Thứ Sáu, 04/10/2024 04:24 SA
Đi qua đại dịch - truyện ngắn của BẢO HÀ
Chủ Nhật, 12/12/2021 14:30 CH

Bên cạnh phòng trọ của tôi là phòng của một đôi vợ chồng trẻ, có con gái một tuổi vừa mới chuyển đến ở. Người chồng là bộ đội biên phòng làm việc ở TX Sông Cầu, còn người vợ vừa chuyển công tác vào làm trong một sở ở TP Tuy Hòa. Suốt mấy tháng dịch bùng phát mạnh, người chồng không về thăm nhà được ngày nào.

 

Những ngày đầu chuyển trọ, do lạ nước lạ cái, nên trước COVID-19 bùng phát, ông nội bé người Đức Thọ, Hà Tĩnh vào Phú Yên, dự định ở lại nửa tháng để chăm cháu lúc mẹ bé đi làm và cháu chưa quen với môi trường mới. Dự định đến khi nào cháu đi học ông sẽ về quê. Nhưng con bé làm quen lâu hơn mọi người nghĩ.

 

Ban đầu nó gào to, sau đó thì khóc ri rỉ từ sáng sớm đến khi mẹ đi làm về và thường khi mệt quá sẽ gục trên vai ông để ngủ trong chốc lát. Ông suốt ngày bồng nó đi dọc hành lang, mệt quá thì ngồi ở ghế đá vì bước vào nhà là con bé sẽ thức dậy và lại khóc. Phải đến tầm một tháng, con bé mới quen hơi ông, đã ít khóc và chịu chơi ngoan. Lúc này ông dự định về quê thì dịch giã bất ngờ ập đến.

 

Từ một người ít nói, chỉ ở nhà trông cháu và đếm từng ngày để được về quê, những ngày sau, khi thấy việc đi về khó khăn, số ca nhiễm tăng cao, ông biết mình sẽ ở lại lâu hơn nên dần quen với cuộc sống trong khu tập thể. Cùng với mọi người trong khu trọ, ông cũng tất tả cuốc vỡ đất, sắp xếp đá sỏi vào một góc, tưới nước cho đất ẩm tơi sau đó gieo hạt giống. Chỉ một thời gian ngắn sau, khu vườn với một ít đậu xanh, đậu đỏ, bí, cải, rau muống, khổ qua… ươm mầm tươi xanh. Mỗi sáng, người ta thấy ông dậy thật sớm, lấy chổi quét cả khoảng sân trước nhà, gom rác lại rồi hốt đi đổ. Ông hay bảo với mọi người: “Đợt ấy, đang chờ con trai từ Sông Cầu về làm cái liên hoan nho nhỏ rồi ông về quê đó chứ. Nhưng rồi dịch cứ bùng mãi nên ông phải ở lại. Tội cho bà ở ngoài quê, đang một mình trông coi bốn đứa cháu cho cha mẹ chúng nó đi làm. Cháu trong này đã quen, các con cũng đã có những hàng xóm mới. Lúc này, ông đi về khi nào chả được vì mọi thứ đã yên tâm rồi”. Vậy mà, phải mất mấy tháng sau, ông mới về được quê. Hôm chuẩn bị lên xe, ông đi chào khắp một lượt khu trọ, khoe với mọi người có xe người quen đi vào trong này nên ông có cơ hội về quê được, mọi người ở lại giữ sức khỏe. Cũng mừng cho ông.

 

Cũng như ông, mọi người trong khu tập thể cũng bắt đầu quen dần với cảnh “sống chung với lũ”: Những khi thật cần thiết mới ra ngoài; những đêm trăng trước, mấy nhà ở gần nhau thường bê rổ ổi, thổi lửa nướng bắp vừa ăn vặt vừa nói chuyện rôm rả thì nay nhà ai nấy ở. Mấy ông chồng có lỡ thèm bia rượu thì bấm bụng chịu chứ không dám nướng mấy con cá khô, mực khô rồi khui tách tách người vài lon. Sợ thiếu rau xanh, những bồn hoa lơ phơ cỏ vàng sau cả mấy tháng hè nắng cháy được thay bằng những đám rau xanh mướt mắt. Đến khi vườn đầy ắp rau, cứ mỗi ngày, nhà tôi lại được cho hôm thì rau muống, hôm thì rau dền, hôm thì rau cải… Có hôm, cô bé hàng xóm mới hai tuổi rưỡi cầm sang cho tôi một trái cóc to. Hôm nữa, cũng một cô bé hơn hai tuổi, ngọng líu lo nói: Mẹ cho cô H. Giở ra thì thấy một bịch đậu phộng còn nguyên đất đen. Mẹ bé nói đây là đậu phộng giải cứu. Mẹ bé nói để mẹ đem qua nhưng cô bé thích được mẹ khen giỏi nên tranh đi trước. Trong đợt dịch, có vẻ như mọi người sống chậm lại, thu hẹp lại mọi thứ nhưng lại mở rộng lòng ra.

 

Nhà tôi cũng đã xáo xào từ khi dịch bùng lên, khi thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 và sau đó cứ kéo dài mãi Chỉ thị 16. Hai đứa nhóc, một đứa 5 tuổi, một 8 tuổi, cãi lộn với nhau suốt cả ngày. Tôi phải tất bật lo ngày ba bữa, chợ búa, cơm nước, nhà cửa, rồi còn phải làm việc, nhiều lúc gia đình xảy ra mâu thuẫn. Đến lúc con học online thì thời gian lại càng eo hẹp hơn… Có một bận cả tháng trời, vợ chồng tôi không nói với nhau một câu nào.

 

Nhưng dịch giã không làm cho người ta hễ thấy trống vắng thì đi ra khỏi nhà, chạy vòng vòng đâu đó hay tấp vào một quán cà phê; chồng tôi cũng không thể thấy không vui là rủ bạn bè làm vài ly hay về quê với ông bà. Vì vậy, sau tất cả những bất đồng, chúng tôi đã ngồi lại cùng nhau. Mọi ấm ức đều được bày tỏ, mong muốn, nguyện vọng cũng được nói ra. Và ai cũng cố gắng sửa mình, thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Chúng tôi nhận ra mình vẫn còn may mắn, vì ba tôi từ TP Hồ Chí Minh đã kịp lên chuyến xe tài trợ để về nhà; em gái tôi và anh trai tôi, ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương may mắn vẫn bình an. Vì khu tôi ở vẫn là vùng xanh, vì chúng tôi vẫn có một công việc để làm, có thu nhập. Trong đợt dịch này, nhiều gia đình mất việc cả mấy tháng trời và chắc chắn họ có những khó khăn riêng không thể chia sẻ.

 

Những ngày dịch, khi mọi sự giao lưu đều hạn chế, tôi dành thời gian để nhìn rõ lòng mình. Có những vướng mắc trong lòng, tôi chọn sẻ chia để tháo gỡ. Và khi biết rằng cuộc sống này đầy bất trắc, chẳng thể thay đổi những điều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh, của những biến động thì tôi chọn cách thả lỏng và đón nhận! Cho nên, cùng với những công việc thường ngày, mỗi đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi đều cầu nguyện cho gia đình nhỏ của tôi, gia đình lớn của tôi và những người xung quanh tôi. Mong rằng, tôi và những người thân, những người quen có thêm sức mạnh, bình an vượt qua đại dịch. Tin rằng khi cơn bĩ cực qua đi, nắng ấm rồi sẽ bừng lên, mọi người lại quay về với sự tất bật đáng quý của những “ngày bình thường”.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek