Thứ Ba, 28/01/2025 00:06 SA
Tết trong gia đình dép – truyện ngắn của PHAN ĐỨC LỘC
Thứ Bảy, 29/01/2022 10:39 SA

Cha tôi có một đôi dép lốp màu đen đã cũ lắm rồi. Nhưng lúc nào cha cũng nâng niu nó như một báu vật.

 

 

 

Nhớ hồi tôi học cấp hai, vào cái lần cha đèo tôi lên thị trấn thi học sinh giỏi cấp huyện, tôi đã xấu hổ đến đỏ mặt vì... đôi dép lốp của cha. Bởi lẽ trong khi cha mẹ của đám bạn, người đi giày cao gót sành điệu, người thì đi giày da bóng loáng, chỉ có cha tôi là đi đôi dép lốp vừa cũ kỹ, vừa quê mùa. Kết thúc buổi thi, thoáng thấy hình ảnh cha đứng thấp thỏm trông đợi ở cổng trường, tôi lảng đi, núp bên một gốc xà cừ già cỗi. Và tôi nhìn thấy cha đã đi đi, lại lại hỏi hết người này, người kia nóng ruột đến mức nào. Chờ cho đám bạn về hết, tôi mới lủi thủi tiến ra chỗ cha đang đứng. Cha vịn lấy vai tôi, sốt sắng:

 

- Con trai của cha làm bài tốt chứ?

 

- Bình thường, cha ạ.

 

Dọc đường về, cha hỏi gì tôi cũng ợm ờ trả lời qua quýt. Tôi đăm đăm nhìn vào đôi dép đang xoay đều cùng chiếc bàn đạp nặng nề và cảm thấy giận cha ghê gớm. Sáng nay, một số đứa bạn cùng trường đã bắt gặp cha tôi đi đôi dép lốp rách này. Thứ hai đến lớp, thể nào đây cũng là chủ đề chính để chúng nó rì rồ rỉ tai nhau rồi cười cợt. Và lúc đó, hẳn nhiên, tôi sẽ hoặc úp mặt xuống bàn vờ như đang mệt hoặc bỏ ra nhà vệ sinh chờ tiếng trống vào học mới dám quay về chỗ ngồi.

 

Có đáng gì đâu một đôi dép lốp đã trơ mòn, cũ nát? Vậy mà dẫu quai dép đã bị đứt, cha vẫn dùng thanh thép ủ vào bếp than hồng rồi chắp nối lại từng đoạn một. Tôi chẳng thể nào nhớ nổi tuổi thọ của đôi dép ấy nữa, chỉ nhớ rằng khi tôi biết để ý nhiều hơn đến mọi thứ xung quanh ngôi nhà nhỏ này thì đã thấy đôi dép lốp của cha thường được xếp ngay ngắn bên bậc thềm. Bao giờ cũng vậy, cứ đi đâu xa về, cha lại giữ thói quen mang đôi dép ra giếng, dùng bàn chải chà chà thật sạch sẽ cứ như thể sợ nó bị... nhiễm trùng. Có hôm, đi học về, thấy cha lụi hụi chui xuống gầm giường, tôi hỏi:

 

- Cha làm gì đấy ạ?

 

Giọng cha đầy lo lắng:

 

- Con có thấy một chiếc dép của cha đâu không?

 

Tôi xì một hơi thườn thượt:

 

- Đằng nào đôi dép ấy cũng vứt đi được rồi cha ạ.

 

Cha ôn tồn:

 

- Nó vẫn còn tốt lắm

 

Tìm hết gầm giường, xó nhà, góc bếp không thấy, cha lại lật đật ra ngoài vườn giữa buổi trưa chang chang nắng. Cuối cùng, cha đã tìm thấy chiếc dép giữa bụi khoai dong riềng khi con cún ngứa răng đang ngoe nguẩy cái đuôi nghịch ngợm. Nét mặt cha mừng vui như đứa trẻ được chia quà. Tôi xịu mặt. Sao con chó không nuốt chửng chiếc dép ấy đi cho rồi. Cha tôi thật là bủn xỉn!

 

*

 

Ngày ngày, trên đôi dép lốp cũ kỹ, cha xuôi ngược. Đôi dép ấy làm cho dáng cha khập khiễng, khổ hạnh hơn. Đôi dép đã hóa màu đen bạc thếch và chiếc quai đã có thêm nhiều mối hàn, nhiều vết nối sơ sài nhưng tình yêu của cha dành cho nó không bao giờ thay đổi. Cái lần nhận được tiền thưởng giải khuyến khích môn Văn cấp huyện, điều đầu tiên tôi làm là tôi đã mua một đôi dép tổ ong mới tặng cha. Cha cười xòa:

 

- Đôi dép lốp của cha vẫn còn dùng tốt mà con... Hãy để dành tiền mà mua những thứ con thích.

 

- Con thích cha đi đôi dép con mới mua này.

 

Tôi biết nhà tôi nghèo thật, nhưng tôi không muốn cha phải kham khổ đi đôi dép lốp rách nát ấy mãi như thế. Cha luôn nghĩ cho tôi mà nhiều khi quên đi cả chính bản thân mình.

 

Đêm ấy, khi tôi đang lim dim mắt chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng cha rủ rỉ trước bàn thờ mẹ:

 

- Cu Tèo nhà mình nay lớn thật rồi, mẹ nó ạ. Trưa nay nó bảo đôi dép lốp của tôi đã cũ nên mua tặng tôi một đôi dép tổ ong mới đấy! Đôi dép tổ ong này là món quà đầu tiên con trai nó tặng tôi, còn đôi dép lốp kia lại là món quà cuối cùng tôi nhận được từ mẹ nó đấy nhỉ?

 

Nước mắt nóng hổi rơi ướt đầm gối bông, tôi chợt vỡ lẽ ra tất cả. Tình yêu của cha dành cho mẹ chưa bao giờ lay chuyển, dù có chuyện gì xảy ra. Chả trách cái bữa bà nội nhắc đến dì Nguyệt làng bên, cha đã khăng khăng từ chối rồi lại lặng lẽ ra ngoài thềm vừa lau chùi, vừa ngắm nghía đôi dép lốp và ngồi đó thao thức thâu đêm.

 

Từ hôm ấy, cha cất đôi dép lốp cũ vào một chiếc hộp nhỏ và chuyển sang đi đôi dép tổ ong. Trông cha như trẻ ra thêm đôi ba tuổi. Cha cười bảo đôi dép tôi mua tặng cha đi rất vừa vặn và êm chân. Giống như thói quen trước đây, đi đâu về cha cũng dùng bàn chải tỉ mẩn đánh rửa đôi dép thật sạch sẽ, trắng sáng rồi lại xếp ngay ngắn lên bậc thềm. Nhiều hôm tôi còn bắt gặp cha nhẹ nhàng mang đôi dép lốp và đôi dép tổ ong ra đặt cạnh nhau rồi cứ ngồi lặng im như vậy hồi lâu. Lén nhìn đôi mắt ươn ướt nước của cha, tôi biết cha đang nghĩ gì…

 

- Lớn lên, kiếm được nhiều tiền, con sẽ mua tặng cha thật nhiều dép “xịn”.

 

Cha xoa đầu tôi:

 

- Lúc đấy, không biết cha có đi được nữa không?

 

Tôi chợt hoảng sợ về câu nói của cha. Tóc cha bạc đi nhiều. Lưng uốn cong dấu hỏi thời gian. Những chấm đồi mồi lốm đốm điểm xuyết lên nước da nâu dầm sương dãi gió. Cha đã già đi nhiều nhưng vẫn luôn tảo tần mưa nắng vì tôi. Tôi bỗng nhớ những vần thơ vụng dại mình viết về cha mà chẳng dám đưa cho cha đọc:

 

“Theo bước trâu đàn men dọc triền đê

Con tìm về những hồn nhiên tuổi nhỏ

Nụ cười xưa đã tan vào lòng cỏ

Chỉ dấu chân cha mòn vẹt nắng vàng…”

 

Cha tôi lâm bệnh nặng sau đó không lâu. Chân cha teo tóp dần. Đôi dép tổ ong xếp vào xó cửa.

 

*

 

Dì Nguyệt làng bên bước vào nhà tôi vào một ngày rét mướt tháng Chạp, thầm lặng như đóa quỳnh nở muộn. Mọi người lời ra tiếng vào xì xào bàn tán rằng dì mù quáng. Dì yêu cha tôi thật lòng, từ hồi còn là một thiếu nữ. Tôi thương cha, lại càng thương dì Nguyệt nhiều thêm. Cái lần dọn nhà, vô tình nhìn thấy đôi dép lốp trong chiếc hộp của cha, dì rưng rưng nói:

 

- Tình yêu của cha mẹ con cũng giống như đôi dép này, chẳng rời xa được. Dì là kẻ đến sau, không mong muốn gì hơn ngoài việc làm một mảnh vá xấu xí nhưng có thể hàn gắn phần nào vết thương lòng của cha con và thành tâm hương khói để mẹ con nơi suối vàng ngậm cười thanh thản.

 

Tôi ngước nhìn đôi mắt long lanh của dì:

 

- Đôi dép lốp của cha con rất cần những mảnh vá của dì, dì ạ…

 

Dì Nguyệt là người phụ nữ quán xuyến. Nghe người ta bảo ăn nhiều cua bổ xương, mặc mưa phùn, gió lạnh, chiều nào dì cũng lặn lội đồng dưới, ruộng trên bắt cua nấu cháo bón cho cha. Thi thoảng, dì đổi món sang cháo gà, cháo thịt. Sự chăm sóc tận tình của dì Nguyệt đã giúp cha tôi có những dấu hiệu hồi phục. Cha đã có thể đứng dậy, vịn thành xe lăn và đi cà nhắc vài ba bước chân chậm rãi. Đôi dép tổ ong nằm ngay ngắn trên bậc thềm đợi cha. Cha cười hiền:

 

- Cha thèm cảm giác được xỏ chân vào đôi dép lắm rồi.

 

Nhìn những ngón chân cha bè ra thành những chữ “V” xiêu vẹo, tôi băn khoăn:

 

- Hình như nó chật rồi cha ạ.

 

- Ơ hay nhỉ? Dì mày chăm cha tốt quá, đến cả bàn chân cũng béo lên.

 

Đang đồ xôi dưới bếp, dì Nguyệt nói vọng lên:

 

- Hai cha con nói xấu gì em đấy?

 

Cả nhà cùng cười vui vẻ.

 

Khi cha thiu thiu giấc ngủ trưa, tôi giấu nhẹm đôi dép tổ ong dưới gầm giường rồi nói dối rằng con cún đã

tha đi đâu mất. Hiểu được ý đồ của tôi, dì Nguyệt rất cảm kích. Hôm sau, đúng phiên chợ tết, dì có lý do mua tặng cha một đôi dép tông mới để cha đi thoải mái hơn. Cha xỏ chân vào món quà bất ngờ, mặt bỗng nhiên bừng đỏ:

 

- Anh cảm ơn Nguyệt.

 

Và cả dì Nguyệt nữa, mặt dì cũng đang ửng đỏ như những cánh đào e ấp đón gió xuân:

 

- Người nhà với nhau mà anh cứ khách sáo với em mãi.

 

Thế rồi, như mọi ngày, dì và tôi lại đỡ cha dậy, dìu cha tập đi loanh quanh trong sân. Tiếng dép tông vang lên loẹt quẹt... Bất chợt, tôi thầm nghĩ: “Đôi dép nhỏ nhoi nâng đỡ tất cả sức nặng của cơ thể mỗi con người và chấp nhận chạm vào chỗ dơ bẩn nhất để đôi chân chúng ta sạch sẽ. Những đôi dép mang những số phận tiến lại gần nhau. Những đôi dép sẽ vượt qua chông gai, sỏi đá. Cuộc đời cha như đôi dép lốp, sau bao tháng năm cống hiến hết mình giờ đã đến lúc nghỉ ngơi trong chiếc hộp với những mối hàn lỗ chỗ. Cuộc đời dì Nguyệt - người mẹ thứ hai của tôi như đôi dép tổ ong, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về bản thân để người mình yêu thương sống tốt. Cuộc đời tôi như đôi dép tông vẫn còn mới và đủ rộng để những đôi chân cần đến đặt vào. Ba đôi dép bù đắp cho nhau. Ba đôi dép khát khao hạnh phúc. Chúng tôi là những thành viên của một gia đình dép, sẽ mãi đồng hành với nhau trên những nẻo đường trắc trở, gập ghềnh…”.

 

Sau khi khám cho cha, bác sĩ nói rằng sức khỏe cha tôi đang tiến triển tốt. Không lâu nữa, cha có thể đi lại gần như bình thường - điều mà bác sĩ từng nghĩ rằng rất khó xảy ra. Cha và dì Nguyệt xúc động:

 

- Cảm ơn bác sĩ!

 

Vị bác sĩ già dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ cặp kính:

 

- Nhà mình yên tâm đón tết nhé! Không phải tôi mà chính gia đình anh đã tạo nên phép màu nhiệm, đưa anh trở về với cuộc sống.

 

Ngoài thềm, trên mấy cành đào chớm nụ, bầy chìa vôi đang thi nhau gieo những tiếng hót hân hoan…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sum họp đầu năm
Thứ Ba, 01/02/2022 06:00 SA
Xuân về bên mái nhà xưa
Thứ Hai, 31/01/2022 10:00 SA
Sắc nắng nhành mai đưa con về bên mẹ
Thứ Hai, 31/01/2022 08:00 SA
Cuối trời mây trắng
Thứ Hai, 31/01/2022 08:00 SA
Quê hương Tuy Hòa và má
Chủ Nhật, 30/01/2022 13:00 CH
Thủ thỉ chuyện tết
Chủ Nhật, 30/01/2022 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek