Thứ Ba, 01/10/2024 11:13 SA
Dấu ấn của “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn”
Thứ Năm, 04/09/2008 14:22 CH

Ðó là tiêu đề đầy ấn tượng của tập sách nghìn trang của tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên.

 

bia-phu-yen.jpg
Tập sách “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” được Nhà xuất bản Văn hóa thông tin đưa vào kế hoạch xuất bản năm 2007, in xong và nộp lưu chiểu tháng 7/2008, có dung lượng 1.012 trang khổ 14,5 x 20,5 cm. “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” là một công trình địa chí văn hóa, có thể nói là đồ sộ, có giá trị đặc biệt về tư liệu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhiều đối tượng khác nhau khi cần nghiên cứu về tầm cao, chiều sâu và bề rộng văn hóa, lịch sử của tỉnh Phú Yên.

Tập sách hơn ngàn trang này kết tinh nhiều tâm sức điền dã, miêu tả, khảo tả của nhiều cán bộ bảo tàng và nghiên cứu văn hóa lịch sử từ tỉnh đến cơ sở.

 

Tác giả Nguyễn Thị Kim Hoa đã dày công chắt lọc, tổng hợp và trình bày có hệ thống về diện mạo văn hóa vật thể và phi vật thể ở tỉnh Phú Yên qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn.

Đây là một trong những công trình văn hóa rất có ý nghĩa tiến đến kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển vào năm 2011.

 

Tập sách gồm 7 chương, mỗi chương đều có dẫn truyện, miêu tả, khảo tả, thống kê các di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, các di tích đủ điều kiện trình các cấp xếp hạng, kết quả kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, huyện, thống kê đầy đủ các di sản văn hóa trên từng địa bàn.

Chương I có dung lượng 104 trang nhấn mạnh dấu ấn văn hóa đặc thù của huyện Sông Cầu - vùng đất mang đậm nét di sản văn hóa thời tiền sơ sử; một Sông Cầu từng là thủ phủ của tỉnh Phú Yên hơn nửa thế kỷ.

 

Chương II có dung lượng 199 trang nhấn mạnh dấu ấn văn hóa đặc thù của huyện Phú Hòa - nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa thời mở đất.

 

Chương III có dung lượng 138 trang đề cập đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố Tuy Hòa - thủ phủ tỉnh Phú Yên - nơi hình thành phố thị sớm nhất của tỉnh Phú Yên ven bờ sông Chùa, thành phố trẻ trải rộng đôi bờ sông Ba - con sông kỳ vĩ nhất miền Trung, lưu dấu ấn nhiều sự tích hào hùng của lịch sử dựng nước, mở nước, giữ nước của dân tộc.

Chương IV có dung lượng 195 trang, đề cập đến những dấu ấn văn hóa đặc sắc của huyện Tuy An - nơi quy tụ nhiều di sản văn hóa quý báu - địa bàn có đến 5 di tích lịch sử văn hóa danh thắng cấp quốc gia (đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, chùa Đá Trắng, thành An Thổ, địa điểm xảy ra vụ thảm sát Ngân Sơn Chí Thạnh…) Tuy An với vai trò thủ phủ của tỉnh Phú Yên suốt 3 thế kỷ (XVII, XVIII, XIX), có vai trò rất lớn trong lịch sử 400 năm hình thành và phát triển của Phú Yên.

Đây là địa bàn phát hiện bộ đàn đá Tuy An có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất trong số các bộ đàn đá đã phát hiện ở Việt Nam và trên thế giới. Đây cũng là nơi phát hiện nhạc khí bằng đá (kèn đá) là báu vật quốc gia, quý hiếm thuộc dạng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

 

Chương V có dung lượng 169 trang đề cập đến quần thể thắng cảnh - văn hóa - lịch sử Đá Bia - Vũng Rô - Mũi Điện - Đèo Cả và những di sản văn hóa đặc sắc của huyện Tuy Hòa cũ - nay là Đông Hòa và Tây Hòa. Chương V đề cập sinh động và phong phú về các di sản văn hóa trên địa bàn như Đá Bia, Vũng Rô, Mũi Điện, chiến khu miền Đông, đồng khởi Hòa Thịnh và thống kê khá chi tiết các di sản văn hóa trên địa bàn.

 

Chương VI có dung lượng 176 trang đề cập đến các di sản văn hóa của ba huyện miền núi tỉnh Phú Yên (Sông Hinh - Sơn Hòa - Đồng Xuân). Đây là địa bàn văn hóa miền Tây của tỉnh nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Miền Tây Phú Yên là địa bàn cư trú của các dân tộc anh em. Sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người tạo nét độc đáo và làm phong phú thêm vẻ đẹp đa dạng văn hóa của tỉnh Phú Yên. Miền Tây là căn cứ địa hai cuộc chiến tranh, nơi lưu dấu ấn vẻ vang những sự kiện hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của tỉnh Phú Yên.

Chương VII có dung lượng 98 trang, thể hiện quan điểm của tác giả về việc kế thừa, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn với các nhận xét, đánh giá, kiến nghị đầy tâm huyết và khoa học.

 

Tác giả còn đề cập chi tiết đến quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa từ nay đến 2020 với những luận cứ đầy thuyết phục.

 

Nét mới của tập sách “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” là tác giả đã thể hiện cách dẫn chuyện - mang tính trải nghiệm của người trong cuộc - một người tâm huyết với di sản văn hóa của ông cha khi phải lý giải thêm hoặc nêu bật về giá trị đặc sắc của từng di sản văn hóa. Lối dẫn chuyện của tác giả tạo nét hấp dẫn riêng như nhận xét của nhà văn Ngô Quang Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - trong lời giới thiệu tập sách.

 

“Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn phảng phất đâu đó cảm xúc của sáng tác văn học nhưng đó chỉ là cách dẫn chuyện của người kể chuyện, sự mềm mại của lời văn viết trong cảm xúc giàu nữ tính khi đề cập đến những vấn đề không dễ dàng cảm hóa được người đọc”.

 

Cuốn sách là sự tổng hợp có chắt lọc và sắp đặt của hệ giá trị những kết quả nghiên cứu thông qua các bài viết tích lũy hàng chục năm trời. Cuốn sách vừa mang lại những thông tin khoa học lại hàm chứa những thông tin đầy cảm xúc qua lăng kính người viết. Tác giả lại kết hợp khá nhuần nhuyễn bản lĩnh và ngôn ngữ của một cử nhân văn chương vừa với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa bản địa.

 

Bởi vậy, “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” không chỉ rất cần thiết cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa mà còn rất bổ ích cho mọi người dân Phú Yên nhận thức sâu hơn về di sản văn hóa ông cha và tự hào về mảnh đất mình đang sống. Tập sách còn rất cần cho những nhà hoạch định chính sách thuyết minh du lịch, giáo dục truyền thống cho nhiều đối tượng khác nhau có sự quan tâm đến Phú Yên và Nam Trung Bộ.

Trong lời nói đầu tập sách, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi khẳng định đầy tự hào: Dòng chảy liên tục của lịch sử để lại một di sản văn hóa đa dân tộc phong phú, phả hồn vào những sự kiện nhiều chiều tạo một nét đặc trưng văn hóa độc đáo của vùng đất Phú Yên. Di sản văn hóa ấy đang tiếp sức cho hiện tại và hướng về tương lai trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương.

Tập sách đã tạo một dấu nhấn đầy ấn tượng của công tác nghiên cứu xã hội nhân văn trên địa bàn tỉnh, gợi mở nhiều cảm hứng cho các công trình nối tiếp”.

Với bạn đọc Phú Yên, chúng tôi tin rằng sẽ tìm được những vẻ đẹp đặc trưng của quê hương qua tập sách này. Một Phú Yên thời kỳ tiền sơ sử ngời sáng trong không gian văn hóa Sa Huỳnh, một Phú Yên rực rỡ thời vương quốc Chăm Pa và một Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn với sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611 và lịch sử phát triển gần 400 năm.

Chắc chắn rằng, giá trị tập sách sẽ lưu dấu ấn lâu dài và tập sách là một trong những ấn phẩm hiếm hoi có sức sống lâu bền trong lòng công chúng và được yêu thích như những công trình nghiên cứu địa chí trước đó như “Dư địa chí” của thầy Trần Sĩ và Nguyễn Đình Cầm, “Non nước Phú Yên” của Nguyễn Đình Tư. Bạn đọc hãy tìm đọc “Phú Yên trong chiều sâu cội nguồn” tại Thư viện Phú Yên và góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị của tập sách.

 

PHAN THANH

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
UNESCO tôn vinh nhã nhạc Việt Nam
Thứ Năm, 04/09/2008 13:10 CH
Cuộc hội ngộ của các hoa hậu Việt Nam
Thứ Năm, 04/09/2008 09:10 SA
Bất ngờ và những dư âm
Thứ Năm, 04/09/2008 09:10 SA
Tăng Thanh Hà hồn nhiên mà kiêu hãnh
Thứ Tư, 03/09/2008 13:38 CH
Khai quật di tích Thành Hồ
Thứ Tư, 03/09/2008 07:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek