ bạn lếch thếch leo trèo dường như thấy bất nhẫn, lắc đầu phán: Gì… thảm dữ bay! Phải được coi múa chút cũng đành, đằng này toàn đi chờ hít khói xe lân. Sao mình không… tự múa lấy mà chơi? Nói thì dễ, chớ ai tập cho mà tự múa? Rồi còn quần áo, gậy gộc, mặt nạ… Quan trọng nhất, kiếm đâu ra cái đầu lân? Cả đám ồn lên, mỗi đứa một tiếng. Thằng Sói luống cuống: Ơ, tao… nói đại vậy, hổng được thì thôi, làm gì dữ? Ừ, không được thì thôi làm gì nhau, có điều khi không lại chọc thèm chi khiến mấy nhỏ nghĩ ngợi rồi… mơ ước. Biết hão mà vẫn mơ, chán thiệt! Ai nói hão huyền? Con Phê đốp lại: Thằng Sói nói không phải không có lý, để tao tính thử…. Tính cái gì? Cả đám xúm lại. Chừng ấy bộ mặt lấm lem nhưng mắt đứa nào cũng mở to hết cỡ, hiếu kỳ. Còn hỏi, con Phê vốn có tiếng nhà thông thái. Ở trường, nó giữ chức lớp phó văn thể mỹ, khá tháo vát với mấy hoạt động ngoại khóa. Nhưng đó là chuyện ở trường; quá lắm phụ cô giáo, khác xa việc tự biên tự diễn nguyên một chương trình, chưa nói chương trình ấy còn mang tầm vóc… một đội lân! Có điều Phê tuy nhỏ người nhưng gan cóc tía, đã muốn làm gì là quyết làm cho được.

 

2. Đầu lân làm bằng cái thúng rách cũ. Thằng Nóc coi vậy mà có khiếu trang trí. Từng ấy bút vẽ, giấy màu, vỏ bao thuốc lá nghèo nàn cả đám xúm thu gom đóng góp, nó hì hục nguyên buổi đã biến cái thúng xấu xí đựng rơm nhà con Bông thành… một con lân chính hiệu có mắt mũi râu ria đàng hoàng! Nhìn xa cũng chẳng đến nỗi nào. Kệ, có lân múa đã ngon, chê khen nỗi gì. Đuôi lân mượn đỡ tấm khăn trải bàn nhà thằng Hoa. Khăn đỏ, mép có viền ren coi cũng tạm. Đạo cụ chính đã xong thì mấy cái mặt nạ đương nhiên chuyện nhỏ: “Họa sĩ” Sói chỉ cần vung tay phóng bút non tiếng đồng hồ trên giấy cứng là xong luôn mấy cái mặt nạ buộc dây thun. Mặt nào mặt nấy thần thái ngời ngời khỏi chê. Quạt? Gậy? Gối bông độn bụng cho Ông Địa? Cũng… chuyện nhỏ luôn. Phê ta quả rất ra dáng lãnh đạo, biết chọn mặt gửi vàng: Chuyện tạp vụ nó giao tay thằng Nóc kể như đúng chuyên môn… số 1. Gậy Như Ý bằng ống nước nhựa hai đầu dán giấy bạc. Quạt giấy mượn đỡ của bà. Nóc ta còn sáng kiến xoay thêm cái áo bà ba người lớn rộng thùng cho Ông Địa tương lai của đội lân mặc có chỗ mà… độn gối! Vậy nhưng đừng tưởng bở chú chàng dễ bảo. Bình thường hắn lười biếng hết nấc. Sở dĩ nhiệt tình là nhờ thủ lĩnh Phê dụ khị hứa cho giữ một chân múa phụ nơi vị trí… đuôi lân!

 

Đạo cụ xong xuôi. Giờ tới phần… chọn diễn viên đưa vào tập dợt! Vụ này đương nhiên con Phê ngồi ghế chủ khảo. Sắp hàng, nín thở. Từng đứa một được vào thử vai. Ngay ngáy lo bị trượt. May, cuối cùng cả đám trót lọt qua tua. Còn hỏi, nhóm chưa tới mười đứa, cho trượt bớt lấy ai đi múa? Không trượt, nhưng tới lúc phân vai giành giật thôi khỏi nói, cãi nhau ỏm tỏi khiến thủ lĩnh Phê lo dàn xếp không cũng đủ khản giọng. Nhóm vào vai con lân 4 đứa; trừ thằng Nóc, thằng Chin thấp bé nhẹ cân đành chịu phận múa đuôi; riêng anh cu Sói với cu Tơm quyết liệt giành nhau vị trí múa đầu, to chuyện đến mức suýt… ẩu đả. Con Phê đành nghĩ cách dàn hòa: Thôi, cho hai đứa mày múa thay phiên, được chưa? Nhất trí, vậy mà không nghĩ ra. Hai ông cười toe, bắt tay hòa bình, xăng xái lăn vô tập. Tập gì đâu, dưới tài biên đạo của nhỏ Phê, cộng thêm nhiệt huyết xả thân hết mình vì nghệ thuật của các diễn viên, đâu non buổi là lân ta thành thục hết các chiêu rắn rồng tiến thoái. Quá chừng ngoạn mục! Là chúng nó thấy vậy, trung thu tự túc, mình múa mình coi, cần ai thấy chi?

 

Khó nhất phần con lân, còn các vai phụ sắp xếp dễ hơn. Đạo diễn Phê rẹt rẹt phân chia: Thằng Tiến ròm nhanh nhẹn đóng Tề Thiên, ông Tèo bụng mập lu vào vai Ông Địa. Còn dư con Bông, thằng Hoa diễn xuất kém cho đứa phụ vai Ông Địa làm hề, đứa lo… đánh trống! Ơ, giờ mới nhớ, đào đâu ra trống? Cả đám nghệch mặt, trán nhăn riết cho đến lúc thằng Nóc tạp vụ vỗ trán đánh bộp, à lên một tiếng rõ kêu. Tín hiệu ấy đồng nghĩa, vướng mắc tháo gỡ xong! Không hẹn mà cả đám đồng toét miệng, bộp bộp vỗ tay. Thái độ tin cẩn của đồng đội khiến Nóc ta khoái chí. Hắn hất mặt, cung tay xá xá rất chi kiếm hiệp rồi tức tốc quay lưng chạy bay về nhà. Nửa tiếng sau Nóc trở ra mang theo cái thùng sơn rỗng và chiếc dùi tự tạo còn vệt rựa chuốt lam nham. Chẳng nói chẳng rằng, Nóc úp miệng thùng xuống đất, đứng dạng chân vung dùi gõ luôn một bài bắt chước nhịp điệu trống lân. Cái thùng sơn đánh không ra nổi tiếng bùm mà chỉ đủ sức kêu bụp. Bụp bụp cách cách bụp bụp, bụp bụp cách cách bụp bụp…., nghe hơi bị lạ tai nhưng dù gì cũng có âm thanh giúp hình dung ra nhịp điệu rộn rã trống lân. Phải, lân không trống thì còn lân gì nữa.

 

3. Tới lúc hiệp đồng tác chiến. Dưới bàn tay đạo diễn tài ba, cả lũ răm rắp vào vai, hăng say tập luyện. Giờ thì con Phê tin chắc, người ta bày chuyện múa lân để dành riêng cho lũ nhỏ, không thôi sao đám bạn diễn viên không chuyên của nó học nhanh đến vậy? Nói đâu hiểu đó, diễn ăn ý nhịp nhàng, còn thừa thắng xông lên, sáng tạo thêm nhiều trò không có trong chỉ đạo. Đôi chỗ diễn viên hăng, sướng quá đà nên diễn hơi… chuệch choạc. Kệ, vui là chính. Thách đạo diễn Phê nhăn nhó, kiểu nào tới lúc nhìn bộ mặt hí hớn của bạn bè cũng đành… bụm miệng cười ngất!

 

Bụp bụp tưng tưng bụp bụp…, nguyên khoảnh ruộng mới gặt, rạ bị dẫm bẹp, trải dài như chiếc chiếu dưới những bàn chân. Bà Sáu Lỉu nghe thanh âm lạ tai lập cập dắt cháu ra ngõ che tay, nhướng mắt dòm. Trời ạ! Bà dụi dụi mắt, xong quay dòm lại như thể không tin. Lũ nhỏ lén tập tành khi nào mà giờ đang nhuần nhuyễn ra quân, bài bản y như một đoàn lân thứ thiệt? Tiến, lùi, lùi, tiến, vờn lượn múa may theo nhịp trống thùng sơn thằng Hoa ra sức thúc dồn. Ông khỉ Tiến mỏ nhọn mặt đầy lông nhảy nhót lộn nhào. Ông Địa Tèo bụng mặt vạnh tròn như bóng trăng rằm cười toe toét ưỡn bụng chang bang, núng nính đôi mông vừa đi vừa phe phẩy quạt. Hề Bông được cấp cho cái mặt nạ Trư Bát Giới, vác cây cào rơm theo sau Ông Địa hất mặt phụ chọc cười khán giả. Khán giả - trừ đạo diễn Phê - giờ có thêm bà Sáu Lỉu với thằng cu cháu. Anh cu nhỏ lần đầu được coi lân khoái quá nhảy cẫng, vỗ tay reo hò. Bà Sáu đương nhiên nãy giờ chưa hết ngỡ ngàng. Hay thật, mấy nay ai mà ngờ - lũ nhỏ chận bò xóm Chiếu cũng biết múa lân? Mà không, đừng tưởng khán giả chỉ có bấy nhiêu. Trống thúc dồn gọi người lớn, trẻ con hiếu kỳ trong xóm túa ra, mỗi lúc một đông. Vỗ tay đôm đốp. Cười nói lao xao. Nghe tiếng ai nói lớn: Trung thu về xóm Chiếu thật rồi…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek