Thứ Hai, 27/01/2025 23:57 CH
Tháng Chạp là tháng... trở về
Thứ Bảy, 29/01/2022 09:32 SA

Theo âm lịch, mỗi năm có 12 đến 13 tháng. Tháng thứ 13 là tháng nhuần. Khác với những tháng còn lại đều gọi bằng những con số, tháng đầu năm và cuối năm có tên riêng - tháng Giêng và tháng Chạp. Người xưa gọi tháng Chạp là tháng “củ mật” bởi tháng này thường có nhiều trộm đạo. “Củ” là củ soát, kiểm soát, còn “mật” là cẩn mật, nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Thời vua chúa, hàng năm cứ đến tháng Chạp, quan phủ thường nhắc nhở người dân trông coi cửa nẻo cẩn thận, đề phòng kẻ gian đột nhập. Lực lượng tuần đinh thì tăng cường kiểm soát cẩn mật để phòng ngừa trộm cắp.

 

 

Tháng Chạp có 30 ngày nếu là tháng đủ, còn tháng thiếu chỉ có 29 ngày, như năm Tân Sửu này. Đây là tháng để mọi người cùng hướng về ông bà, tổ tiên, mái ấm của gia đình mình. Vậy nên, thay cho tháng “củ mật” chẳng mấy hay ho, tháng Chạp cần được đổi thành tháng “trở về”. Bởi lẽ, như đã thành máu thịt, dù đi đâu, làm gì, hàng năm cứ đến tháng Chạp là mọi người cùng hướng về quê hương, gia đình mình, mong được trở về. Đặc biệt, ngày tất niên thường diễn ra vào 29 (tháng thiếu) hoặc 30 tháng Chạp, mọi thành viên trong gia đình sẽ sum họp, quây quần, chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên, sau đó cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng chờ đón giao thừa và năm mới đến.

 

Nói đến tháng Chạp, hầu như ai cũng nghĩ về mẹ. Lý Thừa Nghiệp đã ví “Tháng Chạp, mẹ già như lúa chín... Tháng Chạp, mẹ già như hoa nở... Tháng Chạp, mẹ già như hương nắng... Tháng Chạp, bỗng tràn theo nước mắt…”.

 

Có lẽ người mẹ nào cũng vậy, sinh con, nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, mong con yên bề gia thất, an cư lập nghiệp nhưng mỗi khi tháng Chạp đến đều luôn trông mong các con trở về chung một mái nhà.

 

Mẹ tôi có 6 đứa con. Lớn lên mỗi đứa mỗi nơi, chỉ có thằng Út là ở gần bên cạnh. Còn mấy anh chị em tôi, có khi cả tháng ròng không đứa nào về thăm mẹ. Những lúc nhớ lắm bà nói với thằng Út: “Không biết lâu nay công việc của thằng Sáu, con Bốn… như thế nào?”. Vậy là thằng Út gọi điện thoại hoặc nhắn tin “Má nhớ anh lắm! Anh về cho bả thăm”. Đó là những ngày bình thường trong năm. Còn khi tháng Chạp đến, mặc dù là tháng bận rộn nhất, nhưng mẹ luôn ra ngóng vào trông, canh cánh chờ thằng Sáu, con Bốn… trở về. Tháng Chạp, lúa đồng đang cần cấy dặm; luống cải, liếp tần ô trong vườn luôn cần bàn tay chăm bón; mùng mền, chiếu gối, quần áo cần phải giặt ủi thơm tho…. Công việc lớn nhỏ trong nhà bày ra trước mặt mẹ. Mẹ không ngại vất vả. Mẹ không ngại thức khuya dậy sớm để lo toan mọi thứ. Nhưng mẹ lo nhất là tết này có đứa con xa.

 

Tôi rời bàn tay chăm sóc của mẹ, rời nơi chôn nhau cắt rốn để đi lập nghiệp, thoạt nhìn lại đã gần 40 năm. Nhớ tháng Chạp đầu tiên sống cuộc đời sinh viên. Năm ấy tôi định ở lại đón tết ở thành phố vì đường sá xa xôi đi lại rất khó khăn. Lớp tôi có hơn 40 người, đa số là dân thành phố, còn lại là ở các tỉnh từ An Giang đến Bình Định, hầu hết ở nội trú. Ký túc xá Làng Báo Chí nơi tôi ở, nhà trọ của sinh viên đan xen với nhà dân, công chức nhà nước, văn nghệ sĩ. Những ngày cuối năm, phố xá nhộn nhịp đến lạ thường. Người người chạy đua với thời gian, tất bật lo toan chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Sau Tết Ông Táo - 23 tháng Chạp, khi sinh viên lần lượt mang ba lô về quê, không gian trong ký túc xá trở nên vắng lặng khác thường. Và càng vắng lặng, lạnh lẽo hơn khi đi từ đầu này đến đầu kia, phòng nào cũng cửa đóng, then cài. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi qua và không đêm nào tôi ngủ được vì trằn trọc nhớ nhà. Càng gần đến ngày tất niên, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân trong gia đình và mong được trở về trong tôi càng lớn, không thể kìm nén nổi. Phải trở về thôi. Trở về để được tận hưởng không khí mùa xuân rất đỗi thân quen của quê hương núi Nhạn sông Đà, với cánh đồng lúa Tuy Hòa đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, nơi có con đường làng trơn trượt những khi trời mưa. Trở về để tận hưởng sự yêu thương đùm bọc của gia đình và bạn bè thân quen thời chân lấm tay bùn, khố rách áo ôm. Vậy là tôi vội vội vàng vàng nhét quần áo vào túi xách, ba chân bốn cẳng ra ngay quốc lộ để bắt xe đò xuôi về miền Trung. Và từ đó, với tôi, mỗi lần tháng Chạp đến là mỗi lần trở về với khu vườn cổ tích, có bà tiên tóc bạc dịu hiền.

 

* * *

 

Sáng nay thức dậy. Khác với mọi ngày, bỗng nhìn thấy chậu mai tứ quý trước sân đã lú nhú những nụ hoa. Chợt nhận ra tháng Chạp đã về và giật mình tự hỏi, lại năm hết tết đến rồi ư? Thời gian trôi nhanh quá!

 

Tháng Chạp về nên trời lất phất mưa sa. Cái se se của mùa đông vẫn còn vướng víu đâu đó ở đầu cành cây, ngọn cỏ. Nắng tháng Chạp dường như chỉ đủ để uốn cong những lát đu đủ mỏng tang mà các bà nội trợ đem ra hong để làm dưa món. Và gió tháng Chạp không thổi thốc qua những con phố, rải khắp từng con đường làng mà rung rinh thoáng gợi những hoài niệm.

 

Tôi trở về quê. Sau nhiều năm trôi qua, những con đường làng trơn trượt ngày nào nay đã được bê tông quang đãng, chỉ còn loài hoa dại có tên xuyến chi hay cỏ xuyến nở đầy bông trắng muốt, đong đưa trong gió nhẹ. Cũng không còn những chiếc xe ngựa lọc cọc chở các chị, các cô, các dì đi chợ tết như ngày nào mà thay vào đó là những chiếc taxi, xe tay ga, ô tô đời mới. Tuy nhiên, tháng Chạp đây đó vẫn náo nức trong lòng người dân quê, khi những nia củ kiệu, đu đủ… giăng dài theo những bờ rào, bên hiên nhà; những mẻ cốm, nồi mứt gừng đầu tiên được thành hình, chuẩn bị sẵn sàng cho đám con cháu ở thành phố về ăn tết, xuýt xoa khen ngon và luôn miệng hít hà sao mà cay quá vậy.

 

Chỉ có một điều, bà tiên ở khu vườn cổ tích trong tôi kể từ tháng Chạp năm nay đã không còn nhắc khéo thằng Út gọi điện cho thằng Sáu nữa. Bà đã trở về với chốn bồng lai tiên cảnh.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi lễ chùa đầu năm
Chủ Nhật, 30/01/2022 07:00 SA
Dừng chân thấy nhớ quê hương(*)
Thứ Bảy, 29/01/2022 09:17 SA
Phú Yên trong tim
Thứ Bảy, 29/01/2022 09:13 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek