Thật khó nói hết những nồng nàn của người làm thơ và công chúng yêu thơ mỗi dịp rằm Nguyên tiêu trên đất Phú Yên. Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, sự háo hức được trẩy hội thơ trên núi Nhạn vẫn nguyên vẹn trong mỗi người từng duyên nợ với đêm thơ.
Bìa tập Thơ Nguyên tiêu 2023 - thơ nhiều tác giả của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Ảnh: QUỲNH HÂN |
Nghệ sĩ Nguyên Đạt - người luôn gắn với hình ảnh chiếc mũ bê-rê và cây sáo trúc bên tháp cổ đêm trăng thuở nào, nay dù đã định cư nơi đất khách quê người, vẫn đau đáu nhớ về một đêm Nguyên tiêu xứ sở:
“Ươm thơ từ buổi thu - đông
Hong thơ từ ngọn lửa lòng chờ xuân
Nguyên tiêu gặp gỡ tri âm
Bên thềm Nhạn Tháp thả dòng sông trăng”
(Trăng về Nhạn Tháp)
Người từng gắn bó trên mảnh đất Phú Yên thì như vậy, còn thi khách bốn phương dẫu chỉ đến một vài lần hoặc chưa từng ghé Phú Yên, thì điều đọng lại trong thơ họ vẫn không khác gì nơi “đã hóa tâm hồn” từ lâu:
“Trăng đầu tháng chênh chao nghiêng xuống phố
Đêm Tuy Hòa anh say với men thơ
Tạm biệt Phú Yên trong thương nhớ bùi ngùi
Tháp Nghinh Phong vươn đôi cánh sóng
Gành Đá Đĩa nằm im nghe biển động
Xứ hoa vàng ký ức mãi xanh non!”
(Lê Minh Vũ - Ngang qua Phú Yên)
Từ nơi cuối đất Cà Mau, nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều tuy không về dự hội thơ nhưng đã Nhắn với sông Ba:
“Trăng treo tháp Nhạn nỗi niềm
Sông Ba trở giấc
Phú Yên đượm tình
Sông Ba vừa lạ vừa quen
Cầm con sóng nhỏ
Em quên lối về…”
Có thể nói, nét “vừa lạ vừa quen” ấy cũng là đặc điểm của nội dung tập Thơ Nguyên tiêu 2023, khi mà chủ đề vẫn trăng, vẫn xuân, vẫn tình yêu muôn thuở với đất nước con người nói chung và Phú Yên nói riêng.
Tuy nhiên, qua những chủ đề truyền thống ấy, các tác giả quen thuộc với hội thơ thường niên đã đem lại những miền cảm xúc khác lạ với sự khoáng đạt trong thi hứng:
“Tháng ngày sẻ chia
tháng ngày lầm lỗi
những chú ngựa non trên cao nguyên Langbian
cứ lướt đi trước khi thời gian ghìm cương
tung vó bốn phương lại chất chồng dại dột
nhưng làm sao được dại dột như xưa
Làm sao quên những tháng ngày hào hiệp”
(Đào Đức Tuấn - Những ngày hào hiệp)
Người trẻ thì như vậy, còn người đã qua ngưỡng cổ lai hy vẫn làm ta giật mình không kém:
“Thời gian không đợi không chờ
Tuổi thơ mất trắng - dại khờ còn xanh”
(Bửu Huy - Dấu xưa)
Thời gian không chờ đợi ai. Nhưng dại khờ thì không bao giờ có tuổi. Và, hai câu thơ này đã vượt qua tuổi tác!
Ai về Phú Yên cũng có thể nhớ về “cái gió Tuy Hòa” của Trần Mai Ninh, “ngọn gió cực Nam” của Trần Vũ Mai… Từ Hà Nội, nhà thơ Vũ Trần Anh Thư đã góp vào tập thơ một nét lạ về ngọn gió nơi đây:
“Bay qua đại dương
cánh chim quẫy vào ban mai
ngân trong mây tiếng đàn đá
hòa âm trời biển
gió ngàn năm dào dạt đất này
Anh khuấy ly cafe vị biển
lanh canh gió
Tháp Nghinh Phong thức gọi mặt trời”
(Lanh canh gió Phú Yên)
Một gương mặt mới của hội thơ trong vài ba năm nay là Phan Huy Thùy, với đề tài quen thuộc và phảng phất Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… nhưng vẫn đem lại sự tươi mới bởi cảm xúc vẫn dạt dào với hồn quê Việt mỗi độ xuân về:
“Ký ức thơm hương rim gừng rim bí
Củ kiệu dưa hành bánh thuẫn nhà ai
Tiếng nói cười người về sau buổi chợ
Chất mùa xuân trên quang gánh đường dài.
Bánh chưng xanh khói hương trầm thành kính
Mạch nguồn xưa tưới mát đến mai sau
Tết về quê với muôn điều chưa cũ
Như nhành mai rực rỡ buổi xuân đầu”
(Về với tết quê)
Cũng có thể nói, thơ Nguyên tiêu dù có lặp đi lặp lại hằng năm, nhưng vẫn “Như nhành mai rực rỡ buổi xuân đầu”. 85 tác giả với gần 100 bài thơ, trong đó có 20 tác giả ngoài tỉnh, đã làm cho tập sách Thơ Nguyên tiêu 2023 của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên trở thành “món quà đầu xuân thật ấm áp” như lời một nhà thơ bày tỏ, đã góp phần làm cho sự trở lại của hội thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên càng thêm lan tỏa về phương diện thời gian và không gian bên ngoài núi Nhạn.
HUỲNH VĂN QUỐC