Thứ Tư, 27/11/2024 00:15 SA
GIỮ GÌN, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI:
Truyền lửa cho những người đam mê nghệ thuật dân gian
Thứ Ba, 06/12/2022 15:00 CH

Một tiết mục báo cáo kết thúc lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi do Sở VH-TT-DL tổ chức. Ảnh: THIÊN LÝ

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi (NTBC) - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH-TT-DL vừa tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi cho gần 160 học viên là cán bộ làm công tác văn hóa ở các ban ngành, đoàn thể, địa phương và lực lượng vũ trang trong tỉnh.

 

Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Trịnh Công Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật dân ca, bài chòi tỉnh Quảng Ngãi là người trực tiếp truyền dạy các hình thức diễn xướng hô/hát bài chòi; giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển bài chòi vùng quyên hải Nam Trung Bộ; cách hô hát các làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng của bài chòi và xây dựng các tiết mục biểu diễn.

 

Lan tỏa giá trị di sản NTBC

 

Theo NNND Trịnh Công Sơn, qua lớp tập huấn sẽ giúp các học viên tiếp thu những kinh nghiệm, cái hay, cái đẹp và sự đam mê NTBC. Từ đó lan tỏa giá trị di sản NTBC Trung Bộ Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng tới thế hệ trẻ. “Tôi hy vọng các học viên đem những kinh nghiệm và kiến thức thu hoạch từ lớp học này truyền đạt lại cho thế hệ mầm non tiếp thu, gìn giữ và phát huy tối đa giá trị NTBC của địa phương, dân tộc”, ông Trịnh Công Sơn bày tỏ.

 

Gần trọn cuộc đời gắn bó với những câu hát bài chòi mượt mà, sâu lắng như tiếng lòng của người dân quê, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích (xã An Phú, TP Tuy Hòa) khá am tường về loại hình nghệ thuật dân gian được lưu truyền qua bao thế hệ này. Với ông, bài chòi là lẽ sống, là niềm đam mê cháy bỏng, là tiếng lòng của quê hương. Vì thế, khi nói đến bài chòi Trung Bộ, loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông nói một cách say sưa, giúp chúng tôi hiểu thêm bao điều thú vị về bài chòi - bản sắc văn hóa độc đáo trên dải đất miền Trung đầy nắng gió.

 

Ông Tích chia sẻ: “Yêu sự mộc mạc, giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người của các làn điệu, câu thai bài chòi dân gian nên tôi đã đến với NTBC từ khi còn niên thiếu. Theo tôi, lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi lần này rất hay và ý nghĩa. Đây là dịp tốt để những cán bộ văn hóa cơ sở và những người có chung niềm đam mê với NTBC củng cố kiến thức; giúp các câu lạc bộ (CLB) Bài chòi xây dựng những tiết mục biểu diễn tốt hơn”.

 

Là một hạt nhân trẻ tài năng của địa phương tham gia các hội diễn, hội thi diễn xướng bài chòi dân gian, Nguyễn Khắc Hà Đan bày tỏ: “Em thích bài chòi dân gian. Khi còn nhỏ, em được tiếp cận nghệ thuật này bởi sự truyền dạy của mẹ. Từ đó, em tham gia vào CLB Bài chòi, cùng các hoạt động văn nghệ ở địa phương, hội thi của tỉnh để thỏa niềm đam mê. Vì vậy, tham gia lớp tập huấn này là cơ hội để em tiếp thu, củng cố kiến thức về NTBC, nâng cao kỹ năng hô/hát và biểu diễn”.

 

Gìn giữ và trao truyền

 

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi này là một trong những hoạt động của đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn Phú Yên giai đoạn 2021-2023. “Lớp tập huấn nhằm giúp lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận, nắm vững những kiến thức cơ bản của các làn điệu bài chòi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của NTBC, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân”, ông Thái nhấn mạnh.

 

Lớp tập huấn nhằm giúp lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có điều kiện tiếp cận, nắm vững những kiến thức cơ bản của các làn điệu bài chòi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị NTBC, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái

 

NNND Trịnh Công Sơn cho rằng Phú Yên là địa phương có truyền thống trong việc lưu giữ, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, nhất là NTBC. Thông qua việc duy trì sinh hoạt các CLB Bài chòi ở các địa phương, đơn vị, hội đoàn thể… góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của NTBC. Tuy nhiên, tham gia các CLB Bài chòi của Phú Yên hiện nay chủ yếu là người lớn tuổi.

 

Vì vậy, theo NNND này, để tìm lực lượng nghệ nhân kế thừa truyền đạt, phổ biến bài chòi dân gian đến công chúng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, đưa NTBC vào trường học... Đây là phương pháp cấp tốc và quyết liệt nhất để truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ tiếp theo.

 

Cũng theo NNND Trịnh Công Sơn, nghệ thuật truyền thống cần phải được nhen nhóm, khơi gợi từ sớm, nhưng giữ được ngọn lửa ấy và lan tỏa trong cộng đồng là câu chuyện đường dài, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Không chỉ riêng Phú Yên, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về nghệ thuật truyền thống. Đây là cách để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, tránh tình trạng bị thất truyền, mai một, đồng thời tạo lớp người kế cận cho tương lai.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek