Tự bao giờ, mái hiên bên hông nhà chìa ra như cánh mẹ gà dang mở, ấp iu đàn con, mà ở đây là ấp iu những gì thân thuộc bên ngoài ngôi nhà.
Ở đó có gì? Vài đôi gióng với những thúng, mủng, rổ, rá đã sạm đen vì bụi bặm nắng gió, được treo từ dàn kèo tre tạo khung mái hiên. Bên dưới là mấy cái cuốc mà cán đã nhẵn bóng; chiếc cối xay lúa, cối giã gạo nặng trịch với nét nhẫn nại lặng thầm cùng thời gian. Ca dao xưa nói về người lao động ở nông thôn (gồm mọi thành phần), bằng những câu rất trữ tình từ sâu thẳm cô đơn “Giã ơn cái cối cái chày/ Nửa đêm gà gáy có mày có tao/ Giã ơn cái cọc bờ ao/ Nửa đêm gà gáy có tao có mày”. Thương lắm cái cối cái chày, những bầu bạn vô tri, nhưng sâu nặng nghĩa tình một thuở dưới hiên nhà.
Những ngày mưa gió, lại có thêm vài chiếc áo đi mưa móc lên mấy chiếc đinh được đóng vào hai cây cột nhỏ chống đỡ mái hiên tự khi nào. Từng giọt mưa rơi xuống nơi đây đã đi vào nhiều ca khúc quen thuộc: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi” (Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong), “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Lòng ai như chơi vơi…” (Ướt mi - Trịnh Công Sơn). Rộn nhất khi đàn gà trốn mưa cũng chiêm chiếp dưới hiên. Gà mẹ xòe cánh che chở bầy con, mắt lim dim nhìn ra màn mưa xám xịt.
Mấy chú gà giò hoạt náo hơn, phóng lên cối xay tre, gõ mỏ vào khe thớt tìm lúa sót, tiếng mổ bồm bộp hòa với tiếng mưa tạo nên một âm thanh ấm áp dưới mái hiên quê. Những lúc này, nếu có gió thốc là nước mưa tạt vào tận vách nhà, cả nền hiên phủ mờ trong hơi lạnh. Nền hiên không được phả láng như nhiều nhà hiện nay, mà hồi ấy hiên thường được lát bằng gạch vụn đầu thừa đuôi thẹo sau khi đã xây xong nhà chính, cũng nhờ vậy mà nước mưa tuy có tạt vào cũng nhanh chóng thoát qua kẽ gạch.
Tuy nhiên, dòng họ nhà kiến lại thường khi ẩn khi hiện để khuân lúa vãi hay khuân côn trùng đi hàng đàn. Cũng có khi, vài chú rết hoặc bò cạp từ kẽ gạch bò ra… hóng mát, gặp ai yếu bóng vía thì la oai oái, còn đàn gà thì mừng húm tranh nhau. Một thế giới dưới mái hiên nhà với những “mảnh đời” từ vật dụng đến côn trùng, đều hiện hữu thân thương đến lạ!
Những ngày gió mưa rét mướt rồi cũng qua. Mái hiên cũ kỹ bỗng trở nên khác lạ, như hồi sinh, như được tân trang dưới làn nắng ấm. Các đôi gióng gánh từng treo lòng thòng đã được dọn đi nơi khác, cuốc xẻng được dẹp vào góc khuất, áo mưa rườm rà từng móc bên cột hiên cũng được xếp lại gọn gàng... Chỉ riêng hai anh cối đá và cối xay tre vẫn an nhiên tại vị, bởi không ai khỏe đến mức muốn “mời” mấy anh này đi đâu cũng được!
Còn đàn gà với lũ kiến “cơ động” là khó quản, cũng chả trách được, vì chúng khá hiếu kỳ và ham vui chẳng khác gì đám nhóc. Dưới mái hiên nhà lúc này có nhiều món hấp dẫn được đưa ra hong gió và đón nắng ban mai: rim, bánh in và cốm nếp. Chúng tỏa ra mùi vị thật mời gọi, đám kiến chắc gọi là thèm rỏ dãi, ấy là suy bụng ta ra… bụng kiến, kẻo các cụ hiền triết tái thế lại mắng cho “anh không phải là kiến, sao biết kiến thèm…”!
Bên trên mái hiên, hàng chục vỉ bánh tráng được phơi ngay ngắn đón nắng ấm về. Có mấy chú gà chơi bạo, bay lên mổ lỗ chỗ vài cái cho đến khi bị phát hiện là co giò phóng thẳng… Từ ngõ nhìn vào, hàng vỉ bánh tráng trắng sáng trên mái hiên cứ như tín hiệu mời gọi xuân về. Bên trong hiên có thêm bếp lò vừa được quạt than đang hừng, chuẩn bị một chảo rim mới. Khói tỏa và hơi rim bay lên đầm ấm, thanh bình. Bất giác lại nhớ lời một bài hát cũ “Nào ai xa ngàn nơi/ Kìa bao mái nhà đang chờ ai/ Kìa bao bếp hồng đang còn tươi/ Thương nhớ lên đầy vơi”.
Mái hiên từng là phên giậu cho ngôi nhà để che chắn lúc gió mưa, giờ đây lại là nơi đón nắng xuân sớm nhất. Nắng xuân không hanh hao như nắng hạ, không yếu ớt như nắng thu, một sức nắng vừa phải đủ để âu yếm từng nụ hoa vạn thọ ngoài hàng hiên, mơn trớn từng rò rau ngò rau cải dọc hàng rào trước hiên, vừa đủ để làm ráo đi lớp mật đường đang tươm trên từng miếng rim gừng, rim bí…
Và gió xuân, chỉ nhẹ nhàng phe phẩy tàu lá chuối góc hiên, cũng vừa đủ để mang hương thơm từ hoa vạn thọ, từ luống ngò, từ mấy sàng rim đến đánh thức khứu giác mọi người một niềm vui nhẹ nhàng khi cùng đất trời chuyển bước sang xuân.
Sẽ là thiếu sót với “thế giới hiên xuân” nếu không nhắc đến những câu thơ bình dị mà vô cùng bâng khuâng sâu lắng trong bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính: “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng/ Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong”. Đôi mắt trong không chỉ từ cô gái trong thơ, mà của mọi người trước dịp xuân về, sự giao cảm giữa trời trong, nắng tỏa và màu tết bên hiên thật ấm áp và thi vị.
HUỲNH VĂN QUỐC