Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, văn học thiếu nhi đóng góp một phần rất quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách trẻ em, để các em lớn lên trở thành những người tử tế, biết quan tâm, biết yêu thương, biết khoan dung...
Tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng tổ chức ở Phú Yên hồi tháng 4 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn học thiếu nhi đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đồng thời nhìn nhận rằng trong nhiều năm qua tại Việt Nam, sáng tạo văn học thiếu nhi đã chùng xuống, chưa được quan tâm đúng mức. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Văn học dịch dành cho thiếu nhi được xuất bản rất nhiều. Và những cuốn sách văn học nước ngoài cũng đều hướng trẻ em của đất nước họ trở thành những người tốt, những công dân tốt trong tương lai. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, trẻ em Việt Nam trở thành công dân, trở thành người tốt trong tương lai phải mang tinh thần, văn hóa Việt. Bởi thế, văn học viết bằng tiếng Việt, về những đề tài của Việt Nam, về thiên nhiên, về quê hương, làng xóm, về tổ tiên ông bà cha mẹ, về trường lớp, bạn bè... phải được tạo dựng. Và tôi nghĩ rằng các nhà văn phải lắng nghe tiếng nói, trái tim, lắng nghe tất cả những gì đang vang lên trong tâm hồn trẻ em”.
Để có những con người tử tế trong đời sống
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lưu ý rằng để 100 năm nữa, chúng ta có những công dân, những con người tử tế trong đời sống xã hội, thì chúng ta cần phải làm tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em, bây giờ. Trẻ em cần nhà ở. Trẻ em cần đến trường. Trẻ em cần có phương tiện để học tập. Trẻ em cần những điều kiện sống... Nhưng có một điều quan trọng vô cùng: Trẻ em cần có đời sống tinh thần. Ở đó, trẻ em được nhìn thấy, được khám phá và được hưởng thụ những vẻ đẹp trong đời sống thường nhật. Nhà văn có nhiệm vụ khám phá, gợi mở những vẻ đẹp ấy và mang đến cho trẻ em.
Trong hơn 2 năm qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã đưa vấn đề sáng tác văn học thiếu nhi trở thành một chiến lược lớn. Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi (trước kia là Ban Văn học thiếu nhi), triển khai những dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa và kêu gọi sự quan tâm, đóng góp của toàn xã hội. Mỗi năm, Hội Nhà văn Việt Nam dự định in từ 5-10 vạn sách mang đến cho trẻ em.
“20-30 năm sau, trẻ em là những người sẽ quyết định nhân cách của dân tộc này. Nếu các em vô cảm với những cái cây ngoài đường, dửng dưng với những vấn đề về môi trường, thờ ơ với chính gia đình mình, vô cảm với người bên cạnh; nếu các em không có khả năng chia sẻ, không có khả năng rung động, không có khả năng khóc trước những số phận bất hạnh, thì đấy là điều rất nguy hại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói. Chính vì thế, văn học thiếu nhi đóng góp một phần rất quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách các em, để các em lớn lên trở thành những người tử tế, biết quan tâm, biết yêu thương, biết khoan dung...
Trẻ em thiếu nhi ở TP Tuy Hòa giao lưu với nhà văn Trần Quốc Toàn. Ảnh: YÊN LAN |
Viết bằng tâm hồn trong trẻo
Nhà văn Lê Phương Liên, người gần cả cuộc đời gắn bó với văn học thiếu nhi, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ rằng bà rất xúc động khi đọc những tác phẩm văn học đã sống mãi với thời gian. “Tôi nghĩ rằng các tác phẩm ấy đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Bây giờ, chúng ta phải viết những tác phẩm - cũng với giọng ấy, với sự nhân hậu ấy, với những câu chuyện rất trẻ thơ ấy - nhưng trong thời đại ngày nay. Chúng ta sẽ tiếp tục viết những câu chuyện đẹp đẽ, sinh động, đầy tình cảm dành cho thiếu nhi. Và điều đó trông chờ ở các bạn viết hôm nay”, nhà văn Lê Phương Liên nói.
Cũng như những nơi khác, Phú Yên có khá ít tác giả viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến nhà văn Trần Huiền Ân với Một nửa chân trời, Mùa hè quê ngoại; nhà thơ Huỳnh Văn Quốc với Tiếng vọng ngày xanh; nhà báo Đào Đức Tuấn với Ôm tròn trái đất; tác giả Lê Pha Lê với Cuộc giải thoát siêu đẳng và Biệt thự tường bể... Tác giả Đào Đức Tuấn chia sẻ: “Tôi mê đọc từ nhỏ và có ấn tượng với các tác phẩm dành cho thiếu nhi, thế là tập tành làm thơ. Thời học cấp 1, cấp 2 ở Tuy An, tôi cùng bạn thường xuyên đi bộ đến trường. Cảnh sắc thiên nhiên và tình bạn đã giúp tôi dễ dàng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ. Vào cấp 3 học chuyên Văn ở Trường Lê Quý Đôn (Nha Trang), những sáng tác thiếu nhi của tôi được cô giáo - nhà thơ Lê Khánh Mai khuyến khích, cho đăng lên báo bảng - viết bằng phấn - của trường. Thế là tôi tiếp tục làm thơ thiếu nhi một cách tự nhiên, kể cả khi lên học Ngữ văn ở Trường đại học Đà Lạt”.
Viết cho thiếu nhi dễ hay khó? Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên cho hay: “Nếu nói dễ là nói ẩu, vì thực tế đã có những tác phẩm kinh điển về văn học thiếu nhi, chỉ riêng ở Việt Nam thôi đã thấy đây là những tác phẩm lớn trong dòng văn học nói chung chứ không riêng gì văn học thiếu nhi: Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa… Nếu nói khó thì có thể ai đó sẽ bảo “chắc mấy vị đề cao mình khi viết cho thiếu nhi” (!). Từ góc độ người viết, tôi thấy viết cho thiếu nhi không dễ, ví dụ khi viết cứ lâu lâu chen vào một câu mang tính chiêm nghiệm, đúc kết gì đó… là không còn thiếu nhi nữa. Đó là cái khó. Nhưng cưa sừng làm nghé để bi bô trong văn cho giống trẻ con, thì dễ rơi vào sự bắt chước ngô nghê”.
Tác giả Lê Pha Lê chia sẻ: “Khi viết cho thiếu nhi, người viết không nên đứng ở bên trên, dạy các em phải làm thế này, thế nọ mà hãy đặt mình vào vị trí của các em, sống trong thế giới của các em và viết”. Trong các tác phẩm của mình, chị gửi gắm tình yêu thiên nhiên, tình yêu động vật qua những câu chuyện dung dị, những hình ảnh gần gũi, như một chú chim mổ thóc, một cái cây đón nắng ven đường... “Qua những câu chuyện cụ thể và giản dị, tôi mong muốn góp phần bồi đắp trong tâm hồn các em tình yêu thiên nhiên, tình yêu động vật, yêu những gì thân thuộc chung quanh mình. Tôi cố gắng viết thật gần gũi với các em, để khi đọc, các em nói ồ, chỗ này, chi tiết này sao giống mình quá vậy”, chị Pha Lê chia sẻ thêm.
Đối với nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, viết cho thiếu nhi, chú trọng nhất là sự tự nhiên. Theo anh, nếu có sự tự nhiên thì văn chương nói chung sẽ không bị gượng ép, văn học thiếu nhi nói riêng sẽ không bị đao to búa lớn và xa rời thực tế. Nếu có sự tự nhiên thì tác phẩm sẽ gần gũi và dễ đi vào cảm thụ của bạn đọc nhỏ tuổi.
Theo tác giả Đào Đức Tuấn, văn chương diễn đạt tâm hồn nên trước hết phải viết bằng cảm xúc, viết có hồn. Anh nói: “Viết cho thiếu nhi, cần nhất là sự non tơ, tươi mát của ngôn ngữ ở lứa tuổi thiếu nhi. Tôi thấy những sáng tác của mình mà các em thích, phần lớn câu chữ đều dung dị, trực quan. Những câu chữ hô hào, gượng ép đều không phù hợp trong sáng tác cho thiếu nhi. Tất nhiên, dung dị không phải là nôm na, đơn giản, nhất là viết cho trẻ em thời thông tin tràn ngập trên internet”.
Trẻ em cần có đời sống tinh thần. Ở đó, trẻ em được nhìn thấy, được khám phá và được hưởng thụ những vẻ đẹp trong đời sống thường nhật. Nhà văn có nhiệm vụ khám phá, gợi mở những vẻ đẹp ấy và mang đến cho trẻ em.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
YÊN LAN