Thứ Ba, 01/10/2024 03:21 SA
Khi đàn khướu trở về - truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG
Chủ Nhật, 11/06/2023 15:00 CH

Minh họa: PV

1. Có một dạo người ta thấy đường lên núi Chúa, qua dốc Trơn treo cái bảng to tướng viết chữ bằng sơn đỏ in trên nền tôn trắng “Coi chừng hổ dữ!”. Người dân trong vùng kể: Con hổ thường rình ở dốc Trơn, to như con bò mộng. Người ta đo chiều dài của nó hơn 8 gang tay (khoảng hơn một mét sáu), dấu chân to hơn cái chén ăn cơm, lông màu hung vàng, vằn đen rất hung tợn. Tiếng gầm của nó vang động cả một cánh rừng. Người ta đồn đại rằng hổ ba chân từng tử chiến với beo gấm suốt hai ngày đêm ròng rã. Cây cối rung bần bật. Đất đá tung ầm ào. Tiếng gào thét của hai con thú dữ nghe rợn người. Đến ngày thứ ba chỉ có tiếng chim khướu cất lên trầm ấm, vang xa như báo hiệu giông bão đã qua, sự yên bình bắt đầu trở lại. Mấy ngày sau nữa, người dân mới dám mon men lên núi. Họ phát hiện con beo gấm dài gần hai mét nằm chết trên phiến đá gần cây đỏ sặc. Có lẽ, cuộc ác chiến đã làm cho beo gấm chết thảm và hổ bị trọng thương nên vắng bóng một thời gian.

 

Dốc Trơn đất khằn cứng lại trơn trượt và độ dốc cao. Người qua đây phải lò dò từng bước một, tay vịn nhũ đá. Vậy mà con hổ dữ đi lại như bỡn. Chưa ai thấy con hổ qua dốc Trơn bằng cách nào, chỉ nghe một cái ào là thấy con hổ đã đứng dưới dốc. Dốc Trơn chật vật đối với người dân; còn với dân phá rừng có số má thì dốc Trơn là vị trí thả gỗ lý tưởng. Bọn lâm tặc đứng trên đầu dốc đặt gỗ xuôi theo con dốc thả ong ong. Đối diện phía dưới dốc Trơn là tảng đá đen kịt dựng đứng.

 

Núi Chúa hiểm trở nhưng là nơi có nhiều gỗ quý và chim khướu. Hộc gắn bó với núi Chúa từ khi còn là cậu bé mười hai tuổi. Niềm đam mê bất tận của Hộc là chim khướu. Mỗi sáng sớm, Hộc thường lặng lẽ lên núi Chúa tìm chim khướu. Dốc Trơn là điểm đen đối với những người “nhất phá sơn lâm”, còn đối với Hộc hết sức bình thường. Hộc cứ dần dần một mình tiến lên, không cần phải đợi đông người mới dám vượt qua nơi hổ phục. Theo kinh nghiệm của người xưa, khi người ta lên núi hễ nghe có mùi hôi thối thì có thể có hổ đang rình mồi ở gần vì hổ dữ hay ăn thịt người. Mỗi ngày Hộc lên núi, xuống núi đôi lần chẳng bao giờ nghe mùi gì khác lạ ngoài cái mùi hăng hắc của nhựa cây. Có lúc ngẫu hứng, Hộc ca một câu cải lương mùi mẫn. Đến nơi, Hộc ngắt hai phiến lá mỏng đưa lên môi giả giọng chim khướu hót giòn tan. Chim khướu không hót ba hoa, kiêu ngạo như họa mi, không giống như tiếng suối reo của chích chòe. Chim khướu hót trầm hùng nhưng âm vang rất xa. Hộc hót hay đến nỗi các chàng khướu hào hoa từ đâu bay tới đậu khắp xung quanh.

 

2. Dưới chân núi Chúa có một ông lão sống trong túp lều gần bên miếu Bà Cạnh. Nghe nói bà là nữ Việt Minh chống Pháp bị giặc Pháp và tay sai bắt, tra tấn dã man, bà không hé răng khai nửa lời về tổ chức nên chúng sát hại dưới chân núi. Bà Cạnh can trường và hiển linh nên người dân quanh vùng xây miếu tôn thờ. Còn ông lão nói trên là người không gia đình, mọi người thường gọi là già Khê. Già Khê trồng hoa quả và nuôi cu rừng. Một hôm, Hộc đang mon men theo tiếng cu gáy nao lòng thì giọng nói ồm ồm vang lên: “Kìa! Thằng nhỏ! Mày định bắt trộm cu của tao hả?”. Hộc cười hì hì đi thẳng vào túp lều của già Khê: “Dạ! Không ạ! Con nghe tiếng cu hót buồn quá!”. Già Khê biết có kẻ yêu thích chim cu như mình thì thích lắm: “Ha! Ha! Ha! Cháu nhỏ có phải là Hộc “khướu” đó chăng?”. Cậu bé mừng rỡ: “Dạ! Đúng rồi ông ạ! Sao ông biết con hay vậy”. Già Khê lại cười: “Mày nổi tiếng mê khướu ở núi Chúa đấy nhé!”. Thế là một già, một trẻ say mê chuyện chim cu không dứt ra được.

 

Từ dạo ấy, Hộc thường xuyên ghé thăm già Khê. Có những lúc già Khê nấu cơm, mời Hộc ở lại dùng bữa trưa. Một hôm Hộc bày tỏ thắc mắc giữ kín trong lòng bấy lâu nay với già Khê: “Ông ơi! Ngày nào con cũng lên núi Chúa nhưng đâu thấy hổ”. Già Khê vuốt râu, cười khà khà: “Bọn lâm tặc dựng chuyện hù dọa mọi người không dám lên núi để chúng dễ bề khai thác gỗ đấy. Ngày xưa, chàng trai nào diệt hổ thì dân chúng tôn là anh hùng, còn giờ đây diệt hổ là vào tù đó biết chưa? Bọn săn bắt động vật quý hiếm riết róng lên núi bắt hổ để nấu cao, lấy đâu ra hổ ba chân bốn cẳng phục ở dốc Trơn mà ăn thịt người”. Hộc cứ tưởng già Khê là lão nhà quê khù khờ quanh năm ẩn mình dưới chân núi, nào ngờ ông lại sành sỏi mọi chuyện ở đời, đáng nể. Năm nay, Hộc mười lăm tuổi, bỏ dở việc học từ năm lớp sáu. Ba má Hộc ly hôn, mỗi người đi mỗi ngả. Lão Khê biết vậy nên thương lắm: “Thằng nhỏ! Mày ở lại đây với tao, ông cháu mình sớm tối chuyện trò được không?”. Hộc nghe già Khê nói vậy, cười tít mắt: “Y như rằng ông núp trong đầu con nên biết được ý nghĩ thầm kín. Con muốn được ở bên ông từ lâu rồi!”. Rồi thằng bé vô tư đưa ngón tay út ra cười hiền: “Ông ngoéo với con cho chắc ăn!”. Già Khê cười giòn tan: “Mồ tổ mày! Lắm chuyện!”.

 

Sau này, Hộc mới biết được già Khê dựng lều ở bên miếu Bà Cạnh để sớm tối nhang đèn là vì một lý do đặc biệt khác. Năm hai mươi tuổi, già Khê đã là trung đội trưởng bộ đội Việt Minh đánh Pháp. Bà Cạnh khi ấy là nhân viên quân y mới mười bảy tuổi. Hai người yêu nhau tha thiết. Chàng Khê thề non hẹn biển khi nào đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi quê hương yêu dấu thì sẽ cưới nàng Cạnh làm vợ. Trong một lần đưa thương binh về tuyến sau, bà Cạnh sa vào tay giặc. Hòa bình lập lại, chàng Khê phải rời quân ngũ vì trong người mang nhiều vết thương. Nặng tình với người xưa, già Khê quyết ở vậy một mình.

 

3. Trời chưa bảnh mắt, Hộc đã thấy mấy cán bộ kiểm lâm đến gặp già Khê. Họ thầm thì điều gì đó rồi đi ngay. Hộc có thói quen không xen vào chuyện người lớn. Ăn cơm xong, già Khê nói nhỏ với Hộc: “Ngày mai cháu lên núi nhớ bí mật theo dõi bọn lâm tặc đi về hướng nào. Cháu cứ tỏ vẻ thản nhiên như mọi ngày, đừng để chúng nghi ngờ điều gì nhé! Khi biết đích xác hướng đi của chúng, cháu về báo cho ông ngay!”. Hộc vốn ghét bọn lâm tặc đốn cây phá rừng làm cho đàn chim khướu di trú nơi khác, nay nghe già Khê giao nhiệm vụ thì khoái chí: “Dạ! Ông cứ tin ở con!”.

 

Đó là lúc hơn 10 giờ trưa. Có tiếng súng nổ đoàng! đoàng! trên núi Chúa. Người ta kháo nhau phen này bọn lâm tặc bị hốt trọn ổ. Xe quân đội, công an, kiểm lâm được điều tới và có cả những chiếc xe tải hạng nặng gắn cần cẩu. Các nhà báo tới tới, lui lui. Những chiếc camera, máy ảnh sẵn sàng ghi lại hình ảnh bọn lâm tặc với tang chứng, vật chứng hết đường chối cãi.

 

Gần một tiếng đồng hồ sau người ta mới thấy bọn lâm tặc lục tục kéo gỗ xuống chân núi. Đi theo giám sát chúng là lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội. Những khúc gỗ to, dài được bọn lâm tặc dùng cưa máy cầm tay cắt từ trên núi, giờ nằm sóng soãi trên bãi cỏ vấy bùn đất nhão nhoét. Chúng ngoan ngoãn móc dây cáp vào từng khúc gỗ để tài xế cẩu lên xe. Những kẻ trực tiếp phá rừng bị tra tay vào còng số 8 và bị tống lên xe đặc chủng.

 

Chiều nay, già Khê mua hoa quả sắp lên bàn thờ bà Cạnh, đốt nhang, đứng khấn vái hồi lâu. Lúc quay lại túp lều với Hộc, trông gương mặt lão mãn nguyện lắm: “Thế là ông cháu mình làm được một việc tốt!”. Hộc cũng vui mừng hớn hở: “Ông ơi! Thế nào nay mai đàn khướu cũng trở về! Cháu lại lên núi Chúa. Cái bảng hiệu “Coi chừng hổ dữ” đã bị tháo bỏ, ông có thấy chưa?”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek