Thứ Năm, 03/10/2024 03:40 SA
Ngôi nhà có nhiều... chóe rượu
Chủ Nhật, 28/09/2008 07:30 SA

Hơn 20 chóe rượu đã được gia đình Mí Hố ở buôn Lé A, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa lưu giữ hàng chục năm nay. Cùng với cồng chiêng, vòng kiềng trang sức, thổ cẩm...,…chóe rượu cần là một trong những gia tài, hiện vật văn hóa giá trị của người dân tộc thiểu số Ê Đê ở đây.

 

miho-080927.jpg

Mí Hố: “Cái chóe này mẹ tôi phải đổi 4 con bò...”.  - Ảnh: Q.THANH

 

Ở nhà Mí Hố, chóe rượu cần được sắp rất lớp lang, cột dọc theo những bức tường gỗ của ngôi nhà sàn rộng lớn. Chóe cao, chóe thấp; chóe lớn, chóe nhỏ; chóe cũ, chóe mới; chóe màu sậm, chóe màu sáng... đứng chen lẫn vào nhau, tạo nên một không gian sắc màu thật bắt mắt.

 

Mí Hố, ngoài 60 tuổi đã thành bà ngoại, bà nội, kể: Rượu cần là đặc sản của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nhà tôi quanh năm làm rượu để đến dịp lễ hội nào đó là cả nhà, cả xóm quây quần lại uống rượu. Ở buôn làng của bà, uống rượu cần không phải chỉ có đàn ông, mà cả đàn bà cũng coi đó là thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ trọng. “Thậm chí, đàn bà còn biết gìn giữ chóe đựng rượu hơn cả đàn ông đấy” – Mí Hố cho biết. Theo phong tục người Ê Đê, trong lễ vật của một cô gái đi cưới chồng, ngoài bò, heo, vòng kiềng, đồ thổ cẩm..., loại lễ vật không thể thiếu để nộp cho mẹ đàng trai là một, hai chóe rượu cần. Chỉ vào hai chiếc chóe, một có màu vàng nhạt, một màu nâu sậm, Mí Hố cho biết: “Ngày tôi đi cưới ông Ma Hố, mẹ tôi chuẩn bị 2 cái chóe này. Cái màu vàng đổi đến bốn con bò, chóe màu nâu này là 2 con heo”.

 

Trong số hơn 20 cái chóe trong nhà, Mí Hố nói rằng có cái của bà ngoại bà mua từ thời Pháp thuộc, có cái sau này đổi gà đổi heo cho những người đi bán dạo từ Gia Lai, Đắk Lắk mang xuống Krông Pa này. Bà thổ lộ: “Đồng bào chúng tôi quý những cái chóe này lắm. Hồi chiến tranh giặc giã, nhà tôi phải chôn giấu 5 cái chóe dưới lòng sông Cà Lúi. Đến ngày hòa bình mới đào lên, giữ lại cho đến bây giờ. Giữ được chóe cũng như giữ được của cải mà ông bà để lại”.

 

Ông Rô Ô Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa, cũng là một già làng ở buôn Lé A, cho biết: “Chóe rượu là tài sản quý giá thứ hai đối với đồng bào dân tộc Ê Đê ở đây, chỉ sau cồng chiêng. Nhiều chóe rượu trong nhà cũng nói lên được sự sung túc của một gia đình. Ngày trước, của cải ông bà được thể hiện qua số lượng cồng chiêng, chóe rượu trong nhà, chứ đâu ai trữ vàng bạc gì. Nhà Ma Hố, Mí Hố là một trong những gia đình còn lưu giữ được nhiều chóe rượu nhất xã Krông Pa này, trong đó còn nhiều chóe tốt, được giữ hàng chục năm qua, nghĩa là giữ được những vật thể văn hóa của buôn làng”.

 

Ông Rô Ô Thơm cũng nói rằng, trong những dịp lễ hội của thôn, của xã, người dân và chính quyền cũng đến mượn các chiếc chóe tốt của nhà Mí Hố về ủ rượu cần. “Có những cái chóe tốt, giá trị, cổ xưa được đặt trang trọng trong lễ hội để mọi người cùng chung vui thì sự long trọng càng tăng thêm lên. Bởi vậy, chúng tôi phải tuyên truyền người dân nên nhìn cách gìn giữ của nhà Mí Hố, để cố gắng không cho chóe rượu “chảy máu” như cồng chiêng, vì gần đây có nhiều người đi gạ đổi chóe cũ có giá trị để lấy chóe mới chỉ vài chục ngàn đồng” – ông nói.

 

QUỐC THANH – LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mỹ nhân nóng bỏng của James Bond
Thứ Bảy, 27/09/2008 14:30 CH
Hội thảo di sản văn hóa đá ở Phú Yên
Thứ Bảy, 27/09/2008 10:30 SA
Tương kế tựu kế
Thứ Năm, 25/09/2008 14:30 CH
Cần được khoanh vùng bảo vệ
Thứ Năm, 25/09/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek