Khi búp vạn thọ to bằng ngón tay cái, mở miệng nhả bông, má lo đổ bánh thuẫn. Má mua ký rưỡi bột khoai hạ, ký đường và chục trứng hột vịt.
Minh họa: HƯNG DŨNG |
Má đi cấy luôn trưa, chiều tranh thủ về sớm, ngồi ở hiên nhà đổ bánh thuẫn. Hồi trưa trong nhà hết thức ăn, tôi lấy hai trứng vịt luộc. Bà ngoại thấy nóng trong người, lấy mấy muỗng đường pha nước chanh uống. Nhà xa chợ quán, má đổ bánh thuẫn thiếu trứng, hụt đường, bánh không nở mà tịt lít.
Tết, hàng xóm đến nhà thăm chơi, má dọn bánh, 10 người thì hết 9 người nói. Đổ bánh thuẫn không nở mà đội lên giống mai cua. Ba bữa tết, bánh thuẫn mai cua dọn cho lấy có, không ai đụng đến.
Ăn tết xong, từ lời quở bánh thuẫn mai cua, má thuê người tu bổ đám ruộng trũng, đắp bờ cao thành cái ao, nuôi cua gạch. Loại này nuôi đúng sức, cua đực càng to bằng ngón tay cái. Khi thu hoạch, bán cua, cua đực càng que mạnh phải dùng dây chuối trói lại.
Nhà nấu củi, bếp đầy tro, má hốt đổ ra sau vườn trồng chuối. Trên đất muối tro, chuối mẹ đẻ ra chuối con nhảy quanh gốc, cây to cao. Má lột bẹ xé ra trói cua. Một ký cua trói 2 lạng dây chuối. Cua đội giá một ký hai trăm ngàn (tính cả dây chuối), một năm má xuất bán cả tấn cua. Trúng mùa cua, má còn được mùa bán dây chuối.
Trói cua không làm sao tránh được cua kẹp. Trúng cua đực kẹp, rứt được tay ra để lại trong càng miếng thịt bằng hột lúa. Má trói hàng ngàn con cua, vết kẹp trước chưa làm da non thì bị cua kẹp chồng lên vết thương…, rát rạt.
***
Mùa mưa, cánh đồng bỏ hoang chờ sạ lúa, ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở. Sáng sớm, ốc bươu vàng mở miệng rồi mang râu đội mũ bò đi ăn lấy sức đẻ trứng, người dân dàn hàng ngang bắt ốc bươu vàng bán lại cho má.
Nông dân độ cái cày có cán bằng gỗ để đẩy, phía trước có tấm lưới thụng giống như cái vợt. Người đứng từ phía sau đẩy tới, cái vợt chúi mũi xuống đất ủi qua gốc rạ, gặp ốc bươu vàng cắn lúa lật ngửa ra, lăn vô cái vợt, ngậm miệng lại… nằm im. “Cày” qua một đường dài, dừng lại, bắt ốc đổ vào bao tải. Buổi sáng, tốp người bắt nhốt ốc bươu vàng trong hàng chục bao tải cột miệng. Má thuê chú Năm kéo cộ bò chở ra ao rồi đập nát, moi ruột ốc làm mồi, cua kẹp bỏ vô miệng ăn, đội mai lớn nhanh.
Trúng mấy mùa cua, người trong xóm gọi má là bà Ba Cua.
Ngày hết tết đến, người trong xóm không mua bánh ở chợ mà tự làm bánh dọn đãi khách. Khấm khá từ nuôi cua, má dư sức mua đường, bột, trứng vịt đổ bánh thuẫn. Bánh vừa trứng đủ đường nở phân tai rất đẹp mắt.
Tết, má đơm cổ bồng bánh thuẫn dâng lên bàn thờ ông bà, trang ông Táo. Trong phòng khách sáng rực bánh thuẫn. Qua thời đổ bánh thuẫn thiếu trứng hụt đường, giờ má đi chúc tết bà con hàng xóm, chủ nhà dọn bánh ra, má nhìn một hồi rồi chỉ mặt từng cái bánh.
“Bánh thuẫn cháy đít là do thừa đường, già lửa. Bánh thuẫn mở miệng méo mó là do đánh bột không đều. Còn bánh thuẫn đội mũ là do bỏ bột nở nhiều quá. Bánh thuẫn mai cua là do thiếu trứng, hụt đường… tịt lít. Vô nhà nào má cũng tranh thủ chia sẻ kinh nghiệm cho lớp trẻ làm bánh thuẫn.
Mùng 5 cúng tạ, con cháu về đông vui để mùng 6 đi làm ngày đầu tiên của năm. Ăn xong, má gói bánh thuẫn, rim, dưa món… tự tay má làm cho con cháu mang đi. Bao năm qua, tự tay má lo một cái tết đầy đủ.
Con cháu đi rồi, ngồi ở hiên nhà má cười thong thả, nói nhớ nhất là năm đón tết đổ bánh thuẫn gặp sự cố… thiếu trứng, hụt đường.
MẠNH HOÀI NAM