Thứ Ba, 17/09/2024 15:10 CH
Nghề đan đát truyền thống ở Suối Trai
Thứ Ba, 04/10/2022 13:20 CH

Hội thi nghề đan đát truyền thống tại ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc xã Suối Trai. Ảnh: THIÊN LÝ

Suối Trai là xã miền núi của huyện Sơn Hòa với đa số người Ê Đê sinh sống. Cùng với ẩm thực, trang phục và âm nhạc cồng chiêng, nghề đan đát truyền thống của người Ê Đê nơi đây cũng góp phần tạo nên sắc màu văn hóa riêng biệt, được lưu giữ cho đến ngày nay.

 

Gia đình ma Núi ở thôn Hoàn Thành là một trong những gia đình lưu giữ nghề đan đát truyền thống của người Ê Đê. Những vật dụng được tạo ra bởi đôi tay khéo léo của người đàn ông 63 tuổi này như gùi, thúng, nia… được nhiều người dân địa phương đặt hàng.

 

Nghề của ông cha

 

Vừa nói chuyện, hai bàn tay ma Núi vẫn thoăn thoắt dùng sợi lát mềm và chiếc dùi nhỏ để đan gùi. Ông kể: “Ngày xưa, đồng bào Ê Đê quanh năm làm rẫy để sinh sống nên rất cần những dụng cụ sản xuất và sinh hoạt bằng mây, tre đan. Từ nhỏ, tôi thường đi theo những người lớn tuổi vào rừng kiếm vật liệu về đan gùi, đan nong, nia… Thấy tôi ham học hỏi nên các già đã chỉ dạy tường tận cách đan các vật dụng bằng mây, tre này”.

 

Theo ma Núi, để làm ra các sản phẩm đan đát truyền thống, phải qua nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, bắt đầu từ việc vào rừng chọn nguyên liệu, sau đó chẻ sợi, phơi khô rồi mới đan. Ở khâu chọn nguyên liệu, mây và tre phải chọn những cây thẳng, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn và phải là những cây có ít nhất từ một năm tuổi trở lên, vì những cây non quá sẽ giòn, dễ gãy; tiếp đến là công đoạn chẻ nan, chuốt nan. Dao dùng chuốt nan không được quá sắc hoặc quá cùn. Chẻ nan, chuốt nan đòi hỏi làm sao cho nan mềm, nhẵn, đều để khi đan sẽ không bị kẽ hở, như vậy sản phẩm mới chắc, bền, đẹp.

 

Được xem là người đan đát giỏi ở buôn Thống Nhất, ông Nay Quý chia sẻ: “Lúc 13 tuổi, tôi được cha dạy nghề đan đát. Ông dạy tôi cách chuốt từng sợi mây, thanh tre, nan lồ ô; đến từng công đoạn luồn mây quai gùi, lận nan tre, lồ ô để làm vành nia, thúng, giỏ gà; nứt từng sợi mây khéo léo để vành đai gùi tròn trịa, chân gùi cân xứng hài hòa. Cha tôi bảo, làm chiếc gùi đẹp để người con gái mang lên vai thêm duyên dáng”.

 

Người đàn ông tuổi 42 này đan vật dụng trong gia đình cho bà con ở địa phương và chỉ trao đổi bằng hiện vật. Cụ thể, một cái gùi lớn bằng hai con gà, một cái rổ lồ ô bằng 1kg cá khô, hay một cái nong, nia đan bằng tre đổi lấy 20kg lúa... Lâu lâu, có vài người ngoài xã đặt mua một cái gùi lớn đựng chừng 15kg lúa thì ông lấy 300.000 đồng, một cái gùi nhỏ dùng để trang trí làm cảnh trong nhà, ông lấy 200.000 đồng. Ông Nay Quý bật mí: “Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê, chiếc gùi còn là vật dụng chứa đựng tài sản như: cong (vòng tay), kiềng, ênh thổ cẩm... Chiếc gùi đan rất công phu, chọn nguyên vật liệu thật kỹ. Mây phải mây mật, lồ ô già chẻ ra đem ngâm nước bùn hơn một tháng, sau đó vớt lên hong lửa. Làm như vậy chiếc gùi dùng vài chục năm vẫn còn tốt, giá trị chiếc gùi này có thể đổi lấy một con heo 40-50kg”.

 

Không để mai một

 

Là một trong số ít người của thôn Xây Dựng còn giữ được nghề đan đát truyền thống, ma Ber chia sẻ: “Tôi biết đan đát từ khi còn thiếu niên. Thời đó, nhiều người trong thôn cũng biết đan đát phục vụ gia đình và người dân trong vùng. Nhưng bây giờ, cả thôn chỉ còn vài người giữ nghề đan đát. Thế hệ trẻ bây giờ không mấy mặn mà, chẳng ai muốn học nghề này vì nó nhọc công, sản phẩm làm ra không phải là hàng hóa bán được nhiều tiền. Mai này không biết có còn ai giữ nghề đan đát truyền thống này nữa không?”.

 

Nghề đan đát truyền thống giúp đồng bào dân tộc Ê Đê giữ được bản sắc dân tộc. Đặc biệt, việc sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên giúp hạn chế sử dụng các sản phẩm bằng nhựa, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường. Theo ông Kpă Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế. Dù nỗ lực gìn giữ nghề đan đát truyền thống, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bởi những người có kinh nghiệm thì tuổi đã cao, trong khi giới trẻ lại không mặn mà học nghề.

 

“Thời gian tới, xã Suối Trai tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng trong việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc để người dân tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ, phát huy. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề, dạy nghề cho những người trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên để nghề đan đát không bị mai một”, ông Kpă Y Hôn nhấn mạnh.

 

THIÊN LÝ - LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek