Tham gia hội thi, các em thiếu nhi đã nhập vai, biến câu chuyện trong các trang sách thành những vở diễn trên sân khấu sinh động, hấp dẫn. Mỗi câu chuyện là một bài học hết sức ý nghĩa đối với mỗi bạn nhỏ.
Với chủ đề Chúng em nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, hội thi do Sở VH-TT-DL tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức lối sống; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong học sinh.
Mỗi câu chuyện là một bài học
Hội thi thu hút gần 150 học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP Tuy Hòa và ba huyện: Tuy An, Tây Hòa, Đồng Xuân. Chương trình được diễn ra xuyên suốt với 16 tiết mục ở hai cấp bậc. Các bạn nhỏ đã thể hiện tài năng của mình qua hai phần thi: Kể chuyện theo sách và năng khiếu. Phần thi kể chuyện theo sách, mỗi thí sinh kể một câu chuyện đã được xuất bản và phát hành trên sách, báo, tạp chí. Nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi quê hương đất nước; gương các anh hùng, liệt sĩ, gương người tốt, việc tốt ở lứa tuổi thiếu nhi; truyền thống anh hùng trong dựng nước và giữ nước; tính cần cù dũng cảm, tài trí thông minh sáng tạo của ông cha; về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các danh nhân của đất nước. Phần thi năng khiếu, thí sinh thể hiện năng khiếu ca, hát, múa, đọc thơ, hùng biện, vẽ tranh… phù hợp với nội dung chuyện kể, phù hợp với lứa tuổi.
Đặc biệt, những câu chuyện kể về Bác Hồ như: Bác Hồ trước lúc đi xa, Chú ngã có đau không... đã cuốn hút người nghe. Bên cạnh đó, hội thi còn mang đến nhiều câu chuyện kể xúc động, bi tráng về chủ đề chiến tranh, tình yêu quê hương, đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo như: Khởi nghĩa Lam Sơn, Hải chiến Gạc Ma Trường Sa, Mẹ Thứ, Võ Thị Sáu...
Em Huỳnh Lê Như, lớp 9A, Trường tiểu học và THCS Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: “Em đọc nhiều câu chuyện kể về Bác Hồ nhưng thích nhất là chuyện Bác Hồ trước lúc đi xa trên báo Công an Nhân dân. Câu chuyện giản dị, sâu sắc toát lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Bác ngay cả trong những khoảnh khắc cuối của cuộc đời. Lúc sinh thời, Người không chỉ yêu cuộc sống, yêu tự do, thích sống hòa mình với thiên nhiên mà còn nặng lòng, tha thiết với những khúc hát dân ca”.
Với câu chuyện Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, em Đỗ Dạ Thảo Nhiên, lớp 3A, Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (huyện Tuy An) đã lôi cuốn người nghe bằng giọng kể truyền cảm, biểu đạt. Thảo Nhiên nói: “Đọc và kể những câu chuyện này giúp em hiểu thêm về lịch sử của dân tộc. Em càng thấy tự hào và yêu quê hương qua mỗi trang sách”.
Mỗi câu chuyện mang một ý nghĩa, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại trong lòng khán thính giả qua hội thi lần này chính là phần diễn xuất tự tin của các thí sinh nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện còn được đầu tư về trang phục, dàn dựng cảnh và vai diễn minh họa một cách sinh động, giúp các bạn nhỏ nhận thức sâu sắc hơn và rút ra những bài học cho bản thân từ mỗi câu chuyện kể.
Góp phần lan tỏa văn hóa đọc
Chị Nguyễn Thị Huệ, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Thông qua những câu chuyện kể về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, chúng tôi kỳ vọng các em đội viên, thiếu niên nhi đồng hiểu rõ và nhận thức sâu sắc nguồn gốc, giá trị, vai trò và tầm quan trọng to lớn của Đảng và Bác Hồ đối với các thế hệ mai sau. Đặc biệt, các em sẽ hiểu hơn về lòng nhân ái, sự bao dung, đức tính giản dị, lòng yêu thương con người của Bác. Từ đó, các em có ý thức và hành động đúng đắn, quyết tâm học tập và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy”.
Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, nhìn nhận: Ở phần thi kể chuyện, các em đã chọn được những câu chuyện hay, đúng chủ đề. Tám tiết mục các em mang đến hội thi là những tiết mục đã được tuyển chọn từ cấp cơ sở. Nhiều tiết mục được đầu tư minh họa công phu. Với chất giọng truyền cảm, lời kể rõ ràng, mạch lạc, các thí sinh đã thực sự thu hút được người nghe. Các câu chuyện kể có minh họa phù hợp với thiếu nhi, có lời dẫn thoại của các nhân vật giúp người kể thể hiện hết tài năng của mình. Phần kết mỗi câu chuyện, các em đều tự rút ra cho mình bài học kinh nghiệm làm câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn... Ở phần thi năng khiếu, hầu hết các đơn vị đều có sự đầu tư, có tính nghệ thuật cao, hình ảnh minh họa trực quan, sinh động và thực hiện đúng quy định về thời gian ban tổ chức đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Hội thi nhằm duy trì và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời trong mỗi cá nhân, góp phần nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đây còn là dịp để các thí sinh gặp gỡ, giao lưu, phát huy năng khiếu đọc và kể chuyện theo sách, bổ sung kiến thức cho bản thân, góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước”.
Hội thi nhằm duy trì và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời trong mỗi cá nhân, góp phần nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đây còn là dịp để các thí sinh gặp gỡ, giao lưu, phát huy năng khiếu đọc và kể chuyện theo sách, bổ sung kiến thức cho bản thân, góp phần hình thành nhân cách, kỹ năng sống cho thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái |
THIÊN LÝ