Nhà báo Lê Tiền Tuyến tổng kết hành trình rong ruổi 40 năm làm báo bằng bộ sách công phu gồm hai tập “Dấu ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới”. Sinh thành từ vựa lúa Phú Yên, nhà báo Lê Tiền Tuyến đã thu hoạch được những gì sau chuỗi ngày tha hương dằng dặc nhớ thương?
Nhà báo Lê Tiền Tuyến từng giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng kiêm chủ biên ấn phẩm Đầu Tư Tài Chính, trước khi nghỉ hưu. Nhà báo Lê Tiền Tuyến cũng từng là ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến |
Nhà báo Lê Tiền Tuyến nói về việc tác nghiệp của mình để tích lũy những tư liệu có ý nghĩa: “Nghề báo có quy tắc có đi, nghe, thấy mới viết. Trong quá trình 40 năm làm báo, tôi là một người chịu đi, bằng những chuyến công tác và nhiều chuyến phượt để học “khôn”. Có những chuyến đi gian khổ, không hề êm ả nhưng kinh nghiệm đúc kết là ta được sống nhiều. Và trong các chuyến đi, tôi đều cố gắng lưu lại dưới hình thức thể hiện báo chí: ghi chép, ảnh”.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến vốn là một cây bút bình luận cự phách. Đặc biệt, những bài viết về kinh tế của nhà báo Lê Tiền Tuyến ở góc độ vi mô hay vĩ mô, đều mang tầm vóc một chuyên gia. Vậy thì, ra mắt một tuyển tập bút ký - phóng sự ảnh, có phải nhà báo Lê Tiền Tuyến đang bỏ sở trường để chọn sở đoản?
Bộ sách của nhà báo Lê Tiền Tuyến gồm hai cuốn “Dấu ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới”, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Mỗi cuốn dày 300 trang, in màu với khổ to, giấy đẹp. Hai cuốn bìa cứng bỏ chung một hộp, cầm khá trĩu tay, đặt lên bàn cân thử thì đúng 3,5kg. “Dấn ấn lữ hành” và “Nhìn ra thế giới” nặng ký cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi lẽ, tư liệu và hình ảnh được nhà báo Lê Tiền Tuyến gom góp suốt hành trình làm báo, giúp công chúng có thêm nhiều thông tin bổ ích.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến không chỉ chịu đi, mà còn tỉ mỉ thu vào ống kính và trang viết của mình nhiều sắc thái dặm trường. Ông không những đóng vai du khách thong dong chiêm bái di tích Yên Tử hay nhẩn nha ngắm động Thiên Đường ở Quảng Bình, mà còn đặt chân lên đảo Hòn Khoai ở Cà Mau và đảo Hòn Đốc ở Kiên Giang để hiểu tình quân dân trong ý chí bảo vệ biển trời quê hương.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến đã đến Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Australia... Ông mục sở thị trụ sở hãng máy bay Airbus và khám phá tốc độ phát triển thần kỳ của kênh thương mại điện tử Amazon. Ông nhận diện “Monaco phồn hoa đô hội” thì ông cũng tâm đắc “Seattle quyến rũ thu vàng”.
Dùng ánh mắt rất cầu thị, nhà báo Lê Tiền Tuyến đã có sự quan sát tinh tế và thấu hiểu quảng trường Đỏ là “nơi lưu dấu huyền thoại”, hoặc “Moskva không tin vào nước mắt”. Ông thán phục Boston là chốn tinh hoa học thuật và ông trân trọng thung lũng sông Loire như miền cổ tích. Ông trầm trồ sự độc đáo con kênh đào chảy qua thành phố ở Texas và ông lưu luyến Marseille giao thoa hội tụ nhiều giá trị văn minh.
Ưu điểm của nhà báo Lê Tiền Tuyến là ông không cưỡi ngựa xem hoa khi đi qua xứ lạ. Với mẫu hình nông nghiệp sạch ở Australia, ông chia sẻ: “Ngày nay, ngành Nông nghiệp Australia không những có giá trị kinh tế lớn mà còn giữ vai trò xã hội đặc biệt quan trọng: Lực lượng lao động chính thức chỉ khoảng 400.000 người (chiếm 4% tổng lao động cả nước) nhưng sản xuất ra hàng hóa đạt chỉ số tự cung cấp cao nhất thế giới. Tính trung bình, một nông dân Austraila có thể nuôi 190 người. Các sản phẩm nông nghiệp chính của Australia không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà còn xuất khẩu rộng khắp thế giới, như lúa mì, lúa mạch, hoa quả, gia súc, rượu vang...”.
Trên cuộc rong ruổi “Dấu ấn lữ hành” để “Nhìn ra thế giới”, nhà báo Lê Tiền Tuyến tò mò về cách nông dân Mỹ làm giàu từ nghề trồng sâm và càng đồng cảm cách quy hoạch “làng quê trong đô thị” ở nước Pháp: “Các mảng xanh vùng nông thôn ven đô thị vừa bảo đảm không gian xanh cho đô thị, vừa là nơi sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa tại chỗ với giá thành rẻ do không tốn chi phí đóng gói, vận chuyển đi xa, tạo cảnh quan và dịch vụ vùng quê phát triển du lịch sinh thái”.
TUY HÒA