Thứ Sáu, 24/01/2025 04:10 SA
Nao lòng… một tiếng rao trưa
Chủ Nhật, 12/06/2022 11:00 SA

Trưa, mới nằm thiu thiu, chợt bị đánh thức bởi tiếng loa kẹo kéo rao hàng “Ai bán tivi, máy laptop, máy giặt cũ khôooong?”. Đúng là thời hiện đại, mọi thứ đều nhờ máy móc để khỏi nhọc công nhọc sức. Ngày nay, tiếng rao hàng gần như đều được thu âm, đưa vô USB rồi cắm vào loa mà phát. Phát cả ngày, nắng mưa không ảnh hưởng tý nào, muốn to thì to, muốn nhỏ là nhỏ, thường là to hết cỡ. Nghe tiếng rao hàng sao khác xưa quá, đúng là khác xưa quá!

 

Ngồi ngẫm lại tiếng rao hàng ngày xưa, nghe hay thật. Có tính nhạc hẳn hoi, lúc lên lúc xuống, lúc to lúc nhỏ, lúc dồn dập, ngắt quãng, lúc kéo dài. Nếu chịu khó lắng nghe, qua tiếng rao có thể biết người rao vừa lên con dốc dài, có thể biết hàng bán còn hay ít, đường về nhà còn xa hay gần… Ai nhôm nhựa... dép đứt… bán hooooon?...; ai…trứng dịt (vịt) lộn… đeeeeee...; ai mài dao... mài kéo khôoooog?… Phương ngữ xứ Nẫu, qua lời rao rất là đặc sắc, đặc trưng, nghe một lần khó mà quên. Người nơi khác đến, khó mà hiểu người ở đây rao mua bán gì. Cũng như mình ra xứ Quảng, xứ Huế nghe tiếng rao rất to, nhưng không biết họ rao về cái gì, nghe nhiều lần mới hiểu ra, đôi khi phải nhờ bạn bè thông dịch lại.

 

Chợt nhớ ngày đó, gia đình tui không phải thiếu thốn, khó khăn cho lắm, nhưng tui cùng với một số thằng bạn tập tành buôn bán kiếm đồng ra đồng vô để mua cái này cái nọ. Nhớ mãi là tụi tui bán kẹo đậu phộng. Mỗi ngày, chừng 5 đến 6 giờ sáng, tụi tui đi đến xóm bên trong chợ Tân Hiệp. Ở đó có lò làm kẹo đậu phộng lâu năm, khá nổi tiếng về độ thơm ngon. Kẹo làm cũng đơn giản, họ nấu đường cho dẻo ra rồi tráng lên lớp bánh tráng nướng sẵn, tiếp đến là rưới các hạt đậu phộng đã rang vàng. Khi lớp đường được tráng nguội đi, họ dùng xeo, xeo từng miếng nhỏ, thường là hình tam giác, sau đó bỏ lên một cái mẹt tre to bằng cái mâm ăn cơm, phủ bao ni lông trắng đục lên trên để che bụi bặm… Vậy là có một mẹt kẹo đậu phộng thơm ngon. Thời đó, thức ăn theo hàng rong không có nhiều món như bây giờ. Những thứ làm bằng đường, bằng bột là dễ bán nhất.

 

Tụi tui thường nhận từ 2 đến 3 mẹt đi bán. Mẹt thường được tỳ bên hông, khi nào mỏi thì để mẹt lên đầu, lúc đầu còn vịn tay giữ, sau quen dần, nếu trời không có gió thì buông tay đi như làm xiếc. Nhận xong kẹo, đám bạn tụi tui chia ra nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp chừng 3, 4 đứa, đi các phường/xã của thị xã. Tui và Dũng - đứa bạn có thâm niên bán kẹo dạo, cũng là đứa rủ tui đi bán - hay đi về phía Ngọc Lãng. Nơi này tuy xa nhưng bù lại chỉ có hai đứa bán. Qua Ngọc Lãng là vì tui còn mắc cỡ, không muốn ai nhận ra mình đi bán kẹo dạo, và một phần vì thích lang thang trên đường làng quê mát mẻ, hứng chí là nhào ra tắm sông, hái dưa hấu bên soi... Không gì vui bằng.

 

Ngày nào cũng vậy, tui đi nhánh dưới cầu về phía Ngọc Lãng, Dũng bạn tui đi trên cầu về phía Ngọc Phước. Bán đến chừng 10 giờ sáng, tụi tui phải về nhà để chuẩn bị đi học.

 

Chục bữa như chục, cái mẹt của tui lúc nào cũng còn kẹo, còn của thằng Dũng lúc nào cũng sạch trơn. Lạ thiệt, kẹo lấy cùng chỗ, cùng lúc, đi bán chung địa bàn mà sao nó bán hết, tui thì không. Tui hỏi nó: Mày sao bán giỏi vậy? Nó nói, đi bán kẹo mà không rao lên thì ma nào biết mà ló mặt ra đường để mua cho. Rao vầy nè: Ai mua… kẹo đậu phộng hôoooooong?... Thì ra bí quyết bán hàng của nó là đây. Tui cũng bắt chước nó, tập rao. Mà sao tiếng rao của tui cứ lí nha lí nhí trong cổ họng, không thoát ra được. Nó giống như không thuộc bài, cô giáo gọi lên bục trả bài vậy. Tui cũng cố tập mà không sao tập được cho giống thằng Dũng. Cho đến giờ, lâu lâu trong giấc mơ, tui còn mơ thấy tui rao “Ai kẹo đậu phộng hôooooong?”.

 

Có bữa, trời phật phù hộ hay sao đó, tui bán một lèo hết cả mẹt kẹo. Tui đi ngược lên Ngọc Phước xem thửDũng bán ra sao. Sáng đó, trời đột ngột trút mưa, tui vội núp vào mái hiên nhà ven đường, chợt thấy Dũng một mình đi dưới mưa, áo quần ướt sũng. Từ xa tui đã nghe tiếng rao của nó “Ai mua kẹo đậu phộng hôoooong?”. Tiếng rao nghe cứ lanh lảnh như con chiền chiện chao mình trên không trung hót xuống, đến giờ tui vẫn nhớ…

 

Chiều nay, bẵng đi hơn 30 năm, tui mới gặp lại Dũng. Hai đứa ngồi nhâm nhi bên dòng sông Chùa, nhớ lại quãng thời gian mình bán kẹo đậu phộng, đã từng đi khắp xã Bình Ngọc. Tui mới hỏi, hồi đó sao mày rao bán kẹo hay dữ vậy Dũng. Dũng trầm ngâm không nói, mắt nó đỏ ươn ướt, ký ức quay về ngập tràn qua giọng kể run run… Dũng nói: Mày không nhớ sao, lúc đó mày đi bán chơi, còn tao đi bán thiệt. Ba tao bị mù, má thì tai nạn nằm một chỗ, hai đứa em nheo nhóc… Không rao to, không siêng rao, thửhỏi nhà có lon gạo nào không?

 

Thì ra tiếng rao của bạn tui không phải là tiếng hót của con chim chiền chiện đang chao mình trên không trung đón gió, đón nắng, sải cánh tự do... như tui tưởng, như tui nghĩ. Mà đó là tiếng đau rưng rức từ xó nhà tối tăm, trên giường có người phụ nữ trung niên bị tai nạn nằm tại chỗ hơn 3 năm, là tiếng lục vét xoong nồi của mấy đứa em lên năm, lên bảy…

 

Nào ai biết đằng sau tiếng rao có những phần đời, có những phận người…

 

LÂM PHÚ LINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek