Thứ Ba, 21/01/2025 19:28 CH
Hiên nhà Việt
Thứ Sáu, 20/01/2023 18:12 CH

Trong tâm thức của rất nhiều người Việt, hiên nhà là chốn thân thương. Đó là một không gian độc đáo của ngôi nhà, nơi đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, nơi tràn ngập sắc hương mỗi khi tết đến xuân về.

 

Một ngôi nhà xinh xinh với những mái hiên. Nguồn: KIENTRUCSUVIETNAM

 

Chuyện về hiên nhà Việt - từ không gian kiến trúc, không gian lưu giữ ký ức đến không gian trang trí và những biến đổi của hiên nhà trong dòng chảy thời gian được chia sẻ trong Bàn tròn Zalo.

 

Mái hiên che chở ngôi nhà

 

TS NGUYỄN ĐỊNH, NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG PHỤ TRÁCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN:

 

Đối với giới nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là hai nhà nghiên cứu văn hóa lớn ở Việt Nam là GS Trần Quốc Vượng và GS Trần Ngọc Thêm, ngôi nhà - hay nơi ở nói chung - thuộc về văn hóa cư trú, là một bộ phận của văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Cho nên ngôi nhà Việt Nam, từ ngôi nhà truyền thống đến ngôi nhà hiện đại - là sản phẩm văn hóa thuộc bộ phận văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên.

 

Trong tiến trình văn hóa Việt Nam, nếu phân chia theo thời gian thì có văn hóa truyền thống (văn hóa cổ truyền) và văn hóa đương truyền hiện đại. Ứng với hai loại hình văn hóa trên, chúng ta có ngôi nhà truyền thống và ngôi nhà hiện đại đương truyền; Theo đó, đặc điểm hiên nhà có sự biến đổi.

 

Ngày xưa, vùng nông thôn ở Việt Nam, nhà tranh là chính. Cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi văn hóa Việt Nam giao thoa với văn hóa của phương Tây, nhà ngói mới xuất hiện. Trong một công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ cho biết, đầu thế kỷ XX, nông thôn Phú Yên rất ít nhà ngói. Ở đồng bằng, có làng chỉ một vài nhà. Vùng cao thì có nơi cả tổng (9, 10 làng) không có một nhà ngói. Hiên nhà ngày xưa gắn liền với ngôi nhà truyền thống - nhà tranh và gắn với một số ít ngôi nhà ngói xuất hiện vào đầu thế kỷ XX...

 

KTS LIÊU TRỌNG HOÀNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH KIẾN TRÚC XÂY DỰNG LIÊU HOÀNG (TP HỒ CHÍ MINH):

 

Vì sao nhà ở Việt Nam thường có hiên? Đầu tiên là do khí hậu nóng ẩm; mùa khô thì nắng nhiều, đến mùa mưa, mưa cũng nhiều. Ngày xưa, khi nhà ở còn thô sơ, cửa sổ được che bằng những vật dụng có thể che được, sau đó người ta dùng những tấm phên, liếp chống ngược lên để nắng không chiếu vô nhà, mưa cũng không hắt vô. Theo thời gian, khi kỹ thuật xây dựng phát triển hơn, thay vì dùng những tấm phên, liếp để che nắng che mưa, người ta làm mái hiên che chung quanh ngôi nhà. Có những vùng, mái hiên che cả bốn phía của ngôi nhà; có vùng, mái hiên che hai mặt - trước và sau; có nơi, mái hiên chỉ che mặt trước của ngôi nhà.

 

Một ngôi nhà xinh xinh với những mái hiên. Nguồn: KIENTRUCSUVIETNAM

 

Hiên nhà xuất hiện là do yếu tố khí hậu. Mái hiên làm mát ngôi nhà vào mùa nắng, che chắn trong mùa mưa để nước không hắt vô nhà. Rồi từ chỗ khắc chế khí hậu, hiên nhà có thêm công năng. Ở nông thôn, hiên nhà là nơi nông dân để tạm lúa giữa những ngày phơi lúa, để dụng cụ lao động, treo võng nằm cho mát... Ở làng biển, hiên nhà là nơi để dụng cụ đánh bắt cá, là chỗ để đan lưới, vá lưới. Tại nhiều nơi ở vùng sông nước Nam Bộ, hiên nhà cũng là bến để thuyền cập vô. Ở miền núi, nhà sàn cũng có hiên, là nơi phơi nông sản, quần áo... Công năng của hiên nhà thay đổi theo từng vùng miền.

 

CHỊ TRẦN TÚY HẰNG (TIỂU BANG CALIFORNIA, HOA KỲ):

 

Hiên nhà, trước hết là để che nắng che mưa; khi trời nắng gắt thì hơi nóng cũng không áp vào trong nhà và trời mưa thì cũng không tạt vô nhà. Hồi ở quê, hiên nhà còn là nơi ba má tôi để lúa, sắn bắp, đậu xanh, đậu đen... sau khi thu hoạch. Trên hiên cũng có thể kê một cái bàn để ngồi uống trà. Hiên nhà còn là nơi cả gia đình tất bật chuẩn bị khi có đám giỗ. Thỉnh thoảng, vào những ngày nóng nực, một cái võng trân - loại võng được đan từ những sợi đay bện lại - mắc qua hai cây cột nơi hiên nhà. Đó là nơi rất lý tưởng để nằm nghỉ trưa. Hiên nhà Việt có rất nhiều công dụng. Ở quê, nhà mà không có hiên là không được rồi đó!

 

Hiên nhà trong dòng chảy thời gian

 

KTS LIÊU TRỌNG HOÀNG:

 

Ngày xưa, người dân sống trong những ngôi nhà vách đất, mái lợp bằng rơm rạ, lá tranh, lá dừa... Hồi đó hiên nhà - có nơi gọi là hàng ba - hẹp, vì cột tre, kèo tre không đủ sức nâng đỡ mái hiên rộng. Sau đó, những gia đình giàu có dựng nhà gỗ, lợp ngói, rồi có nhà xây lợp ngói. Nghề mộc phát triển, nơi hiên nhà, cột gỗ được chạm trổ công phu. Có những gia đình giàu, họ khảm xà cừ lên cột kèo.

 

Kỹ thuật xây dựng phát triển, cho phép người ta nới rộng khoảng cách giữa các cây cột. Hiên nhà rộng hơn, trở thành nơi tiếp khách. Hàng ba của những nhà giàu rất rộng, từ 1m8 đến 2m5. Ở Nam Bộ, giữa hàng ba họ đặt một cái bàn để tiếp khách, hai bên là hai bộ ván gõ. Hiên nhà là nơi cần làm đẹp.

 

Khi kỹ thuật xây dựng của phương Tây du nhập sang, những ngôi nhà bằng bê tông cốt thép xuất hiện. Lúc đầu, người Pháp “đem” ngôi nhà ở xứ ôn đới sang. Họ xây nhà y như ở bên đó. Sau một thời gian, họ nhận ra ngôi nhà không phù hợp với khí hậu nóng ẩm nên điều chỉnh, biến tấu hiên nhà của người Việt. Và bên ngoài cái hiên bao bọc xung quanh nhà, họ xây thêm bức tường.

 

Giữa các cột, họ làm cửa sổ; lớp ngoài là cửa lá sách, lớp trong là cửa kính, trong cùng có một lớp chống muỗi. Khi xây bức tường xung quanh hiên nhà thì nhu cầu làm cho đẹp ngôi nhà rất là cao, với nhiều phong cách. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi đến miền Nam tham quan nhà của các đại phú hộ ngày trước, như nhà Công tử Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu, hay lên Đà Lạt tham quan dinh thự của cựu hoàng Bảo Đại. Những bức tường đó có thể được trang trí, kẻ chỉ theo phong cách kiến trúc Roman với cửa sổ vòm cong tròn, hoặc theo phong cách kiến trúc Gothic với những cửa sổ vòm nhọn, và chạm trổ, điêu khắc...

 

Sau này, đất chật người đông. Tại các đô thị, nhà ở hầu hết là nhà liên kế; hiên nhà không còn nữa. Có những nơi, hiên nhà biến tấu thành những... tấm bạt di động đủ màu sắc. Bây giờ, khi những ngôi nhà lắp ghép được quan tâm và xuất hiện ngày càng nhiều, người ta làm đẹp hiên nhà bằng cách nào? Họ cắt những tấm kim loại thành hoa văn trang trí để tạo bóng râm có hoa văn đổ xuống nền hiên. Đó là một hiệu ứng kiến trúc.

 

Hiên nhà rất đa dạng. Vẻ đẹp của hiên nhà cũng đa dạng lắm!

 

TS NGUYỄN ĐỊNH:

 

Đặc trưng thứ nhất của mái hiên, là được lợp theo vật liệu lợp nhà: Nhà tranh thì mái hiên cũng bằng tranh; nhà ngói thì mái hiên là mái ngói. Đến ngôi nhà hiện đại thuộc văn hóa đương truyền, mái hiên có thể được lợp bằng tôn, nhựa hoặc xây bằng bê tông. Khí hậu ở Việt Nam nóng ẩm, nắng - mưa nhiều. Tính năng đầu tiên của hiên nhà là che nắng che mưa. Khi đời sống được nâng lên, nhà ngói thay thế nhà tranh, đến bây giờ là nhà bê tông cốt thép, nhất là ở khu vực đô thị. Theo thời gian, hiên nhà trở nên hữu dụng hơn, không chỉ để che nắng che mưa mà trở thành một không gian phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong gia đình; có nơi dành một góc hiên để cất giữ nguyên vật liệu sản xuất. Người ta dọn cơm ăn hay ngủ dưới hiên nhà. Mùa gió nồm, nằm ngủ ở đó rất mát.

 

Hiên trước nhỏ xinh của một ngôi nhà ở Mỹ. Ảnh: TÚY HẰNG

 

Hiện nay, tôi thấy ở một số nơi, hiên nhà còn được dùng để tiếp khách. Rõ ràng, theo thời gian, tính năng/công dụng của hiên nhà cũng thay đổi.

 

Tôi muốn nói một chút về cấu trúc. Hồi xưa, có những nơi như ở khu vực Bắc Trung Bộ, người ta cất những ngôi nhà ba gian, năm gian; mái hiên che cả ba gian, năm gian ấy. Nhưng cũng có nơi, mái hiên chỉ che phía trước gian chính. Cấu trúc của hiên trong ngôi nhà truyền thống là như vậy. Nhưng hiện nay, hiên nhà hiện đại không chỉ ở phía trước. Có khi hiên ở bên hông nhà, mái hiên gắn vô tường. Theo tôi, đây là thay đổi đáng kể của hiên nhà, là sự khác biệt rất sâu sắc giữa hiên của ngôi nhà truyền thống với hiên của ngôi nhà hiện đại.

 

Độc đáo những hiên nhà

 

KTS LIÊU TRỌNG HOÀNG:

 

Nét độc đáo của ngôi nhà Việt truyền thống là không gian mở trong kiến trúc. Do khí hậu nóng ẩm, ngôi nhà phải thoáng với những cửa sổ, hiên phải rộng. Khi trời nóng, gió lùa vô, không khí lưu thông, ngôi nhà thông thoáng, mát mẻ. Hiên nhà là một giải pháp thông minh trong xây dựng nhà ở. Còn ở những nơi khí hậu nóng và khô như Tây Nam Á, châu Phi thì nhà ở được thiết kế với không gian đóng, để chống thoát hơi nước.

 

Nhà ở xứ ôn đới không có cái hiên giống như nhà Việt. Kiến trúc nhà ở của xứ ôn đới có sự phô diễn. Vì không có hiên nên nó phô diễn ra ngoài, rất dễ tạo hình khối đẹp. Còn nhà truyền thống ở Việt Nam, vì có hàng ba nên hình khối lùi vào. Người phương Tây qua đây, đã học chúng ta để xây dựng nhà ở phù hợp với khí hậu, còn nhiều người Việt thì bị thu hút bởi vẻ đẹp phô diễn của kiến trúc nhà ở xứ ôn đới. Nếu biết chọn lọc, hài hòa giữa yếu tố phô diễn và phù hợp với khí hậu thì sẽ rất tuyệt vời.

 

Với những ngôi nhà có hiên ở nông thôn, hầu hết sinh hoạt trong gia đình dường như tập trung tại hiên nhà. Khi xuân về tết đến, hiên nhà là nơi tiếp khách, tiện lợi nhất, mát mẻ nhất. Hiên nhà trở thành bộ mặt của ngôi nhà, thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà, nên mọi trang trí tập trung ở đó.

 

TS NGUYỄN ĐỊNH:

 

Hiên nhà đã thay đổi theo thời gian, không gian. Tuy nhiên, nó vẫn phải đảm bảo những yêu cầu về xây dựng gắn với văn hóa của người Việt: Thứ nhất là phục vụ sinh hoạt gia đình, thứ hai là đảm bảo phong thủy trong xây dựng, thứ ba là đảm bảo tính thẩm mỹ - đối với những gia đình không chật vật về kinh tế và quan tâm đến thẩm mỹ. Đây cũng là một yêu cầu trong xây dựng. Và một yêu cầu nữa trong xây dựng ngôi nhà truyền thống là phải hài hòa. Như vậy, cho dù hiên nhà thay đổi từ chức năng che nắng che mưa đến phục vụ sinh hoạt, làm nơi chứa nông cụ sản xuất... thì cũng không phá vỡ những nguyên tắc này.

 

Hiên nhà đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn trong mạch văn hóa Việt Nam. Và mỗi khi tết đến xuân về, khách đến chơi nhiều. Người ta không chỉ bài trí hoa ở trong nhà mà còn bài trí trước hiên sao cho hài hòa, cho đẹp.

 

CHỊ TRẦN TÚY HẰNG:

 

Hiên nhà ở Mỹ khác với hiên nhà Việt. Đó là một khoảng không gian nhỏ, không bao bọc hết ngôi nhà. Nếu hiên phía trước nhà thì nó rất nhỏ, có thùng thư, có cây đèn gắn trên tường. Cạnh đó có thể đặt một chiếc xích đu nhỏ hoặc một cái bàn nhỏ xíu. Chủ yếu đó là một khoảng đệm trước khi vô nhà - nơi họ để giày là chính. Nếu hiên ở sau nhà, đó thường là nơi để dụng cụ làm vườn.

 

Hiên nhà bên Mỹ không có nhiều công năng như hiên nhà ở vùng nông thôn Việt Nam. Hiên nhà ở Mỹ chẳng qua chỉ... trưng cho vui thôi, trang trí là chính.

 

Người Mỹ không tiếp khách ở hiên nhà, còn người Việt mình thì có. Người Mỹ bước qua hiên và mang giày vô nhà. Còn người Việt sẽ để giày trên bậc thềm rồi mới bước lên hiên.

 

 

Chuyện từ hiên nhà

 

TS NGUYỄN ĐỊNH:

 

Ngày trước, hiên phía đông nhà tôi có cái bếp. Cha mẹ tôi không lợp tranh mà làm giàn cho bầu, bí, mướp leo lên; tới mùa nó ra trái.

 

Giàn bầu, bí, mướp xanh rợp, thay cho mái hiên ở phía đông, nhìn rất thích. Tôi nhớ nhất là “mái hiên” đó.

 

 

 

 

 

KTS LIÊU TRỌNG HOÀNG:

 

Hiên nhà rất gần gũi với người Việt. Nhà không có hiên, cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

 

Hiên nhà tác động sâu sắc đến tôi trong quá trình hành nghề kiến trúc.

 

Khi thiết kế bất kỳ ngôi nhà nào, tôi đều đưa hiên vô. Đó là giải pháp làm mát ngôi nhà. Hiên nhà đã dạy tôi bài học đó.

 

Nhà tôi ở TP Hồ Chí Minh. Tôi thiết kế một khoảng đệm có mái hiên nhỏ và thả hai bức mành. Nhờ có cái hiên đó và nhờ các cửa sổ, nhà tôi không cần phải sử dụng máy lạnh, dù ở hướng Tây Nam. Nếu tôi không xử lý như vậy thì nắng sẽ chiếu vô nhà, rất nóng. Tiêu chí thiết kế của tôi là gần gũi, hài hòa với thiên nhiên.

 

Tôi nhớ nhất là hiên nhà ở quê, trong những đêm hè ngày trước. Những đêm trăng sáng, trải chiếu nằm ngủ dưới hiên, gió nồm mát rượi. Nửa đêm, ánh trăng rọi vào hiên. Đó là ký ức tuyệt vời!

 

CHỊ TRẦN TÚY HẰNG:

 

Xa quê hơn 20 năm, tôi vẫn nhớ ngôi nhà ở quê với mái hiên. Nhớ rất nhiều. Ngày tết, hiên nhà ở quê đẹp hơn ngày thường. Nơi đó có những chậu mai, chậu bông vạn thọ được trưng bày đối xứng theo cách của người Việt. Những nhà có điều kiện thì gắn bao lì xì lên cành mai...

 

Bên này, người Việt chuẩn bị đón tết cổ truyền. Ngoài những loại hoa tự trồng, tôi mua thêm hoa cúc, bài trí nơi hiên trước và trong nhà. Còn hiên sau nhà tôi thì lúc nào cũng có hoa phong lan, hoa huệ, hoa hồng... do tôi trồng và chăm sóc.

 

Gần mái hiên có một cây ớt và một cây chanh luôn có trái. Cạnh đó, tôi trồng bồ ngót, diếp cá, húng lủi... Từ hiên bước ra là một khu vườn có thảm cỏ xanh trải sỏi trắng và trồng nhiều cây ăn trái: xoài, khế, chùm ruột, bơ, chuối... - những loại cây, hình ảnh gợi nhớ đến quê nhà ở Việt Nam.

 

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trong ngôi nhà Sao Biển
Thứ Hai, 23/01/2023 08:00 SA
Tự sự của mèo mướp
Chủ Nhật, 22/01/2023 14:00 CH
Chiều cuối năm
Thứ Bảy, 21/01/2023 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek