Thứ Ba, 01/10/2024 20:45 CH
Niềm vinh dự của ông - Truyện ngắn của Đinh Ngọc Hùng
Chủ Nhật, 29/01/2023 08:00 SA

Minh họa: PV

- Huy đấy hả con, cuối tuần này vợ chồng con thu xếp về quê nhé.

 

Đầu năm, tôi đang vùi đầu vào công việc thì bố gọi điện. Nghe bố nói, tôi giãy nảy lên:

 

- Ôi bố ơi, không được đâu. Mấy cuối tuần tới chúng con và các cháu cũng chưa chắc về quê thăm bố mẹ được đâu. Có khi phải đến sang tháng.

 

Bố tôi cất giọng nghiêm nghị:

 

- Bố biết thời đại của các con có nhiều biến chuyển buộc các con phải thay đổi cách sống cách nghĩ cho phù hợp để bắt nhịp. Nhưng dù bận bịu, bố vẫn muốn vợ chồng con thu xếp công việc để cuối tuần này về quê dự lễ ông nội được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

 

Nghe bố nói, tôi thốt lên:

 

- Đúng là việc hệ trọng. Vậy để vợ chồng con bàn bạc thu xếp công việc đã ạ.

 

Sinh ra ở vùng nông thôn nhưng ông nội tôi được gia đình cho ăn học và sớm có lý tưởng yêu nước. Năm 1944, ông ra Hải Phòng xin vào làm công nhân một nhà máy sửa chữa ô tô. Trong quá trình làm việc, ông giác ngộ cách mạng và tham gia Việt Minh với nhiệm vụ giao thông liên lạc.

 

Do tình hình chiến sự, tháng 3/1945, ông về quê tản cư và nhanh chóng bắt nhịp với phong trào cách mạng tại địa phương. Là một trí thức trẻ, ông được giao làm giao thông liên lạc Việt Minh và lực lượng tự vệ của thôn.

 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, cơ sở quần chúng và tổ chức Việt Minh ở địa phương phát triển nhanh chóng. Nhận chỉ thị cấp trên, ông cùng các cán bộ Việt Minh tích cực vận động người dân đấu tranh, phá các kho thóc, chống thuế, chống thóc tạ của địch để cứu đói. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, hàng ngàn người được huy động đi phá kho thóc của Nhật, lấy thóc ở nhà nhiều tên hào lý cứu đói cho dân. Đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng, Nhân dân trong huyện càng hăng hái, tích cực tham gia cách mạng. Người dân nhiều nơi công khai mang cờ, khẩu hiệu, luyện tập quân sự.

 

Một trong những chuyện hồi bé ông kể khiến tôi thích nhất là ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà. Khi nghe tôi kể lại, lũ trẻ cũng nghe như nuốt từng lời. Càng gần ngày khởi nghĩa, không khí chuẩn bị giành chính quyền ở quê tôi càng khẩn trương. Tối 18/8/1945, ông nhận được mật lệnh của tổ chức, sáng mai ta sẽ hành động. Các đoàn Việt Minh và tự vệ các xã trong huyện sẽ tập trung biểu dương lực lượng kéo vào huyện đường. Mặc dù đã tham gia làm liên lạc của Việt Minh, tiếp nhận và chuyển đi nhiều tin quan trọng song chưa bao giờ ông tôi thấy hồi hộp cộng với phấn chấn như lần này.

 

Như kế hoạch đã định, sáng hôm sau, ông dậy sớm chuẩn bị rồi ra chỗ tập kết. Đúng 9 giờ sáng 19/8/1945, huyện tôi như vỡ òa bởi dòng người ùn ùn từ các ngả đường đổ về. Rồi không ai bảo ai, tất cả hướng theo lá cờ đỏ sao vàng phía trước rầm rập tiến bước. Đoàn của ông tôi hòa vào dòng người diễu qua phố rồi vào huyện. Vừa đi mọi người vừa giơ tay hô vang khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Nhân dân ta vùng lên cướp lấy chính quyền”, “Đả đảo bọn phát xít tay sai”. Đoàn quân cách mạng đi đến đâu, Nhân dân theo đến đó, tạo nên sức mạnh như vũ bão. Trong tay không có vũ khí song tinh thần sục sôi cao độ. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên buổi biểu dương lực lượng diễn ra thuận lợi. Dưới lá cờ đỏ sao vàng vừa được kéo lên, đại diện Việt Minh huyện tuyên bố giành chính quyền cách mạng và giải thích trước đông đảo người dân các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Sau đó, ông cùng lực lượng tự vệ kéo vào huyện đường thu giữ giấy tờ sổ sách, giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh cho nha lại, lính cơ và tạo điều kiện cho họ đi theo cách mạng hoặc về với gia đình. Nhân dân náo nức trong niềm hân hoan vô bờ.

 

Sau khi giành chính quyền, Ban Cán sự Việt Minh huyện đã họp cử ra Ủy ban Cách mạng lâm thời. Là người trẻ tuổi, ông được giao phụ trách công tác thanh niên của huyện. Nhiều ngày sau đó, ông cùng anh em tỏa về các xã tuyên truyền sự kiện giành chính quyền thắng lợi ở huyện và vận động Nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng.

 

Nỗ lực trong công tác, cuối năm 1948, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ông được giao đảm trách nhiều cương vị như tổ trưởng tuyên truyền, huyện ủy viên phụ trách dân vận.

 

Từng có thời gian làm việc tại Hải Phòng, năm 1949, theo sự điều động của cấp trên, ông tôi ra đó công tác. Năm sau, quân Pháp tiến hành càn quét, tổ công tác của ông tôi gồm 9 người bị địch vây hãm nửa tháng trong hang núi ở huyện Thủy Nguyên. Khi bị bắt, vừa lên khỏi hang, ông và các đồng đội bị chúng đánh chết đi sống lại song nhất quyết không khai. Trong ngục, ông vẫn tìm cách liên lạc với tổ chức, duy trì hoạt động và được cử làm bí thư chi bộ nhà tù. Sau cuộc tổ chức cho hơn 100 tù nhân vượt ngục, chúng liệt ông vào hàng cầm đầu, bị tra tấn dã man. Có lúc chúng tưởng ông đã chết, đem bỏ ra sân đợi đi chôn. Hôm sau thấy ông còn sống, chúng đưa về nhà thương dưỡng bệnh rồi năm 1950 đày ra Côn Đảo. Ông bị nhốt ở xà lim chuồng cọp số 7 với nhiều chiến sĩ cộng sản. Nhưng xiềng xích của giặc không khuất phục được ý chí người cộng sản. Cái chết cận kề, trong ngục, ông và các đồng chí vẫn tổ chức sinh hoạt Đảng, học văn hóa. Đến tháng 8/1954, ông được thả tự do theo hình thức trao đổi tù binh trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ do tê phù và lao phổi. Ra tù, ông được phân công về nhận nhiệm vụ tại Khu ủy Tả ngạn rồi về tỉnh công tác cho đến ngày nghỉ hưu.

 

Sau bữa cơm tối, lúc cả nhà ngồi uống nước, ăn hoa quả, tôi mang chuyện bố gọi điện ra nói và bàn đến việc thu xếp về quê. Lúc đầu, vợ tôi cũng giãy nảy nhưng khi biết mục đích chuyến đi, cô ấy gật đầu:

 

- Đúng là một sự kiện trọng đại. Vợ chồng mình phải thu xếp về anh ạ. Đây là vinh dự lớn không chỉ của ông mà còn của cả gia đình ta.

 

Nghe bố mẹ bàn đến chuyện về quê, hai đứa trẻ vui ra mặt. Là bởi mỗi lần về quê, chúng được ông bà cho ra cánh đồng chơi hay ra sông ngắm tàu thuyền qua lại và xem lũ trẻ thả diều. Dù vui song đứa con trai lớn cũng không quên thắc mắc câu chuyện của bố mẹ:

 

- Huy hiệu Đảng là gì mà cụ nội được trao tặng cả nhà mình lại phải về quê dự hả bố?

 

Là một đảng viên nên tôi hiểu ý nghĩa cũng như niềm vinh dự khi được xét tặng huy hiệu Đảng. Không chỉ là sự ghi nhận của Đảng với những công sức, đóng góp của đảng viên đã có những cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà đây còn là phần thưởng cao quý mà Đảng dành tặng các đảng viên trung kiên. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, huy hiệu Đảng là biểu tượng cho sự phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của các đảng viên. Tôi cố dùng những từ ngữ đơn giản nhất để giải thích cho hai đứa trẻ, để chúng thấy được niềm vinh dự, tự hào của gia đình trước sự kiện này.

 

Nghe bố nói, cô con gái học lớp ba mắt xoe tròn thốt lên:

 

- A con hiểu rồi. Cụ nội được nhận huy hiệu Đảng cũng như con và anh Hải học tập tốt cuối năm được thưởng giấy khen phải không bố?

 

Vợ chồng tôi xoa đầu cô bé, gật gật:

 

- Ừ. Cũng có thể hiểu như thế.

 

Vợ chồng tôi cũng thu xếp được thời gian cuối tuần về quê tham dự lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng của ông nội. Sáng đó, cả nhà ra phố đặt một lẵng hoa thật đẹp rồi lên xe. Những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông nội mà tôi biết được kể suốt hành trình.

 

Nghe tôi kể, lũ trẻ xuýt xoa:

 

- Cụ nội và các đồng đội anh dũng quá. Bị địch tra tấn dã man trong lao tù vẫn không khai báo. Năm tới trong cuộc thi kể chuyện của thành phố, chúng con sẽ đăng ký kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ.

 

Buổi trao tặng huy hiệu Đảng diễn ra trang trọng tại hội trường UBND xã. Mặc dù tuổi đã cao, lãnh đạo huyện cũng ngỏ ý muốn tới nhà trao tặng huy hiệu Đảng song ông không đồng ý. Ông bảo mình còn khỏe, còn đi lại được, muốn đến nhận tại hội trường để còn gặp gỡ các thế hệ đảng viên của địa phương.

 

Lúc lãnh đạo huyện thay mặt gắn huy hiệu lên ngực ông, không chỉ những người trong gia đình tôi mà cả hội trường đều xúc động. Gương mặt già nua của ông hiện rõ sự tự hào khi nhận bó hoa tươi thắm.

 

Lúc tôi lái xe đưa cả nhà về qua cánh đồng làng, bỗng ông tôi bảo:

 

- Huy, dừng xe cho ông xuống đây một lát.

 

Cả nhà còn ngơ ngác chưa hiểu gì thì bố tôi đã nói:

 

- Ông muốn ra thăm bà. Nào cả nhà ta cùng ông ra đó.

 

Bố tôi dìu ông đi trước, mẹ tôi bước sau ôm bó hoa mà lãnh đạo huyện trao tặng. Tiếp đến là vợ chồng tôi dắt hai đứa nhỏ. Cả nhà tôi bước giữa cánh đồng mùa xuân đang vào vụ cấy. Tới mộ bà nội, trong lúc cả nhà tôi kính cẩn cúi đầu, ông tôi cầm bó hoa tiến đến đặt trước bia mộ thì thầm:

 

- Bà ơi, hôm nay tôi vinh dự được Đảng trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Có được niềm vinh dự đó cũng là nhờ có bà đã không quản hy sinh, luôn là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác, cống hiến. Chỉ tiếc bà ra đi trước nên không có mặt. Bó hoa này tôi xin được tặng cho bà.

 

Nghe ông nói, cả gia đình tôi không ai cầm nổi sự cảm động. Khắp cánh đồng, mưa xuân lay phay rắc bụi. Trong mưa có thể nghe rõ tiếng mầm xanh cựa mình.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek