Thứ Năm, 03/10/2024 07:27 SA
Rủ nhau đi hội bài chòi
Thứ Bảy, 20/09/2008 14:00 CH

Mới đây, lần đầu tiên Chi hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên phối hợp với Hội Sử học tổ chức hội bài chòi tại khu Ba Miền -Thuận Thảo Land (Trung tâm Du lịch và sinh thái Thuận Thảo, TP Tuy Hòa). Hoạt động văn hóa dân gian độc đáo này đã góp thêm một món ăn tinh thần cho người dân tỉnh nhà.

 

bai-choi-10-080920.jpg

Mời rượu người thắng cuộc  - Ảnh: X.HIẾU

 

Ý TƯỞNG GẶP NHAU

 

Đánh bài chòi là một trò chơi dân gian có từ lâu đời ở khu vực Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Tuy nhiên, ngoại trừ Hội An (Quảng Nam) trò chơi này được tổ chức thường xuyên để thu hút khách tham quan du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân địa phương, còn ở các địa phương khác, hội đánh bài chòi chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán.

 

 Nhiều lần ra Hội An, thấy họ tổ chức đánh bài chòi thu hút rất đông người tham gia, anh em trong Chi hội Sân khấu tự hỏi: Phú Yên cũng là cái nôi của bài chòi. Sao người ta tổ chức được còn mình thì không? Chỉ cần có vài người hát hiệu, học thuộc các câu thai, có tài đối đáp, vài người biết chơi đờn… là có thể lập một nhóm hát bài chòi. Nói thì đơn giản nhưng đi vào thực hiện thì khác. Để hình thành nên một nhóm hát bài chòi cũng khá tốn kém. Ngoài việc tìm người, tổ chức tập luyện còn phải lo cả trang phục diễn, ống cờ, quân bài, sân khấu… Vấn đề quan trọng hơn cả là kinh phí lấy ở đâu, và địa điểm nào để tổ chức hát bài chòi? Thật ngẫu nhiên, suy nghĩ của anh em trong Chi hội Sân khấu trùng hợp với suy nghĩ của anh em trong Hội Sử học tỉnh và nhiều anh chị em tâm huyết, đồng thời được sự đồng thuận của doanh nghiệp Thuận Thảo. Vì vậy, ý tưởng tổ chức hội bài chòi đã trở thành hiện thực.

 

ẤN TƯỢNG HỘI BÀI CHÒI

 

Thông thường, địa điểm tổ chức hội bài chòi là một khu đất rộng, bằng phẳng. Các chòi được bố trí theo hình chữ nhật, quay mặt vào sân chơi. Khoảng đất trống giữa sân là sân khấu trệt có bốn mặt dành cho Hiệu. Nhưng ở hội bài chòi do Chi hội Sân khấu phối hợp với Hội Sử học tổ chức, khoảng trống giữa các chòi không phải là mặt đất mà là… mặt nước. Đây là sân khấu bài chòi có một không hai, rất độc đáo. Vì vậy khi hát, anh Hiệu (chị Hiệu) không đứng trên mặt đất mà đứng trên thuyền rồng. Con thuyền cứ trôi đi bồng bềnh, lượn lờ dưới trăng quanh mặt hồ, hết chòi này đến chòi khác trông rất thơ mộng. Mười chiếc chòi xếp thành hình bán nguyệt xoay mặt ra hồ nước, mỗi chòi có sức chứa khoảng 10 người, bên trên được gắn một cái mõ (để gõ khi trúng bài hay thắng cuộc) và gắn biển tên theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Người chơi được mời lên chòi và được phát một con bài cái, gồm tên ba con bài.

 

Tuy được tổ chức lần đầu và đêm đầu thời tiết không được tốt, nhưng hội bài chòi cũng thu hút khá đông khách. Nhiều người đã từng chơi bài chòi vào dịp Tết cổ truyền, cũng có người mới lần đầu tiếp xúc với trò chơi dân gian này. Ai cũng háo hức chờ đợi.

 

Khi tiếng hô của người Hiệu cất lên, mọi người đều hướng về con bài trên tay. Trên chiếc thuyền rồng, đôi nam nữ  trong trang phục áo dài khăn đóng lần lượt xóc bóc thẻ và cất lên những câu thai: Thân em trắng ngọc trắng ngà/ Thế gian còn gọi em là Bạch Huê… (Bạch Huê); Ngựa anh đi tới Quán Cau/ Ngựa nàng thủng thỉnh đi sau Gò Điều/ Hôm nay hàng họ về nhiều/ Ngựa em chỉ chở  củ điều trơn thôi (Củ điều trơn)… Anh Hiệu Quang Long cùng hai “chị Hiệu” Mai Hoa và Hứa Thị Gởi thay phiên hô các câu thai. Những câu thai đã hay lại thêm giọng hô ngọt ngào, lúc vút cao, lúc trầm ấm đúng giọng xứ nẫu mà không quê mùa nghe xao xuyến, thân thiết vô cùng. Không chỉ thuộc làu, hát hay những câu thai xưa mà các anh Hiệu, “chị Hiệu” cũng rất giỏi trong ứng tác, sáng tác các câu thai mới. Cứ vậy, dứt mỗi câu thai là tiếng mõ tre lại lốc cốc vang lên cho đến khi chòi nào tới đủ ba con bài trên thẻ, gióng một hồi mõ dài là tới. Người thắng cuộc chơi, ngoài phần thưởng còn được nghe anh Hiệu, “chị Hiệu” hát những câu chúc mừng rất dễ thương.

 

bai-choi-080920.jpg

Hô bài chòi trên thuyền rồng ở khu sinh thái Thuận Thảo - Ảnh: X.HIẾU

 

HỘI SẼ ĐƯỢC TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ

 

Do trò chơi khá đơn giản nên chỉ sau một vài ván đầu, nhiều người đã biết cách chơi và càng chơi càng tỏ ra thích thú. Chị Đặng Thị Thủy đến từ huyện Đông Hòa cho biết: “Nghe nhiều người nói về đánh bài chòi nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia. Thú vị nhất là vừa được nghe ca hát vừa được ngắm nhìn không gian sông nước hữu tình”. Cụ Bảy đến từ phường 6 (TP Tuy Hòa) thì bảo: “Nghe nói ở đây có hội bài chòi, tui rất thích nên biểu mấy đứa cháu đưa đi chơi mấy ván cho vui. Đây là một trò chơi dân gian do ông cha chúng ta nghĩ ra. Trước đây, dân Phú Yên mình ai cũng biết trò chơi này. Cần phải giữ gìn nó cho con cháu đời sau”.

 

Sau ba đêm ra mắt, hội bài chòi sẽ được tổ chức định kỳ vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại khu Ba Miền-Thuận Thảo Land, nhằm góp phần phục hồi một trò chơi dân gian vốn đã thấm sâu vào máu thịt của người dân Nam Trung bộ nói riêng, Phú Yên nói chung, gắn với lịch sử hình thành loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc-sân khấu dân ca kịch bài chòi…

 

NGUYỄN THÚY HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek