Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” để lại nhiều dư âm trong lòng những người yêu văn chương, yêu quý nhà văn Võ Hồng. Tác giả Hoài cố nhân đã rời xa cõi tạm, nhưng văn chương của Võ Hồng vẫn như sống tiếp cuộc đời của ông.
Hội thảo khoa học quốc gia do Trường đại học Phú Yên, Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao Du lịch Đà Lạt, Trường đại học Thái Bình Dương và Công ty TNHH Du lịch Sao Việt phối hợp tổ chức, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, các địa phương trong cả nước; giảng viên đến từ nhiều trường đại học; nghiên cứu sinh, học viên cao học…
Tồn tại bền bỉ với thời gian
Trong phát biểu đề dẫn, TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết: “Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà văn, các bạn bè gần xa vì sự yêu mến nhà văn Võ Hồng, vì những tác phẩm của ông. Rất nhiều người gọi điện hỏi thăm, rất nhiều người cung cấp tư liệu, hình ảnh, nhiều người kể lại nhiều kỷ niệm về nhà văn Võ Hồng họ còn lưu giữ. Quan trọng hơn đã có hơn 60 tham luận tham gia hội thảo… Phong phú và chiếm số lượng lớn nhất là những bài tham luận đánh giá về vị trí, đóng góp của nhà văn đối với diễn trình phát triển văn học dân tộc, về đặc điểm phong cách và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn”.
Luận giải về hành trình sống và viết của nhà văn Võ Hồng, PGS.TS Trần Hoài Anh (Trường đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) khẳng định tính nhân bản và khát vọng chân, thiện, mỹ “như một hệ giá trị làm nên sự hằng tồn của văn chương Võ Hồng với cuộc đời”. Trong tham luận Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975, PGS.TS Trần Hoài Anh nhận định: “Hành trình sống và văn chương Võ Hồng còn là sự kết tinh từ những giá trị văn hóa truyền thống luôn hướng về cội nguồn, dân tộc để thực hiện kỳ vọng nhận thức trong tâm thức người đọc, nhất là thế hệ trẻ, những giá trị đạo đức luân lý cao đẹp của dân tộc nhằm góp phần giữ gìn sinh mệnh văn hóa Việt trong bối cảnh có nhiều sự chênh chao văn hóa ở miền Nam lúc bấy giờ. Chính những điều này làm nên tính nhân bản trong văn chương Võ Hồng còn lại mãi với cuộc đời…”.
Từ góc nhìn của mình, PGS.TS Võ Văn Nhơn (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nhà văn Võ Hồng như một người hiền của phương Đông. Văn chương của Võ Hồng đã vượt lên thiên kiến hẹp hòi để bày tỏ chữ hiếu đối với quê hương đất nước. Chính vì vậy, văn chương của Võ Hồng tồn tại bền bỉ với thời gian.
Lặng lẽ, điềm tĩnh trong cách viết và cách sống
Theo TS Lê Thị Hường (Trường đại học Sư phạm Huế), trên nhiều chặng đường sáng tác, nhà văn Võ Hồng viết nhiều thể loại song khá nhất quán về bút pháp. Điều này khiến văn chương Võ Hồng mang một sắc thái riêng. Nhà văn Võ Hồng viết vì cái đẹp, viết từ niềm hoài cảm. Trong tham luận Mỹ cảm lãng mạn trong truyện ngắn Võ Hồng, TS Lê Thị Hường nhận định: “Võ Hồng đứng riêng ra như thế một phần bởi tâm hồn ông, quan niệm và lối viết của ông gần hơn với văn học lãng mạn… Từ truyện ngắn đầu tay Mùa gặt, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy (1939), phải đến 20 năm sau Võ Hồng mới xác lập được vị thế nhà văn, song vệt sáng lãng mạn từ thời tiền chiến vẫn theo ông suốt cuộc đời viết văn, đặc biệt bộc lộ rõ qua truyện ngắn”.
Đã có những công trình nghiên cứu về tác phẩm của nhà văn Võ Hồng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cảm nhận biệt tài của nhà văn trong việc làm sống lại những thứ tưởng đã mất, khơi gợi những kỷ niệm êm đềm. “Suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng không phải là người đi đầu trong các cuộc thể nghiệm, cách tân văn chương; cũng không phải thuộc lớp lạc hậu không theo kịp thời đại. Ông lặng lẽ, điềm tĩnh trong cách viết và cách sống. Cho đến nay, những tác phẩm văn chương của Võ Hồng vẫn làm người đọc yêu mến, trân trọng và ngưỡng mộ” (Hiện thực và hoài niệm trong văn chương Võ Hồng - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang).
Nhà văn - nhà giáo Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An. Giấy khai sinh Võ Hồng ghi ngày 5/5/1921 nhưng theo lời nhà văn đã kể, ông sinh vào ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất (tức ngày 21/1/1923). Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng đã để lại một di sản văn chương đồ sộ gồm 6 tiểu thuyết - truyện dài, hàng trăm truyện ngắn và rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngày 31/3/2013, nhà văn Võ Hồng rời cõi tạm. Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức ở dấu mốc gần 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng và gần 10 năm tính từ ngày ông rời xa cõi tạm. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang, “văn chương của Võ Hồng vẫn như sống tiếp cuộc đời của ông; vẫn lung linh những suy tư, hoài niệm”.
Một trong những người đã làm hiển lộ phẩm cách của văn chương
Nhà văn Võ Hồng là một trong những người đã làm hiển lộ phẩm cách của văn chương. Sứ mệnh của văn chương là làm cho chúng ta sống đúng phẩm hạnh của con người. Trong thời buổi mà không ít người sống với những tranh giành, mưu mô, ích kỷ, vô cảm, giá lạnh, hận thù, thì tôi nghĩ những tác phẩm của nhà văn Võ Hồng đã góp phần vào sứ mệnh phục sinh những tâm hồn bị tàn phá.
Khi biết tôi sẽ vào Phú Yên dự hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Võ Hồng, một nhà văn nói với tôi: Võ Hồng cũ lắm rồi. Tôi nói với anh ấy rằng: Không, chúng ta nhìn nhầm. Võ Hồng không phải viết về những cái cũ, mà ông đưa chúng ta trở về những giá trị vĩnh hằng nhất, xuyên qua mọi thời đại, xuyên qua mọi biên giới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
YÊN LAN