Thứ Tư, 27/11/2024 05:16 SA
Văn và đời của bậc thầy Nguyễn Tuân
Chủ Nhật, 27/11/2022 13:00 CH

Không chỉ là bậc thầy nghệ thuật ngôn từ, Nguyễn Tuân còn là người dệt nên nhiều giai thoại nhất làng văn. Cá tính trên trang văn và trong đời thực của Nguyễn Tuân đã mang lại một gương mặt độc đáo cho nền văn học Việt Nam đương đại. Và mới đây, những câu chuyện về tác giả Vang bóng một thời đã được nhà thơ, nhà phê bình Phạm Ðình Ân sưu tầm, biên soạn thành cuốn sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022.

 

Bìa sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời. Ảnh: PHAN HUỲNH

Cả cuộc đời nhà văn Nguyễn Tuân chủ yếu gắn bó với Hà Nội, trừ thời gian ông xê dịch để sáng tác. Quê ở làng Mọc, tức thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân nhưng Nguyễn Tuân được sinh ra ở phố cổ Hàng Bạc trong một gia đình nhà Nho. Do hoàn cảnh gia đình, ông học ở Nam Định, đến cuối bậc Thành chung thì bị đuổi học vì tham gia bãi khóa phản đối một số giáo viên người Pháp xúc phạm người Việt.

 

Cái mộng xê dịch của Nguyễn Tuân khởi đầu bằng cách đi Thái Lan. Nhưng do không có giấy phép nên ông bị bắt ở biên giới và bị giam vào tù. Hết hạn tù, ông bắt đầu con đường văn chương với những tùy bút, bút ký có phong cách riêng đăng tải trên báo chí và xuất bản. Đến năm 1941, vì tiếp xúc với các nhà hoạt động chính trị yêu nước, Nguyễn Tuân lại bị mật thám Pháp bắt giam một thời gian. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho Nguyễn Tuân và nhiều văn nghệ sĩ một con đường mới, ông trở thành một trong những cây bút tiêu biểu và nhà lãnh đạo hàng đầu trên cương vị Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1948-1957.

 

Có thể nói, Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa, độc đáo và có sức ảnh hưởng lớn của nền văn học đương đại nước ta. Ông cũng là con người đầy cá tính, với những giai thoại thú vị, được bạn bè nhiều nước trên thế giới nể trọng. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân gặt hái nhiều thành công, nhất là thể loại ký và tùy bút với những tác phẩm tiêu biểu như: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn, Tóc chị Hoài, Tùy bút kháng chiến, Sông Đà, Cô Tô, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Yêu ngôn…

 

Bên cạnh tác phẩm thì đời sống của nhà văn Nguyễn Tuân cũng trở thành đối tượng, đề tài cho nhiều cây bút. Từ lúc Nguyễn Tuân còn sinh thời đã có rất nhiều bài viết về con người và tác phẩm của ông. Cuốn sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời do nhà thơ, nhà phê bình Phạm Đình Ân sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn là tác phẩm công phu và giá trị, thêm lần tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Vang bóng một thời.

 

Cuốn sách dày 366 trang với 87 bài viết được chia làm 3 phần, trong đó phần I cũng là phần chính với gần 30 bài viết về nhà văn Nguyễn Tuân qua hồi ức hay nhìn nhận của các cây bút tên tuổi nhiều thế hệ trong lẫn ngoài nước. Hình ảnh cao đẹp của Nguyễn Tuân hiện lên từ tấm lòng quý trọng của các đồng nghiệp như: Nguyên Hồng, Lan Khai, Văn Cao, Tô Hoài, Vũ Bằng, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh, Lê Trí Viễn, Bùi Hiển, Hoàng Cầm, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Bảo Định Giang, Đào Vũ, Phạm Tường Hạnh, Vũ Quần Phương, Phan Quang, Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Trai, Phan Hồng Giang, Trình Quang Phú,… và của bà Vũ Thị Tuệ, người bạn đời chung thủy của ông qua những kỷ niệm xúc động trong bài Chồng tôi - Nhà văn Nguyễn Tuân!

 

Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7/1910, mất ngày 28/7/1987. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Marian Tcasov của Liên Xô trong bài viết của mình đã có phát hiện thú vị rằng cuộc đời cụ Nguyễn gắn liền với con số 7. Ông sinh tháng 7, mất tháng 7 năm 1987, hưởng 77 tuổi. Mang trong mình máu lãng tử, thích xê dịch, Nguyễn Tuân từng sang Hồng Kông đóng phim, rồi phiêu du thăm thú Lào, Cao Miên, Thái Lan… Về sau, ông còn được mời đi nhiều nước trên thế giới, nhất là Liên Xô và các nước XHCN khác.

 

Đối với nền văn học Xô Viết, nhà văn Nguyễn Tuân được nhiều tên tuổi lớn cảm phục, yêu mến như: Evtusenko, Solokhin, Arkanov, Tchasev,… và đặc biệt khi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, Hội Nhà văn Liên Xô đã mời Nguyễn Tuân sang “trú ẩn” nhằm tránh bom vì sợ mất tài năng lớn. Nhưng cụ Nguyễn đã cảm ơn và từ chối khéo. Ông muốn ở lại “chia lửa” với đồng bào, đất nước mình. Bấy giờ, Hà Nội có lệnh sơ tán triệt để nhưng cụ Nguyễn vẫn cương quyết ở lại thành phố trong căn hầm dã chiến bên cạnh Đại sứ quán Pháp và tập bút ký vang dội Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của ông đã ra đời ngay sau Chiến dịch 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

 

Tài năng thiên phú, nhân cách lớn và trái tim yêu nước nồng nàn của nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân là tấm gương sáng đẹp cho hậu thế!

 

PHAN HUỲNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek