Hai tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở của nhà văn Hà Ân được tái bản nhân kỷ niệm 1.011 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà văn Hà Ân (16/1/1928-25/1/2011) có tên thật Hoàng Hiển Mô, sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội. Những thăng trầm và những giá trị của mảnh đất Thăng Long khiến nhà văn Hà Ân suy tư và thao thức. Được đào tạo ngành Lịch sử ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhà văn Hà Ân quyết định dùng tiểu thuyết lịch sử để lưu giữ ký ức cho 36 phố phường.
Sau khi nhà văn Hà Ân qua đời 10 năm, những trang tiểu thuyết lịch sử của ông vẫn tiếp tục rung động những người yêu Hà Nội. Nhân kỷ niệm 1.011 năm Thăng Long - Hà Nội, NXB Kim Đồng đã tái bản hai tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hà Ân là Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở.
Nhà văn Hà Ân. Ảnh: T.L |
Tiểu thuyết Người Thăng Long được nhà văn Hà Ân viết năm 1980, là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Người Thăng Long là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, Trần Nhật Duật hiển lộ chân dung một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lực trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
Tiểu thuyết Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân phục dựng không khí náo nức sôi động của buổi hội thề, không khí căng thẳng trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng. Bên cạnh đó, công chúng còn nhận ra ở tiểu thuyết Người Thăng Long những vẻ đẹp văn hóa lạ lẫm của lễ cướp dâu hoặc đêm tiệc Mo nang...
Sau tiểu thuyết Người Thăng Long, nhà văn Hà Ân định viết tập tiếp theo với nhân vật chính là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng trẻ văn võ song toàn. Ông bị mê hoặc bởi con người triết gia, ngạo đời của Trần Quốc Tảng và với những lời ca hào sảng hết mực: “Trời đất xa trông chừ sao ta thấy mênh mông. Ngoài vòng cương tỏa chừ ta chống gậy chơi rong” (Phóng cuồng ca).
Tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở đáng lẽ ra mắt độc giả vào năm 1986. Nhưng rồi xảy ra một sự kiện, đó là tác phẩm Phóng cuồng ca được công bố lại, không phải do Trần Quốc Tảng viết. Nhà văn Hà Ân đã thất vọng và đốt đi hàng trăm trang bản thảo. Tưởng rằng tác phẩm không thể hoàn thành. Nhưng rồi ông “bắt gặp” Đỗ Vĩ, cũng là một người con của đất Thăng Long, một tình báo tài giỏi của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt…
Đỗ Vĩ đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng. Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
Và thế là tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở ra đời, sau 20 năm thai nghén, viết, đốt rồi viết lại. Tác phẩm Khúc khải hoàn dang dở là một bản hùng ca mãi mãi âm vang trang sử hào hùng và ghi dấu bóng hình nhà tình báo chiến lược tài ba Đỗ Vĩ cùng những tướng sĩ kiêu hùng, những người con ưu tú của dân tộc.
Ngoài hai tiểu thuyết Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở, nhà văn Hà Ân còn có những tác phẩm viết về lịch sử, như Tướng quân Nguyễn Chích viết năm 1962, Quận He khởi nghĩa viết năm 1963, Bên bờ Thiên Mạc viết năm 1967, Trên sông truyền hịch viết năm 1980, Ông Trạng thả diều viết năm 1982, Vụ án trầu cánh phượng viết năm 1990, Kho báu gốc Hoàng Đàn viết năm 1993…
TÂM HUYỀN