Thứ Sáu, 20/09/2024 10:01 SA
Dưới tượng đài minh quân - nhà văn yêu nước Chao Anouvong
Chủ Nhật, 11/09/2022 13:00 CH

Văn học Lào thế kỷ XVIII-XIX có tác phẩm tiêu biểu là Che chở mặt trời (Sản Lưp Pha Xủn) thể hiện tinh thần yêu nước, đau thương và bất khuất của các bộ tộc Lào anh em về những năm tháng vương quốc đắm chìm trong bóng đen của quân xâm lược Xiêm La. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định tác giả của tác phẩm nổi tiếng này là vua Anouvong - một trong những vị anh hùng dân tộc lừng lẫy của Lào.

 

Tượng đài Chao Anouvong ở công viên bên bờ sông Mê Kông, Thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: PHAN HOÀNG

 

Chúng tôi đến xứ sở Champa trong không khí kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962-5/9/2022). Nước bạn đang chuẩn bị tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ hữu nghị Lào - Việt do Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào tổ chức.

 

Nền văn học Lào có truyền thống hàng ngàn năm, phong phú và đa dạng, có mối tương đồng với văn học Việt Nam. Dòng văn học dân gian Lào được truyền miệng gồm văn xuôi và thơ ca hò vè. Văn học chữ viết của Lào có thể chia làm bốn phần: Văn học lịch sử phản ánh quá trình và sự kiện hình thành, phát triển dân tộc. Văn học tôn giáo gắn liền với việc truyền giáo của đạo Phật. Văn học giáo huấn mang triết lý giáo dục, quy tắc đạo đức thời phong kiến. Cuối cùng là thơ ca thần thoại được diễn ngôn mê hoặc và ám ảnh.

 

Đặc biệt, văn học Lào thế kỷ XVIII-XIX có tác phẩm tiêu biểu là Che chở mặt trời (Sản Lưp Pha Xủn) thể hiện tinh thần yêu nước, đau thương và bất khuất của các bộ tộc Lào anh em về những năm tháng vương quốc đắm chìm trong bóng đen của quân xâm lược Xiêm La. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định tác giả của tác phẩm nổi tiếng này là vua Anouvong (1767-1829), một trong những vị anh hùng dân tộc lừng lẫy của Lào và có mối quan hệ thân thiết với nhà Nguyễn nước ta.

 

Chao Anouvong sinh tại kinh đô Viêng Chăn, là con trai thứ tư của vua Bunsan, hay còn gọi Ong Bun. Năm 1779, quân Xiêm đánh chiếm Viêng Chăn, lật đổ vua cha Busan, Anouvong và các vua anh là Nanthasen và Intharavong Setthathirath III bị bắt làm tù binh, bị đưa sang nước Xiêm giam giữ. Sau 15 năm lưu vong làm con tin ở Bangkok, ngày 2/2/1795, Anouvong được vua Xiêm bổ nhiệm làm Phó vương Vương quốc Viêng Chăn để trợ giúp cho vua anh là Intharavong Setthathirath III.

 

10 năm sau trở về cố quốc, Chao Anouvong lên ngôi sau khi Intharavong Setthathirath III băng hà năm 1805, lấy hiệu là Xaiya Setthathirath IV. Ông cho trùng tu và tạc bức tượng Phật ngọc mới để vào chùa Phra Keo, xây chùa Wat Sisaket… và gặp sứ giả Anh quốc lần đầu tiên nhằm thiết lập quan hệ bang giao Lào - Anh.

 

Bài thơ Mẹ gánh ước mơ của Phan Hoàng được dịch đăng trên tờ Pathet Lào và Người đại biểu Nhân Dân. Ảnh: CTV

 

Với mong muốn giành độc lập tự chủ hoàn toàn, thống nhất Vương quốc Lào, Anouvong đã cử binh sang đánh Korat (nay là Nakhon Ratchasima, tỉnh Nakhon Ratchasima, Thái Lan) vào tháng 2/1827, nhưng bị quân Xiêm phản công dẫn tới thất bại. Kinh đô Viêng Chăn bị vây hãm và thất thủ, Anouvong lui binh trú ẩn ở nhiều nơi, tìm cách phục thù. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của triều đình nhà Nguyễn nước ta, Anouvong hai lần mở cuộc phản công đánh đuổi quân Xiêm nhưng đều thất bại. Kinh đô Viêng Chăn bị quân Xiêm phá hủy hoàn toàn, chỉ còn sót lại chùa Wat Si Saket. Cuối cùng, Anouvong bị người con rể là Chiêu Nội, tù trưởng ở Xiêng Khoảng phản bội, bắt giao nộp cho quân Xiêm, giải về Bangkok nhốt trong cũi sắt, một năm sau thì qua đời ở tuổi 61.

 

Do sai lầm về chiến lược và chiến thuật dẫn tới thất bại, thành Viêng Chăn bị triệt hạ, lãnh thổ bị mất về tay quân Xiêm, nhưng tinh thần yêu nước, tự chủ, dũng cảm của vua Anouvong vẫn được ghi nhận. Ngày nay vị vua - nhà văn Anouvong, tác giả thiên sử thi Che chở mặt trời được người Lào tôn vinh là anh hùng dân tộc.

 

Trong nắng ấm mùa thu Lào, chúng tôi đến thăm công viên Chao Anouvong bên bờ sông Mê Kông ở Thủ đô Viêng Chăn và dâng hương tại tượng đài vị minh quân - nhà văn yêu nước. Tượng đài Anouvong được khánh thành vào tháng 11/2009 nhân kỷ niệm 450 thành lập TP Viêng Chăn và 180 năm ngày mất của vị anh hùng dân tộc vĩ đại. Bức tượng cao 8m, tay trái nhà vua cầm kiếm, tay phải vươn xa cùng gương mặt nghiêm nghị hướng về sông Mê Kông. Tài năng, khí phách, tình yêu nước, lòng dũng cảm trên chiến trường lẫn trong trang văn của Anouvong đã trở thành di sản vô giá của các bộ tộc Lào anh em.

 

Buổi sáng dưới tượng đài Chao Anouvong, bất ngờ tôi nhận được tin vui: Bài thơ Mẹ gánh ước mơ của tôi vừa được dịch và đăng trên hai tờ báo lớn là Pathet Lào - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (số ra ngày 18/8/2022) và Người đại biểu Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Quốc hội Lào (số ra ngày 29-31/8/2022), đồng thời được đọc trên Đài Phát thanh quốc gia Lào. Một niềm vinh dự lớn lao và kỷ niệm không thể nào quên. Nhìn lên bức tượng minh quân - nhà văn yêu nước Anouvong, tôi chỉ biết thầm cảm ơn những bạn văn, dịch giả hai nước Việt - Lào đã kết nối và xứ sở triệu voi tươi đẹp, yên lành, hào phóng, nghĩa tình.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek