Thứ Sáu, 04/10/2024 10:17 SA
Thạch đà Hồ Thanh Ngân: Lại nhớ về xứ Nẫu yêu thương
Thứ Ba, 12/10/2021 13:29 CH

Tập trường ca Nhớ Phú Yên và tập thơ Chiều ở phía ngược gió của Thạch Đà Hồ Thanh Ngân. Ảnh: Đ.Đ.T

Trong trường ca Nhớ Phú Yên, nhà thơ Hồ Thanh Ngân da diết: Lại nhớ về xứ Nẫu yêu thương/ Câu hát than thân trách phận/ Sông Ba bốn mùa chắt chiu con nước/ Góp nuôi hạt lúa quê nhà/ Điệu bài chòi giữ hồn xứ sở/ Nhạn Tháp đêm trăng réo rắt gọi thơ về/ Người đi xa nặng lòng cơm áo/ Đá Bia chiều đỉnh nhớ trong mơ.

 

Em đến trường theo lối mùa đông

 

Thạch Ðà - Hồ Thanh Ngân sinh năm 1978 tại Phú Yên. Hiện làm giáo viên tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Hội viên Hội VHNT Phú Yên, Hội VHNT Cà Mau. Đã xuất bản các tập thơ: Sông Ðốc chiều nắng muộn (NXB Thanh niên, 2016), Phương Nam lộng gió (NXB Hội Nhà văn, 2018), Chiều ở phía ngược gió (NXB Hội Nhà văn, 2020); tập trường ca Nhớ Phú Yên (NXB Hội Nhà văn, 2019).

Hồi mình mới đi làm còn ở tập thể, Hồ Thanh Ngân thỉnh thoảng lên chơi, toàn chơi với người nhỉnh tuổi hơn. Đây là giai đoạn Ngân học cấp 2, rồi cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Ngân thường gửi thơ cộng tác chương trình phát thanh thiếu nhi do mình phụ trách, sau nó lây qua chương trình văn học nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Tường Văn. Hỏi “em có chơi với bạn học cùng lứa không?”, Ngân tỉnh tỉnh “tụi nó nói chuyện chán lắm”. Nghe nói ba của Ngân đạp xích lô, có hồi chở miễn phí Xuân Diệu đi vòng vòng ngắm TX Tuy Hòa.

 

Bẵng một dạo, Ngân đi học đại học sư phạm ở Quy Nhơn. Ra trường chạy xin việc mà không được. Có lúc nhóm tụi mình ngồi Cà phê Nhớ, thấy nó phụ quán bưng bê kê rót. Nghiệt ngã. Rồi nghe nó rời Phú Yên vô tít Cà Mau tìm việc làm. Rồi đi dạy. Rồi cưới vợ. Rồi có con. Bữa nó về tạt khu tập thể thăm, mình kéo ra quán chị Bảy đối diện. Làm mấy ly, bất ngờ nó xổ bài coi bói. Thiệt lòng, nó bói tài như thơ.

 

Cứ dần dà, thấy nó làm thơ nhiều hơn. Lúc trước, thơ Ngân không dài, đằm thắm, dạt dào lãng mạn: Em đến trường theo lối mùa đông/ Ngủ quên trên phiến lá/ Sáng nay không còn tia nắng/ Vỡ òa những hạt sương rơi; Học trò trường biển xa xôi/ Cõng nắng mưa ngang cửa lớp/ Nét tất tả trong dáng người/ Bài giảng thầy cô đọng muối.

 

Chợt giật mình, Hồ Thanh Ngân đã ra 3 tập thơ ngồn ngộn, rồi còn quất nguyên tập trường ca Nhớ Phú Yên gồm 13 chương dài 60 trang: Lại nhớ về xứ Nẫu yêu thương/ Câu hát than thân trách phận/ Sông Ba bốn mùa chắt chiu con nước/ Góp nuôi hạt lúa quê nhà/ Điệu bài chòi giữ hồn xứ sở/ Nhạn Tháp đêm trăng réo rắt gọi thơ về/ Người đi xa nặng lòng cơm áo/ Đá Bia chiều đỉnh nhớ trong mơ.

 

Mạch trường ca tuôn trào dữ dội, lý giải về một tình yêu thi ca bất tận: Không ở đâu thơ nhiều như ở đây/ Bạn bè gặp nhau nói một câu lục bát/ Tháp Nhạn nhờ thơ bay lên/ Người nhờ tháp giữ cân bằng mặt đất/ Làm sao tránh khỏi sự véo von này/ Làm sao nhận mặt mình khi thời gian gõ nhịp.

 

Hình như lòng đã bớt cay đắng rồi

 

Nhà thơ Thạch Đà Hồ Thanh Ngân. Ảnh: Đ.Đ.T

Mình đọc trong thơ Ngân, chất thân phận đậm đặc hơn nhiều “tay thơ” cùng lứa: Qua phà Rạch Ráng chiều nay/ Hình như lòng đã bớt cay đắng rồi; Ta đọc sách người xưa nơi thanh vắng/ để thấy người nay sống khó hơn người xưa/ những đám mây muôn đời vẫn thế/ chỉ lòng người là rắc rối hơn; Chén cơm bưng sóng mạn thuyền/ Đời cho vay chút tình riêng xa nhà. Thật may, với quê hương chôn rau cắt rốn, Hồ Thanh Ngân vẫn luôn dành những câu chữ trang trọng nhất: Tôi vẫn giữ Tuy Hòa trong trí nhớ/ Một Tuy Hòa tuổi thơ/ Đồng ruộng phì nhiêu/ Nhà nhỏ phố nhỏ/ Bây giờ phố đã đổi thay/ Tôi mộng du bơi giữa dòng người/ Gốc sung nhỏ bao buồn vui nhân thế/ Ly cà phê thơm khói mộng ban đầu/ Tuy Hòa vẫn còn trong trí nhớ...

 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết: “Hồ Thanh Ngân ôm mộng thi sĩ từ rất sớm. Hồ Thanh Ngân mê thơ đến mức ngày nào cũng chui đầu vào Thư viện tỉnh nghiền ngẫm hết tập thơ này đến tập thơ khác. Những tác phẩm đầu tay của Hồ Thanh Ngân đã chớp lóe thi tài. Thuở học trò, vài bài thơ của Hồ Thanh Ngân đã được bạn bè chuyền tay như những món quà tinh thần. Thế nhưng, cuộc sống riêng vất vả khiến thi ca đối với Hồ Thanh Ngân vừa là duyên vừa là nợ. Thi ca vừa dìu đi mà thi ca vừa quật ngã kẻ đam mê. Tốt nghiệp đại học, Hồ Thanh Ngân rời quê nhà miền Trung vào Cà Mau dạy học, khép lại một vùng ký ức lấm láp để mở ra một miền hy vọng trong trẻo cho một nhà thơ lận đận”.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận xét: “Thơ Ngân thơm mùi hoài niệm rưng rưng. Tôi biết Ngân là người không biết cách gì để kiếm thêm tiền ngoài thu nhập từ lương của một anh giáo vùng sâu. Nếu Ngân chịu lụy, hay khác đi cách sống mà người ta cho là gàn dở của mình có khi mọi chuyện sẽ khác… Tôi có nghe một bạn thơ của Ngân kể rằng, mùa hè năm trước, Ngân tìm thăm bạn, đến bên hiên chưa kịp lau mồ hôi trên trán, Ngân ngồi thụp xuống, bạn mời cách nào cũng không vào nhà. Chừng 5 phút sau, Ngân nhoẻn miệng cười, ngượng ngịu tặng bạn bài thơ mới làm. Người bạn nọ vốn rất đa cảm, không cầm nổi nước mắt xúc động. Mỗi khi nhắc đến Ngân lại đem câu chuyện “chộp nóng” thơ ấy ra kể... Ngân bảo Ngân không bỏ được thơ, không có thơ, Ngân thành vô nghĩa”.

 

Nhà thơ Phan Hoàng nói về trường ca Nhớ Phú Yên của Hồ Thanh Ngân: “Tư duy lịch sử và hình tượng lồng trong xúc cảm cuồn cuộn đã giúp cho cây bút trẻ thể hiện được sự đĩnh đạc, mạch lạc và cuốn hút xuyên suốt trường ca. Nó cũng mở ra hy vọng về một tác giả thơ tài năng đang “ẩn mình” ở cuối trời Tổ quốc”.

 

Hãy đi đến chân trời lạ

 

Mấy năm nay, nghe nó có bệnh. Về Tuy Hòa lần nào nó cũng hú mình bù khú. Bữa rồi gọi điện năm hồi mười hịch nó không bắt máy. Tôi nhắn tin rồi soạn mấy câu hỏi phỏng vấn. Cứ tưởng nó trả lời cũng dài dài đỡ đỡ (như mấy người khác) bớt mắc công mình nặn đầu viết. Ai dè nó gõ mấy dòng cụn lủn, mình cố mông má nhưng sợ mất trung thực:

 

* Chào nhà thơ Thạch Đà Hồ Thanh Ngân, anh rời Phú Yên tới định cư Cà Mau bao lâu rồi? Cuộc sống làm ăn lúc này ra sao?

 

- Tôi sống ở Cà Mau 17 năm, cuộc sống viên chức nhà giáo bình thường.

 

* Có thể “cân đo” tình cảm của anh về hai vùng đất này?

 

- Cà Mau là nơi để sống. Phú Yên là nơi để nhớ về kỷ niệm. Tôi sống ở Sông Đốc, nói như nhà thơ Trần Hoàng Nhân, quê hương nào có đâu xa/ nơi nào sống được đấy là quê hương.

 

* Từ khi về Cà Mau lập nghiệp, anh đã cho ra mắt 3 tập thơ (Sông Đốc ngày nắng muộn, Phương Nam lộng gió, Chiều ở phía ngược gió) và một tập trường ca (Nhớ Phú Yên). Hình như xa quê nhà đã chất chứa thi ca cho anh nhiều hơn?

 

- Quê hương là nơi có cha mẹ, người thân, dòng họ. Xa quê thì kỷ niệm về quê hương lung linh hơn. Cảm xúc thi ca là sản phẩm ký ức, đi xa để nhìn gần lại quê hương .

 

* Anh viết “Khi tôi không xin được việc làm/ Cha tôi bảo: hãy đi đến chân trời lạ/ Cây chỉ trở thành cổ thụ/ Khi rời khỏi quê hương”. Tôi muốn anh kể về sự thôi thúc hình thành trường ca Nhớ Phú Yên?

 

- Tôi khởi sự viết trường ca Nhớ Phú Yên năm 2012. Lúc đầu 7 chương, sau đó tháo tung ra viết lại, vì nó kể lể nhiều quá. Có nhiều người viết về Phú Yên như trường ca Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai, Nhớ máu của Trần Mai Ninh... nhưng chỉ nói một phần, một góc độ về Phú Yên. Tôi là con dân Phú Yên, tôi muốn nhìn tổng quát về Phú Yên hơn bằng một chút tình đối với quê hương.

 

* Nếu được chọn lại, anh có làm thi sĩ?

 

- Tôi từ nhỏ có ước mơ làm nhà thơ. Lớp 10, học văn cô Nguyễn Thị Ngân làm cho tôi yêu thích văn học. Dù tôi biết thơ tôi không hay như bè bạn nhưng tôi vẫn viết để dàn trải lòng mình. Nếu có kiếp sau hoặc lựa chọn lại, tôi vẫn có mong ước làm thi sĩ. Vì làm thơ giúp tôi sống lương thiện yêu đời yêu người. 

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhận tác phẩm đến ngày 15/10
Thứ Ba, 12/10/2021 06:00 SA
Hoài niệm - thơ ĐINH HỮU HÙNG
Chủ Nhật, 10/10/2021 11:54 SA
Liên hoan kịch nói giữa mùa dịch có gì?
Chủ Nhật, 10/10/2021 11:26 SA
Tác giả Hải Sơn có tập thơ Em còn yêu mãi
Chủ Nhật, 10/10/2021 11:24 SA
Lễ trao giải được tổ chức trực tuyến
Chủ Nhật, 10/10/2021 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek