Sau mấy ngày mưa dấm dẳng, sáng nay trời hửng nắng, lạnh se se. Cái lạnh này, sắc nắng này báo tin tháng Chạp đã cận kề, và tết sắp gõ cửa.
Như một cơn gió, nỗi nhớ ùa về. Từ xa lắc xa lơ, những tháng Chạp bồi hồi trở về, thơm mùi rim bí rim gừng, cốm nếp cốm dẽ.
Ở quê tôi hồi đó, khi tháng Chạp chộn rộn tới, nhà nhà làm bánh làm rim, có nhà còn làm cả cốm gừng, cốm dẽ, còn cốm nếp thì tới chợ Đèo, chợ Sen (xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) để mua. Chợ Đèo mỗi tháng họp sáu phiên, chỉ trong buổi sáng, trên một khoảnh đất bằng phẳng không xa trụ sở hợp tác xã. Nơi chợ quê này, trái cây, khoai sắn vườn nhà được bày bán trên những tấm lá chuối vừa cắt vào chiều hôm trước. Mùa tết, cốm nếp Phong Hậu là thứ không thể thiếu ở chợ Đèo.
Không phải những vắt cốm còn nguyên hột nếp, thuôn óng nước đường (loại cốm này không cần đợi đến tháng Chạp, ngày thường cũng có) mà là những phong (thanh) cốm được làm từ bột nếp mịn bâng. Hăm ba tháng Chạp đưa Ông Táo về trời, trong dĩa rim bánh không thể thiếu cốm nếp.
Đến 30 tết rước Ông Táo về, gì thì gì, cũng không thiếu cốm. Đầu năm, người trong xóm trong làng tới nhà chúc tết, cốm nếp được đem ra mời cùng với rim bí, rim gừng, bánh thuẫn, bánh men... Bởi vậy, mấy lò cốm ở Phong Hậu (xã An Định) rộn rịp trong mùa tết.
Ông Phạm Mai (sinh năm 1933), người làng Phong Hậu, vẫn nhớ chuyện làm cốm của gia đình mình từ sáu, bảy chục năm về trước. Hồi đó, độ tháng 5 âm lịch, nông dân ở đây gieo sạ nếp trên đám ruộng trước nhà, tới tháng 8 thì thu hoạch. Nếp đó dùng để làm cốm.
Trước tiên, phải giã thóc cho tróc vỏ trấu, sau đó trút nếp vô chảo, rang. Lửa đượm, từng hột nếp bung to, trắng xóa. Nếp rang xong, cho vô cối giã và rây, lấy bột. Đường đen đem thắng (nấu), thêm vô một ít nước gừng, tiếp tục thắng cho tới (chín kỹ) rồi ngào (trộn) bột cốm theo tỉ lệ nhứt định.
Để dện cốm thì phải có khuôn. Đó là một cái hộc hình chữ nhật cỡ bàn tay, được thợ mộc bào láng lẫy, đóng mộng khít khao. Đi kèm là cái nắp, vừa khít với khuôn, phía trên có chỗ để cầm. Bột cốm ngào đường xong, cho vô khuôn dện ra từng miếng từng miếng thẳng băng, sau đó áo (phủ) lên một lớp bột nếp thiệt mịn rồi gói trong lá chuối.
Cầm miếng cốm lên liền nghe mùi nếp rất nhẹ quyện với mùi đường mía đã chín kỹ, lại phảng phất mùi gừng, vừa thơm vừa ấm. Cốm nếp có hương vị của ruộng đồng, vườn tược, của nắng tháng Chạp tinh tươm trở về sau những ngày mưa.
Vợ chồng ông Mai xếp cốm vô đôi nừng (*), gánh lên chợ Đèo, chợ Sen, gánh tới chợ Yến..., bán từ giữa tháng Chạp cho tới buổi chợ cuối cùng của năm. Ngày thường, vợ chồng ông làm cốm vắt. Với đám ruộng trước nhà và nghề cốm, ông bà tằn tiện nuôi con.
Rồi cái máy xay xuất hiện, thay thế cối giã gạo. Rồi máy rang xuất hiện, thay thế những cái chảo gang ám khói. Rồi đường cát trắng thay thế đường đen; bì nilon trong suốt thay thế lá chuối. Rồi rim bánh đầy ắp chợ Đèo, chợ Sen... mỗi khi tết đến xuân về.
Nhưng gia đình ông Mai và vài nhà khác ở Phong Hậu vẫn giữ nghề làm cốm. Bởi vì, cho dù đời sống thay đổi như thế nào thì trong dĩa rim bánh đưa đón Ông Táo vẫn không thể thiếu vài phong cốm nếp - món tết dân dã đã cùng người dân quê tôi đi qua bao mưa nắng nhọc nhằn.
Cốm coi vậy mà bền, có thể ăn từ tháng Chạp qua tháng Giêng. Khi rim bánh đã hết, bác Tư, bác Bảy ra đồng làm cỏ lúa, đem theo phong cốm. Nửa buổi, bác vục xuống mương rửa tay rồi mở phong cốm ra ăn. Gió đồng rời rợi. Sóng lúa nhấp nhô. Bác Tư, bác Bảy vừa ăn cốm vừa nghĩ đến mùa cắt lúa tới. Ăn cốm nếp ngon nhứt, có lẽ là lúc này.
Nhà tôi hồi trước không làm cốm nếp nhưng có làm cốm dẽ. Đó là món cốm tổng hợp, được dện từ bí, gừng, thơm..., mùi vị đậm đà. Khi cả nhà rời quê vô thị xã sinh sống, trong số đồ đạc mà bà nội mang theo có cái khuôn dện cốm. Sau nhiều cái tết ở thị xã, món cốm dẽ dần bị lãng quên; cái khuôn im lìm trong góc bếp. Chừng như khi đã tách khỏi ruộng vườn, thì món tết dân dã kia cũng không còn đậm đà hương vị.
Riêng cốm nếp, má tôi vẫn mua để cúng tiễn Ông Táo về trời, theo phong tục nơi này. Lúc bấy giờ, tôi mới biết không chỉ nông dân Phong Hậu, mà người ở một số nơi khác cũng làm cốm nếp. Cầm trên tay phong cốm thanh thanh, bột mịn màng, tôi chợt thấy mình trở lại là đứa trẻ, nơi làng quê nghèo ngày trước.
Tôi thấy bà nội tất bật trong gian bếp đã liêu xiêu vì nắng mưa, từng lọn khói vờn trên mái tranh mang theo mùi tết nồng nàn. Tôi nhớ cảm giác háo hức chờ đưa Ông Táo về trời; khi nhang tàn, dĩa rim cốm được chia cho mấy đứa nhỏ.
Theo thời gian, tôi không còn nhận ra hương vị riêng của cốm Phong Hậu. Nhưng mỗi khi tháng Chạp rập rờn trong màu nắng, trong cái lạnh se se, từng dòng nhớ ùa về. Những cái tết xa lắc xa lơ xốn xang ùa về, cùng với đó là hương vị thanh thanh, dung dị của cốm nếp - món tết không thể thiếu, gắn với phong tục đưa - rước Ông Táo ở quê tôi.
Phong Hậu bây giờ có chừng 5 nhà làm cốm. Vợ chồng ông Mai tuổi cao sức yếu, đã “nghỉ hưu” từ nhiều năm trước; con cháu ông có người theo nghề này. Chị Nguyễn Thị Viết Hiệp - con dâu út của ông Mai, kể rằng nhà chị bắt đầu làm cốm tết từ mùng 10 tháng Chạp, vợ chồng chị kêu thêm hai, ba công dện cốm. Làm xong thì đem đi bỏ sỉ cho các quán tạp hóa và chợ quanh Tuy An rồi lên La Hai, Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), ra Xuân Lộc (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên)... “Chừng nào nẫu còn thích cốm thì mình còn làm bán”, chị Hiệp cười, nói vậy.
Cái khuôn dện cốm của bà nội đã không còn trong tủ bếp. Phải rất lâu sau tôi mới nhận ra nó không còn. Đó là vào ngày giỗ nội tôi - ngày gần gần cuối năm, một người bà con bỗng nhiên nhắc tới những món tết nơi quê nghèo, hồi trước.
Cái khuôn của bà nội không còn, nhưng những lò cốm ở Phong Hậu vẫn còn, nghề cốm được truyền từ đời này sang đời khác. Và ký ức vẫn còn, đôi khi làm tôi xốn xang. Như sáng nay, trời hửng nắng và lạnh se se. Nỗi nhớ ùa về khi thấp thoáng bước chân tháng Chạp.
PHƯƠNG TRÀ
------
(*): vật dụng được đan bằng tre, phía dưới có chân, phía trên có nắp đậy, dân quê hồi trước đựng rim bánh, bột đường..., gánh ra chợ bán.