Tôi được con người đặt tên là mèo mướp. Trong tiếng Việt, từ mướp chỉ có nghĩa là trái mướp. Tôi không rõ giữa loài mèo và trái mướp có liên quan gì với nhau không. Bác Google giải thích: “Mèo mướp (Tabby cat) hay còn gọi là mèo vằn hay mèo lông sọc là các giống mèo nhà có đặc trưng bởi bộ lông sọc vằn và có dấu chữ M đặc trưng trên trán, dễ nhận biết”. Bác ấy cũng cho biết mèo mướp không phải là một loài mà chỉ định danh dựa trên bộ lông, giống như mèo đen, mèo trắng, mèo đốm, mèo vằn, mèo khoang, mèo tam thể… Mèo còn có tên là linh miêu, tiểu hổ… Trong 12 con giáp, mèo còn được gọi là mẹo, đứng thứ tư (Tý, Sửu, Dần, Mẹo…).
Dòng họ nhà mèo của tôi rất đa dạng, nhiều chi nhánh, có mặt ở khắp nơi trên thế gian. Có những loài tôi chẳng ưa nhưng vẫn phải chấp nhận là họ hàng với mình như mèo lớn (cọp, beo, sư tử)… Còn nhóm mèo nhỏ cũng đa dạng. Nếu chia theo nơi sống, có mèo đồng, mèo núi, mèo cát, mèo cây, mèo nhà… Rồi mèo các châu lục cũng có sự khác nhau về hình thể, tập tính. Nếu chia theo hình dạng, có mèo gấm, mèo lửa, mèo vàng, mèo đen, mèo đốm, mèo tam thể… Những loài mèo sống gần con người gồm có mèo nhà, mèo hoang, mèo cảnh… Nói đến mèo cảnh, cũng có lắm điều lạ, chỉ có giới chơi mèo sành điệu mới biết hết. Mèo là vật nuôi, có mặt khắp nơi, được ưa chuộng nhiều nhất ở Ai Cập, Anh, Nhật Bản… Còn ở Việt Nam, mèo được nuôi phổ biến ở các gia đình nông thôn.
Tôi vốn xuất thân từ nông thôn. Căn nhà tôi ở có mái ngói rêu phong. Xung quanh vườn được bao bọc bởi hàng rào dâm bụt và các loài dây leo. Trước nhà có hàng cau, sau nhà có bụi chuối, bụi tre. Đó là nơi ẩn nấp của lũ chuột. Trong vườn có cái chuồng bò, bay ra mùi phân bò quen thuộc, dẫu đi xa bao nhiêu năm vẫn còn nhớ. Tôi thường nằm bên đống rơm để tắm nắng và rình bắt bọn chim sẻ. Tôi lim dim mắt giả vờ ngủ nhưng vẫn lắng nghe từng tiếng động. Bọn chim vẫn đề phòng tôi nhưng chúng không lường được những tình huống bất ngờ. Mặc dù là mèo nhà nhưng tôi vẫn giữ được tập tính hoang dã ở việc săn bắt chim. Mèo rừng bắt tất cả các loài chim, kể cả gà, vịt. Nhưng mèo nhà không được bắt gà, vịt. Đôi lúc, tôi tinh nghịch đùa giỡn mấy chú gà con, bị chị gà mái đuổi đánh. Nếu gặp mèo rừng mà hành xử như thế thì chị sẽ thành miếng mồi ngon. Nhưng tôi là mèo nhà nên chạy trốn, nhảy tót lên cây cau. Chị gà mái đứng dưới cục tác một hồi rồi bỏ đi.
Tôi thường cãi nhau với anh chó mỗi khi tranh giành cục xương do chủ nhà vứt ra trong bữa ăn. Anh lớn xác nên thường thắng cuộc. Tôi với anh chỉ mâu thuẫn lúc giành miếng ăn, còn những lúc khác vẫn chung sống hòa bình. Chủ nhà ưu ái anh chó hơn tôi vì quan niệm rằng: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Họ khen chó là giống trung thành. Họ ghét tôi vì thói ăn vụng. Có lần thằng Tý câu được vài con cá, bỏ trong thau nước. Tôi liền rình cắp lấy một con mang ra đồng, nhấm nháp ngon lành. Tối đó, tôi không về nhà. Hôm sau, tôi len lén về nhà với cặp mắt đề phòng chủ nhà đánh. Thằng Tý nói: “Tối qua mày đi đâu mà để chuột lộng hành vậy?”. Tôi biết, con người cần tôi và tôi cố gắng bắt chuột để lập công.
Ở nông thôn, chuột nhiều vô kể và có mặt khắp từ trong nhà ra ngoài đồng. Tôi chẳng bao giờ lo đói vì nguồn thức ăn rất dồi dào. Chuột cũng tinh ranh nhưng chạy chậm, chứ không nhanh như mèo. Mỗi lần tóm được con chuột, tôi không ăn thịt ngay. Tôi mang con chuột tới trước mặt chủ nhà để kể công lao và cũng làm trò mua vui. Mọi người xúm lại coi trò mèo vờn chuột. Tôi thả con chuột ra. Nó bò chầm chậm để thăm dò thái độ của tôi rồi phóng vọt vào những chỗ hóc hiểm. Tôi nhanh chân tóm được, rồi lại thả ra. Trò chơi cứ tiếp diễn một cách đơn điệu như vậy đến khi mọi người chán, bỏ đi và con chuột cũng nằm im chờ chết. Chỉ cần ăn một con chuột cũng đủ dinh dưỡng cho tôi nằm ngủ cả ngày. Người ta gọi tôi là con mèo lười.
Gia đình này có một chị tên là Gái đi làm thuê ở thành phố. Một lần nọ, chị về quê nói: “Ở trên phố, chuột nhiều quá, bà chủ muốn tìm một con mèo để trị chuột”. Thế là chị bắt tôi bỏ vào giỏ và mang đi. Chiếc xe ngựa chạy lốc cốc trên đường quê. Có hành khách hỏi chị Gái: “Bắt con mèo đi đâu vậy?”. Chị Gái đáp: “Mang xuống cho người quen ở dưới phố”. Tới bến xe thành phố, tôi được chị Gái cho lên chiếc xích lô đi một đoạn nữa rồi dừng lại trước một ngôi biệt thự sang trọng. Ở quê, tôi chưa từng thấy ngôi nhà nào cao như vậy. Hai con chó béc giê to lớn xông tới như muốn xé xác tôi. Nhưng chúng nhận ra chị Gái là người quen nên tha cho tôi. Từ ngày hôm đó, tôi được “nhập khẩu” vào ngôi biệt thự và trở thành mèo thành thị.
Những ngày đầu, người ta xích tôi lại để không chạy trốn. Tôi làm quen với môi trường mới, ăn uống và chịu ân huệ của chủ mới, sau này sẽ không bỏ họ mà đi. Tôi muốn chạy ra ngoài đường tìm hàng rào dâm bụt để tiểu nhưng không được nên đành tiểu ngay giữa nhà. Điều kỳ lạ là chị Gái lau nước tiểu, hốt phân cho tôi mỗi ngày. Ở quê, chị không bao giờ làm điều đó. Ở phố, chị làm đầy tớ cho chủ nhà và cả chó mèo. Tôi áy náy hết mức vì thân phận tầm thường của tôi đâu có đáng để chị hầu hạ như thế. Thấy cái gì cũng lạ nên tôi luôn miệng hỏi: “Tại sao? Tại sao?”. Nhưng không ai trả lời. Tôi cảm thấy lạc lõng và bơ vơ. Quanh tôi, hai con chó béc giê lúc nào cũng tỏ ra trịch thượng. Tôi chợt nhớ đến anh chó ở quê. Dẫu hai đứa thường cãi cọ nhưng tôi thấy sống bên cạnh nó thoải mái hơn.
Tôi dần quen môi trường mới và trở thành một thành viên trong gia đình bà chủ. Tôi vẫn luôn nhớ nhiệm vụ ăn thịt chuột, không cho chúng phá phách đồ đạc. Có lần tôi tóm được một con chuột chù, mang vô phòng khách để khoe chiến công và làm trò chơi mèo vờn chuột. Nhưng bà chủ rùng mình khi thấy con chuột chù dơ dáy nên đuổi tôi ra khỏi phòng. Từ đó, mỗi lần săn được chuột, tôi tìm nơi kín đáo để ăn. Sự có mặt của tôi đã làm cho các nhóm chuột trong khu phố này sợ hãi. Chúng không dám tự do tung hoành như trước và kéo đi nơi khác kiếm ăn. Mọi người nhìn tôi bằng cặp mắt thân thiện và biết ơn.
Chủ nhà là người đàn bà trung niên, mập mạp và chậm chạp. Bà không có việc gì để làm, ngoài việc đi ra - đi vô, đi lên - đi xuống và coi ti vi. Thỉnh thoảng, bà thở dài khi nhìn thấy các diễn viên đẹp trai trong phim. Mỗi lần thấy tôi kêu meo meo đòi được cưng chiều, bà chủ ôm tôi vô lòng, vuốt ve, nựng nịu. Tôi cũng được cho ăn những món ngon do chị Gái chế biến rất công phu. Bọn chó nhà giàu ung dung ăn uống, không tranh giành sủa nhau loạn xạ như chó nhà nghèo. Mỗi lúc ăn no, tôi đi dạo chơi, có gặp con chuột chạy qua cũng không thèm đuổi bắt nữa. Dần dần tôi quên món thịt chuột và hằng ngày chỉ chờ được thưởng thức những món ngon béo ngậy trong nhà bếp.
Tôi đến tuổi trưởng thành và muốn tìm bạn tình. Ở quê, việc tìm bạn tình không khó, vì có rất nhiều mèo. Nhưng ở thành phố, mèo hơi hiếm. Những con mèo cảnh bị nhốt cả đời và triệt tiêu mất nhu cầu sinh lý. Những con mèo hoang chỉ lảng vảng ở vùng ngoại ô, nơi có nhiều đống rác và chuột. Tôi không phải là mèo cảnh, cũng không phải là mèo hoang. Tôi bỏ căn biệt thự để đi tìm bạn tình. Tôi leo qua những mái tôn, băng qua nhiều con đường nhựa. Đi tới đâu, tôi cũng kêu meo meo để hy vọng tìm tiếng đáp lại. Sau nhiều ngày tìm kiếm, tôi cũng gặp được một nàng mèo. Chúng tôi quấn quýt bên nhau, thể hiện tình cảm qua ánh mắt long lanh tròn như viên bi ướt át, qua tiếng kêu meo meo rất tình tứ, qua sự uốn éo của cơ thể thon gọn. Sau một tuần, ngọn lửa tình ái vơi dần, chúng tôi tạm biệt nhau. Khi về tới căn biệt thự, tôi nghe bà chủ nói với chị Gái: “Mèo là giống phản chủ. Phải đi tìm con mèo khác thôi”. Chị Gái thanh minh: “Nó đi tìm bạn gái vài bữa rồi về chứ không đi luôn đâu”. Chị vừa nói xong, tôi liền xuất hiện trước cặp mắt ngạc nhiên, vui mừng của bà chủ.
Cuộc sống ngày càng nhàn hạ và tôi bắt đầu học đòi tác phong quý tộc. Tôi chú ý đến vệ sinh thân thể nhiều hơn trước. Hằng ngày tôi dành khá nhiều thời gian để ngồi trong phòng khách coi ti vi. Kiến thức của tôi được mở rộng. Tôi nhìn thấy trên youtube có hình ảnh đồng loại, từ các bạn mèo nhỏ đến mèo lớn, ở khắp Á, Âu, Phi, Mỹ. Tôi được biết loài mèo vốn đã từng được tôn thờ ở nhiều nơi, nhất là ở Ai Cập thời cổ đại. Một số nơi ở châu Âu người ta sợ mèo, cho rằng gặp mèo là xui xẻo. Tuy nhiên, cũng có nơi quan niệm ngược lại. Tại Anh, mèo đen mang đến sự may mắn. Ở Nhật Bản, mèo Maneki Neko được xem như thần tài, đem lại may mắn cho con người. Tượng chú mèo vẫy tay có ở hầu hết các cửa hàng của nước này. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới tổ chức lễ hội ngày mèo quốc tế. Đây là dịp để con người chung tay bảo vệ động vật.
Trong các bộ phim hoạt hình về mèo, tôi thích nhất là phim Doraemon, Tom và Jerry. Hai bộ phim này ca ngợi sự thông minh, nhanh nhẹn của loài mèo. Ở Việt Nam, có bức tranh dân gian Đám cưới chuột vẽ chú rể chuột cưỡi ngựa rước dâu. Một đoàn đưa dâu có mang chim, cá cống nạp cho mèo để công việc được thuận lợi. Còn trong tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, có rất nhiều câu nói về mèo: Mèo khen mèo dài đuôi, Mèo nhỏ bắt chuột con, Cãi nhau như chó với mèo, Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào… Và cũng có nhiều câu ca dao về mèo như: Con mèo đập bể trã rang/ Con chó chạy lại phải mang lấy đòn, Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi, Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Tôi tự hào về những đóng góp to lớn của loài mèo cho văn hóa nghệ thuật. Tôi cũng tự hào về việc trong 12 con giáp, loài mèo có tới hai đại diện, gồm hai chi nhánh: mèo lớn (điển hình cọp) và mèo nhỏ (điển hình là mèo mướp). Mướp tôi có thể sống ung dung nhàn nhã trọn cuộc đời mà không phải lo lắng nhiều. Còn gì hơn được sống ấm no, tự do trong khung cảnh bình yên.
PHẠM NGỌC HIỀN