Thứ Tư, 22/01/2025 14:57 CH
Công nhân lò gạch – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Chủ Nhật, 11/12/2022 06:00 SA

Ông Đụt nằm trên giường, ngó nắng hắt bên những tàu lá chuối ngoài vườn. Người ông ê mỏi, đau đớn chỉ muốn nhắm mắt vào ngủ một giấc thật sâu. Nhưng ông còn phải đợi đứa cháu nội từ quê ngoại trở về. Ông không thể cứ thế ra đi mà không gặp cháu để dặn dò nó mấy lời gan ruột. Con dâu ông mới từ lò gạch về, đang giũ bỏ bộ quần áo bám đầy bụi đất. Vung tay đuổi mấy con gà vào sân ị bậy, Sinh thoăn thoắt cọ nồi ngoài giếng. Cắm xong nồi cơm, Sinh mới chạy lên nhà hỏi bố:

 

- Con hầm nồi cháo từ sáng. Để con múc cho bố ăn luôn nhé. Hôm nay bố thấy trong người thế nào?

 

- Bố thấy mệt rồi, đã đến lúc đi theo ông bà tổ tiên rồi. Cái Bống bao giờ thì về?

 

- Ngày mai bên ngoại sẽ có người đưa cháu về bố ạ. Bố cố gắng ăn uống, lạc quan điều trị để còn sống bên con cháu lâu hơn.

 

- Bố biết sức mình mà. Chỉ là thương bé Bống còn nhỏ dại.

 

Sinh quay đi lau nước mắt. Kể từ ngày bố chồng mắc bệnh ung thư phổi không khí trong nhà chùng xuống. Đợt vừa rồi bố đi viện, vợ chồng Sinh người lo chăm nuôi, người bận cai quản lò gạch nên đành gửi Bống sang ngoại. Con bé nhớ ông cũng đòi về suốt. Mẹ chồng mất sớm, thành ra một tay bố chồng chăm sóc cháu nội để cho các con yên tâm làm việc. Bố chồng Sinh là người hiền lành. Cả đời ông làm lụng vất vả ngoài lò gạch chưa đi đâu ra khỏi lũy tre làng. Đâu ai ngờ cuối đời ông đi một chuyến xa lại là chuyến đi để giành giật lại sự sống. Có lần nằm trên giường bệnh, dây nhợ lằng nhằng, ông bảo:

 

- Có phải bố đang nằm trên chiếc giường đắt nhất thế giới đây không?

 

Ông cố cười nhưng nước mắt ứa ra bên khóe mắt nhăn nheo. Ông sinh ra ở làng Gạch. Cái tên làng gắn với mấy chục cái lò gạch lớn nhỏ khác nhau. Từng có thời làng ông được gọi với cái tên khác là làng ung thư. Trong quá trình đốt lò sinh ra nhiều khí độc CO, CO2, HF (axit flohiđric), NO2 (nitrogen dioxit), SO2 (sunfua dioxit), hơi kim loại và nhiều chất độc khác. Cả đời ông phải hít khói than từ lò gạch. Năm xưa bố ông cũng từng bị ngộ độc khí lò gạch, bị liệt cơ, hôn mê rồi chết. Năm đó nhà nghèo, lấn cấn chuyện tiền nong nên không kịp đưa đi cấp cứu. Đời người công nhân lò gạch nhìn thấy trước cái chết mà vẫn lao đầu vào làm. Âu cũng vì miếng cơm manh áo. Hồi ấy, đồng tiền còn chưa mất giá, một ngày lương công nhân lò gạch được trả 100.000 đồng cũng là cao. Làm ruộng thì mùa què mùa cụt, mà thật ra đất nông nghiệp trong làng ít lắm. Trong vùng chủ yếu là đất sét, đều được tận dùng làm gạch. Trong huyện cũng không có khu công nghiệp hay các nhà máy sản xuất hàng hóa khác. Thành ra dân trong xã chỉ quẩn quanh lò gạch, bán sức khỏe mỗi ngày để kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống. Làm gạch không chỉ độc mà còn cực. Ngày xưa không có máy móc, phần lớn vẫn dựa vào sức người. Một ngày mười tiếng bê đất, bê gạch còng lưng, nhiều hôm về mệt không nuốt nổi lưng cơm. Có những chiều tan làm, ông ngồi bên đống gạch nhìn hoàng hôn buông xuống. Dưới ánh nắng vàng vọt trời chiều nhìn các lò gạch không khác gì những nấm mộ khổng lồ. Thỉnh thoảng lại có người trong làng phát hiện bị ung thư. Từng cái chết đến chầm chầm, lặng lẽ đằng sau những cột khói đen sì bốc lên từ lò gạch. Ông ám ảnh bởi những cuộc tiễn đưa mà dòng người nối nhau đi qua những lò gạch ở làng. Họ đi lẫn vào đó, chìm trong đó. Bé nhỏ và bất lực. Ông từng tự hỏi bao giờ sẽ tới lượt mình?

 

Bống về. Tiếng Bống gọi ông líu lo như con chim nhỏ từ ngoài ngõ. Ông tỉnh khỏi cơn mê man cầm lấy bàn tay bé nhỏ của Bống. Nước mắt ông không kìm lại được, cứ thế ứa ra. Ông gọi vợ chồng con trai lại dặn dò:

 

- Các con à. Nhà mình ba đời làm công nhân lò gạch thì đã hai đời phải trả giá đắt cho thứ bụi mịn này. Bây giờ gia đình mình có lò gạch, thì việc an toàn trong sản xuất không chỉ là việc riêng mà còn là sức khỏe, tính mạng của biết bao con người. Bố dùng cả cuộc đời mình để suy nghĩ thấu đáo về mọi việc.

 

- Bố ạ, tỉnh mình đã có chính sách giúp các cơ sở, doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cho các lò gạch vừa chống gây ô nhiễm môi trường lại vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao từ hai năm nay. Công nghệ lò Tuynel công suất còn đạt cao hơn, gấp 3 lần lò Hoffman, khoảng 100.000 viên/ngày, tùy theo thời điểm. Lò không còn nóng như trước, công nhân làm việc nhẹ nhàng, không bị ô nhiễm môi trường, nhiễm độc từ khí thải. Nhưng bố biết đấy đầu tư công nghệ Tuynel mất cả chục tỉ đồng. Rất lâu thu hồi vốn. Hai năm vừa rồi dịch bệnh, sản phẩm không tiêu thụ được. Khó khăn chồng chất khó khăn, tiền đâu ra?

 

- Đắt mấy cũng không bằng sức khỏe con người. Bố không muốn con cháu mình, người làng mình phải nằm trên chiếc giường đắt nhất thế giới ấy đâu. Đau xót lắm. Người ta đã có quyết định chấm dứt hoạt động các lò gạch, ngói thủ công, mình không làm theo thì chỉ có cách dỡ bỏ thôi con ạ .

 

- Con cũng biết vậy mà cái khó nó bó cái khôn bố ạ.

 

- Khó chỗ nào tháo gỡ chỗ đấy. Các con giờ giỏi hơn ông bà bố mẹ. Tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói chuyển đổi sang công nghệ mới Tuynel.

 

- Bố cứ để con tính. Việc của bố bây giờ là nghỉ ngơi, chữa bệnh thật tốt.

 

Ông Đụt nhìn đứa cháu nội bé bỏng của mình lòng bịn rịn không muốn rời xa. Con bé như mầm măng non mới nhú, là tất cả những gì hồn nhiên, trong trẻo nhất với ông. Ông còn muốn ở bên cạnh con bé trong những mốc quan trọng của cuộc đời nó. Muốn đứng đợi Bống trong kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Muốn nhìn thấy Bống trở thành thiếu nữ, thành cô sinh viên đại học. Muốn chờ ngày Bống mặc áo cô dâu về nhà chồng. Muốn được bế trên tay đứa chắt nội bụ bẫm xinh xinh. Muốn mỗi ngày đều được gọi Bống ơi, Bống à. Bống lấy giúp ông cái tăm. Bống trông giúp ông nồi cá. Bống thèm tôm không để ông ra ao cất vó? Bống muốn chèo thuyền ra đầm hái sen ướp trà với ông không? Nghĩ đến đấy thôi ông thấy hóa ra mình còn tiếc nuối cuộc sống này nhiều quá. Ông gọi Bống lại gần dặn dò:

 

- Cháu gắng học giỏi nhé. Nhà mình ba đời làm công nhân lò gạch nhưng ông tin rằng đến đời cháu sẽ khác đi. Cháu của ông phải sống thật vui tươi, hạnh phúc. Phải cố gắng thoát khỏi cuộc đời lam lũ khổ cực mà ông đã từng. Cháu nhé!

 

Bống ngồi xuống, tựa đầu vào bàn tay yếu ớt gầy gò của ông, nước mắt ướt nhòa. Con bé vừa về đến nhà đã nghe thấy tiếng hàng xóm xì xào bàn tán rằng ông nội nó chắc không còn sống được bao lâu nữa. Ông Đụt nhè nhẹ vỗ về Bống, rưng rưng đưa mắt nhìn xung quanh khắp căn nhà. Một căn nhà đã cũ, được xây bằng những viên gạch thấm từng giọt mồ hôi của vợ chồng ông. Bà ốm bệnh bỏ ông đi trước. Căn nhà này vò võ bóng ông gà trống nuôi con. Những giấc mơ còn nồng mùi gạch mới nung. Những biến cố còn ngấm đỏ trong từng thớ gạch. Ông nhìn ra ngoài cửa, thấy ánh nắng chan hòa tỏa ra lấp lánh. Đâu đó vài khuôn mặt thân thuộc hiện ra. Vẫn dáng người khắc khổ, vẫn chiếc áo bộ đội bạc màu, bố ông không nói gì chỉ nhìn ông chờ đợi. Vợ ông cũng về đấy ư? Mái tóc như vẫn còn đỏ màu bụi gạch. Bà cười vẫy ông theo. Ông cứ thế chầm chậm đi vào vùng sáng…

 

Đám ma ông Đụt dân làng gạch đến đông lắm. Người ta đưa ông nốt đoạn đường cuối cùng của cuộc đời. Ông được khênh qua những lò gạch lớn nhỏ trong làng. Có lò gạch mới vừa được xây áp dụng công nghệ mới. Có những lò gạch cũ bỏ hoang rêu phủ. Có lò người ta đang xúm lại đập đi, bụi gạch bay đỏ quạch cả buổi chiều tàn. Đoàn người cứ lầm lũi mà đi, tiếng trống thỉnh thoảng vang lên làm những chú chim ẩn mình trong lò gạch cũ giật mình bay lên hoảng loạn. Vài người công nhân lò gạch đang làm việc cũng đứng lặng cúi đầu khi ông Đụt đi qua. Vài tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật cất lên khe khẽ. “Thôi thế là cũng hết một kiếp người”. Ai đó ngó lên trời trộm nghĩ có thể ông Đụt đã lẫn vào cột khói kia rồi…

 

Đám ma kết thúc. Ông Đụt nằm lại nghĩa trang quê nhà, thanh thản ngắm những đám mây xanh mây trắng trên trời. Người làng trở về, họ nghi hoặc dè chừng với từng tiếng ho khan vang lên trong lồng ngực chính mình. Ông Đụt cũng từng ho như muốn xé toang lồng ngực chứa đầy bụi gạch trước khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi. Đức cả đêm không tài nào chợp mắt nổi dù mấy ngày lo hậu sự cho bố mệt nhoài. Thỉnh thoảng lúc thay nhang trên bàn thờ Đức nghe như có tiếng bố vọng lên. Hỉnh ảnh lò gạch cứ thấp thoáng hiện trong đầu Đức với những nỗi trăn trở khôn nguôi. Rồi từng khuôn mặt người đã khuất hiện lên, họ đều đã bán rẻ sức khỏe và tính mạng của mình cho lò gạch. Đức không muốn phải hỏi câu: Bao giờ sẽ đến lượt mình? Vợ con mình? Đức thở dài, nhìn mông lung ra bầu trời đêm đen đặc. Sinh bảo chồng:

 

- Anh chợp mắt một tí đi kẻo ốm.

 

- Anh không ngủ nổi. Mọi thứ cứ ám ảnh trong tâm trí anh.

 

- Về chuyện lò gạch ư? Nếu khó quá thì cùng lắm nhà mình đóng cửa lò gạch lại.

 

- Bao đời nay nhà mình làm gạch. Đóng cửa rồi biết lấy gì để sống? Còn mấy chục gia đình công nhân nữa. Họ cũng trông chờ cả vào mấy đồng lương…

 

- Thế anh định tính sao?

 

- Chắc vài hôm nữa anh phải ra xã, lên huyện hỏi về chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ cho lò gạch. Mình sẽ vay vốn. Nếu cần thiết sẽ cắt bớt đất bán đi. Đất tổ tiên anh chẳng bao giờ nghĩ đến việc mang bán cả. Nhưng… mà thôi, chắc bố cũng không trách con đâu bố nhỉ?

 

Đức nhìn lên di ảnh bố, nghẹn ngào. Bố đã mất cả đời đi làm thuê làm mướn, gây dựng lên lò gạch này. Đức sẽ thay bố giữ gìn lò gạch, thực hiện tâm nguyện còn dang dở. Bố nói đúng, không có thứ gì quan trọng hơn sức khỏe con người. Đã đến lúc trả lại sự trong lành cho mảnh đất này, bầu trời này, những ngọn cây, ao cá nơi này. Để nơi đây được trở về đúng cái tên của mình, không còn là nỗi ám ảnh về một ngôi làng ung thư nữa…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek