Bữa đấy trời hảnh, mẹ lấy chổi chà quét sơ bụi đất quanh mấy chậu kiểng rồi khệ nệ khiêng từng thùng hoa lên tam cấp. Ba chắp cây cột chổi lông gà phủi mạng nhện ở bốn góc la phông hàng ba. Bên ngoài, vài bông nắng vừa nở ra trong se sắt gió lạnh. Mùi ngai ngái của rêu ẩm sau mấy tháng mùa mưa vẫn còn, trong khi hương xuân đã về trên từng mái nhà giữa thôn xóm bình yên.
Mỗi năm giáp tết, nhìn cảnh vật thay áo đón giao thời, tôi lại nhớ căn nhà mình trước khi được xây sửa. Đó là kiểu nhà cấp bốn có một phòng khách lồi ra trước nên thường được gọi là phòng lồi. Phòng lồi chiếm nửa diện tích mặt trước nhà, còn lại là mái hiên hay hiên nhà, mà nhà tôi quen gọi là hàng ba.
Tôi không hiểu nghĩa từ hàng ba, nhưng nghe từ này lần nào lại thấy thương lần nấy! Nhất là tới tết, hàng ba là chỗ gợi trong tôi rất nhiều cảm xúc. Ngày trước, mỗi khi tới tầm hai mươi tháng Chạp, mẹ tôi sẽ đem quả lò ra trước hàng ba. Mẹ quạt cho than hừng rồi bắc nồi rim đủ loại xanh đỏ. Khoảng thềm đó ươm đầy mùi đường, vỏ trái cây và tiếng chị em tôi nạo đáy nồi ren rét.
Dù năm đó có túng mấy thì ba mẹ tôi vẫn mua cho được một thùng quất hoặc một chậu cúc vàng. Bằng tất cả vui mừng, ba sẽ đặt thùng “tết” đó giữa hàng ba, trái chín lủng lẳng hoặc những bông nở đẹp nhất được ba xoay ra mặt ngoài. Mẹ tôi mang cuộn dây chớp nháy quấn quanh chậu “tết”. Đêm giao thừa, trong hương trầm, bốn người nhà tôi mở cửa phòng lồi, ngồi trên sa lông nhìn ra hàng ba, chỗ có “tết” nhất của căn nhà thiếu hụt.
Những mùa tết cũ ấy, hàng ba là nơi đám trẻ chúng tôi xả đầy hạt dưa, hạt bí, là chỗ chúng tôi thập thò đợi mừng tuổi, là chỗ để đầy những đôi dép còn mùi nhựa mới khui. Chúng tôi tụm lại đấy ngồi đếm tiền lì xì hoặc tán dóc trong lúc chờ người lớn chúc tụng nhau. Hàng ba là chỗ đón khách đến chơi, tiễn khách ra về, là nơi xôn xao nhất trong mấy ngày tết.
Bây giờ nhà cũ của tôi không còn nữa nhưng hàng ba không mất đi mà còn rộng ra gấp đôi. Ngày thường, tôi hay ra ngoài hàng ba thưởng trăng hoặc sưởi nắng, có lúc là để ngắm vườn cây kiểng đủ loại mà mẹ tôi trồng. Ba mẹ tôi vẫn giữ thói quen mua một hai chậu quất đặt trên hàng ba, dù bây giờ nhà tôi không thiếu hoa trái vào ngày tết như lúc trước nữa.
Ngày tết, mỗi lần tới thăm nhà ai, tôi đều chăm chú nhìn khoảng hiên nhà hoặc mảnh sân, nơi có hoa, có trái, có hương trầm quanh bàn thiên. Gia chủ thường tự hào kể chuyện chọn hoa ngoài chợ tết, giá cả cuối năm hoặc vài kỷ niệm tết xưa, cuối cùng là cầu cho nhau một năm vạn sự như ý, tỉ sự như mơ. Nếu được tỉ sự như mơ, tôi xin mơ được yên bình đón tết nay và tết sau ở nhà mình, được ngồi ở hàng ba ngân nga hát: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về...”.
Không còn những đứa trẻ ồn náo mỗi lần đến thăm, tết có phần im ắng, lặng lẽ hơn. Mẹ tôi cũng không còn làm rim mứt nữa, bánh trái ngày tết là do tôi cẩn thận chọn trên các quầy hàng trong siêu thị. Có lúc ngồi một mình với tết, tôi ước có một đám trẻ tràn vào nhà mình, vung dép đầy nhà, xả vỏ kẹo bánh khắp nơi cho tôi có cơ hội được nhìn thấy mình lần nữa: Nhỏ bé, hồn nhiên và háo hức trước hiên nhà.
PHẠM THỊ HẢI DƯƠNG