Tuy An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cấp quốc gia của Phú Yên. Tất cả đã thành vốn quý và là niềm tự hào của người dân Tuy An. Những giá trị này luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát triển xuyên suốt theo chiều dài lịch sử; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xu thế hội nhập hiện nay.
Nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện Tuy An; tạo diễn đàn để các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu cũng như ý kiến đóng góp đa chiều từ nhiều tầng lớp, UBND huyện Tuy An vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL cùng Trường đại học Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học “Tuy An - Miền di sản”.
Gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 9 di tích và danh thắng được công nhận cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; đồng thời có 20 di tích cấp tỉnh. Mặt khác, Tuy An còn có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: kèn đá, đàn đá, nghệ thuật bài chòi, hát tuồng, cải lương... Nét đặc sắc của Tuy An chính là di sản văn hóa đá với Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chùa Đá Trắng, Di tích quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa và bộ đàn đá, kèn đá có niên đại cách nay hơn 2.500 năm.
ThS Phan Thanh Bình, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh Phú Yên nhìn nhận: Ngoài thế mạnh về du lịch biển đảo, thuận theo tài nguyên thiên nhiên vốn có thì di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa đá nói riêng đã và đang trở thành tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch nếu được đầu tư một cách xứng đáng. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị đàn đá, kèn đá là cần thiết. “Để bảo tồn chúng, trước hết là giữ gìn nguyên vẹn hiện vật di sản gốc với tư cách là di sản văn hóa vật thể và hồn đá lắng sâu trong hai nhạc cụ bằng đá. Sự nguyên vẹn còn là giữ gìn và duy trì tối đa các giá trị đặc biệt của bộ đàn đá và cặp kèn đá, tính nguyên gốc và tuổi của hiện vật di sản, giữ lại đầy đủ những thông tin lịch sử, văn hóa mà nó hàm chứa...”, ông Bình cho biết.
Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, huyện Tuy An cần thực hiện số hóa di tích, danh thắng, lễ hội... Sản phẩm số hóa gồm hình ảnh, video, lời giới thiệu bằng các ngôn ngữ và đăng tải trên các nền tảng số; sử dụng mã QR để du khách tìm hiểu thông tin. Đây là giải pháp để phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa, danh thắng của huyện Tuy An đến với đông đảo bạn bè, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Giám đốc Sở TT-TT còn đề xuất việc khôi phục kỹ thuật chế tác gốm Quảng Đức, từng hiện diện trong mỗi ngôi nhà Việt, trong từng tháp Chàm cổ kính với sứ mệnh là những vật dụng trong cuộc sống hằng ngày hay là đồ tế tự trong các nghi lễ tôn giáo. “Nếu chế tác thành công gốm cổ Quảng Đức, chúng ta đã làm được một điều vô cùng ý nghĩa, minh chứng với không chỉ riêng các nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả thế giới về một kỹ thuật chế tác gốm độc đáo chỉ có riêng ở Quảng Đức. Từ đó bảo tồn theo cách xây dựng Quảng Đức thành một địa chỉ du lịch, nằm trong quần thể du lịch của địa phương gồm những di tích và thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia rất gần nhau như thành An Thổ (nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú), đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, mộ và đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương, địa đạo gò Thì Thùng...”, ông Hưng nói.
Bộ đàn đá chế tác theo đàn đá Tuy An được Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hải biểu diễn tại chương trình “Gặp gỡ Phú Yên - Ấn Độ”. Ảnh: THIÊN LÝ |
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Với những tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn với các nhóm vấn đề như: nhận diện di sản, bảo tồn di sản, di sản văn hóa ở Tuy An gắn với phát triển du lịch..., hội thảo khoa học “Tuy An - Miền di sản” là hoạt động có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn; có sự đầu tư và chọn lọc; để làm cơ sở cho việc xây dựng và quy hoạch, hoạch định chính sách một cách hiệu quả và khả thi.
“Đây cũng là dịp để kết nối với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển tiềm năng du lịch ở huyện Tuy An theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa cho biết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Huyện ủy Tuy An đã ban hành chương trình hành động với mục tiêu: Phát triển du lịch huyện Tuy An theo hướng khai thác giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể làm nền tảng, phát triển du lịch biển đảo làm mũi nhọn để từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; là điểm nhấn và kết nối quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và vùng phía tây của huyện; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: Tuy An - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Tuy An, để thực hiện đạt mục tiêu trên đồng thời đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, thời gian đến, huyện Tuy An sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt trong các cấp, ngành và toàn xã hội để nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đổi mới tư duy về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, huyện tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Khai thác giá trị di sản văn hóa đặc trưng và cảnh quan núi, thác, sông, suối, hồ, đầm, vịnh, bãi biển, đảo, gành của Tuy An để xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng, tạo lợi thế cạnh tranh đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch...
Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Huyện Tuy An cần nhận thức sâu sắc về vai trò di sản văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trở thành ý thức và hành động của cả hệ thống chính trị. Để làm được điều đó, huyện cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cộng đồng, của tổ chức, cá nhân trong công tác này; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa và gắn chặt di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
THIÊN LÝ