Bảo tàng là một trong những thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ được Bảo tàng tỉnh chú trọng thực hiện.
Người dân đến Bảo tàng tỉnh tham quan, xem các hiện vật lịch sử đang được trưng bày. Ảnh: THIÊN LÝ |
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bảo tàng tỉnh đang phải chủ động thích ứng, đảm bảo hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh mới.
Nỗ lực phục vụ người xem thời… COVID-19
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động trưng bày, triển lãm và đón khách tham quan gặp nhiều bất lợi. Hiện Bảo tàng tỉnh đã mở cửa đón khách nhưng tình trạng khách rất vắng vẻ. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng tỉnh chỉ đón 398 lượt khách tham quan Nhà trưng bày. Nguyên nhân là do người dân còn e ngại dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Mai ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Khi chưa có dịch COVID-19, tôi thường dẫn các con đến tham quan Bảo tàng tỉnh, danh lam thắng cảnh với mong muốn giúp các con biết thêm về lịch sử, cảnh đẹp của quê nhà để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho con ngay từ nhỏ. Nhưng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi vẫn còn e ngại, nên hạn chế cho các con đi thăm thú bên ngoài”.
Theo ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đón, phục vụ khách tham quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã triển khai nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh, nhất là nguyên tắc 5K. Đơn vị chú trọng xây dựng cơ quan văn hóa và văn minh công sở, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời nêu cao tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên, người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là hoạt động đón, phục vụ, hướng dẫn khách tham quan. Bảo tàng tỉnh đã tranh thủ những thời điểm dịch bệnh được khống chế để tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút sự quan tâm của du khách và nhân dân. Điển hình như hoạt động trưng bày chuyên đề “Sắc xuân Phú Yên” tại Bảo tàng tỉnh vừa qua.
Đổi mới hoạt động
Song song với việc đón, phục vụ khách tham quan, Bảo tàng tỉnh đã tập trung vào các hoạt động chuyên môn như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật, nhằm phục vụ đối tượng khách đến nghiên cứu, tra cứu thông tin hiện vật tại hệ thống kho bảo quản.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bảo quản 4 hiện vật thể khối lớn đã thông qua Hội đồng khoa học bảo tàng; chụp 45 ảnh hiện vật thể khối lớn chỉnh sửa photoshop và lập file ảnh lưu vào phần mềm quản lý hiện vật; phiếu thông tin hiện vật; kiểm kê, sắp xếp, bảo quản định kỳ: 396 hiện vật các chất liệu hiện có trong kho (gồm 96 hiện vật đồ mộc, 100 hiện vật đồ đá, 200 ảnh tư liệu). Bên cạnh đó, đơn vị còn hoàn thành nội dung lý lịch, nhập kho bảo quản và vào sổ kiểm kê bước đầu 114 hiện vật mới sưu tầm (gồm 84 hiện vật gốm, 17 hiện vật đồ mộc, 8 hiện vật kim loại, 3 hiện vật đất nung, 1 đồ vải, 1 hiện vật đồ da).
Ông Nguyễn Tấn Lợi cho biết: “Chúng tôi sẽ vượt qua thách thức này và luôn nỗ lực khi đại dịch kết thúc. Việc xây dựng và phát triển các chương trình hoạt động của bảo tàng sẽ triển khai mạnh mẽ nhằm đảm bảo sự đa dạng, gìn giữ tốt các giá trị văn hóa. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, thu thập thông tin, sưu tầm hiện vật theo đề cương trưng bày bảo tàng đã được UBND tỉnh phê duyệt; nghiên cứu, bổ sung thông tin hiện vật phục vụ trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại đơn vị vào các ngày lễ (trong điều kiện cho phép). Đồng thời xây dựng hồ sơ, thủ tục thành lập Trang thông tin điện tử trình cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp phép sau khi có chủ trương của Sở VH-TT-DL.
Chuyển đổi số là một trong những hoạt động cần thiết mà bảo tàng chú trọng đẩy mạnh. Việc áp dụng công nghệ số trong công tác trưng bày, giúp người xem có thể tiếp cận tài liệu, hiện vật thông qua mạng trực tuyến, mà không cần trực tiếp đến bảo tàng. Hình thức tham quan trực tuyến này sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài. Vì vậy, yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa được bảo tàng đặt lên hàng đầu... Tuy nhiên, về lâu dài cần phải chú ý tính đồng bộ, có chiến lược phù hợp giữa nội dung và hạ tầng công nghệ. “Cần chuyển đổi theo hướng tiếp cận và đổi mới trưng bày để hấp dẫn công chúng. Chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ khách tham quan; đẩy mạnh liên kết các tour lữ hành, hợp tác quốc tế... Đây là một hướng đi xuyên suốt, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, ông Lợi khẳng định.
Bảo tàng tỉnh chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ khách tham quan; đẩy mạnh liên kết các tour lữ hành, hợp tác quốc tế; đổi mới trưng bày để hấp dẫn công chúng... Đây là hướng đi xuyên suốt, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh |
THIÊN LÝ