Thứ Bảy, 05/10/2024 02:20 SA
Văn chương không chỉ là chuyện cơm áo...
Thứ Ba, 09/03/2021 16:00 CH

Nhà thơ Trúc Linh Lan và tác giả. Ảnh: CTV

Các nhà văn nữ nghĩ gì về nghề nghiệp? Và văn chương thật sự mang lại điều gì cho cuộc sống của người sáng tác? Các nhà văn Lê Phương Liên, Trúc Linh Lan, Vũ Thảo Ngọc sẽ phần nào trả lời những câu hỏi này…

 

Tôi nghe nói tới nhà văn Vũ Thảo Ngọc qua nhà thơ đồng hương Mai Phương. Vốn là người Phú Yên nhưng hầu hết cuộc đời bậc lão thành Mai Phương gắn bó sống và viết ở vùng than Quảng Ninh cho tới hơi thở cuối cùng. Còn Vũ Thảo Ngọc sinh trưởng ở Hải Dương, tỉnh kết nghĩa Phú Yên, lên Quảng Ninh làm công nhân mỏ rồi cầm bút và cũng gắn bó đất này. Khi nhà thơ Mai Phương qua đời năm ngoái (2020), nhà văn Vũ Thảo Ngọc đã có bài viết xúc động về bậc đàn anh đi trước, với những tình cảm chân thành về nhà thơ quê Phú Yên.

 

Là thước đo cuộc sống

 

Vũ Thảo Ngọc khởi đầu sự nghiệp văn chương bằng tập truyện ngắn Đêm chuyển mùa (1997) như tấm thông hành để chị vào học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1999-2003) ở Hà Nội. Từ đó, mấy mươi cuốn sách được xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký, khảo cứu như: Được làm đàn bà, Ba người đàn ông, Bói mưa, Búp bê gỗ, Khúc hát người thợ mỏ, Ánh đèn lò...

 

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc tâm sự rằng: “Với tôi văn chương như một sự giải phóng những năng lượng của mình, mang lại cho tôi nhiều nhất là tình bạn và một vị thế xã hội rất được coi trọng. Văn chương như là một cây thước để đo khi tôi mạnh mẽ hay yếu lòng. Không chỉ là niềm yêu thích thuần túy, mà văn chương còn là trách nhiệm của mình với trang viết, với độc giả”.

 

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc. Ảnh: NVCC

 

Theo nhà văn Vũ Thảo Ngọc, không chỉ cơm áo mà đối với mỗi người viết còn khó khăn về lao động chữ nghĩa, tìm tòi và phát hiện những mảng màu muôn hình muôn vẻ của cuộc sống. “Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của tôi khi khởi viết là nhân vật “hay”, đến lúc tôi chuẩn bị đóng máy kết thúc thì anh ta đang chuẩn bị đứng trước vành móng ngựa vì những đại án kinh tế với rất nhiều lý do. Vì thế, vượt qua khó khăn để viết được cuốn sách hay, có nhân vật văn học được “gọi tên” là một thách thức vô cùng lớn đối với người viết nói chung, không riêng nhà văn nữ”.

 

Chị còn quan niệm: “Nếu ở trạng thái bị thách thức vì miếng cơm, manh áo hàng ngày thì cố gắng là vượt qua được, còn thách thức vượt qua khó khăn của việc tiếp cận cuộc sống, tiếp cận chất liệu cần thiết cho việc sáng tạo của mình luôn đòi hỏi nhà văn nữ có những cách nào đó, phương pháp tối ưu nào đó để có thể “chạm” đến những nguồn tư liệu giá trị đồ sộ để làm vốn liếng cho mình khi viết, nhất là viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ thách thức cho nhà văn nữ chính là thách thức về những khó khăn đó, nhất là khi nhà văn nữ viết văn xuôi, chú tâm vào thể tài tiểu thuyết, vì tiểu thuyết luôn là chủ đạo của văn học, nên để gây “sự ngạc nhiên” cho độc giả của mỗi nhà văn nói chung, không riêng nhà văn nữ vẫn là những thách thức lớn”.

 

Với tôi văn chương như một sự giải phóng những năng lượng của mình, mang lại cho tôi nhiều nhất là tình bạn và một vị thế xã hội rất được coi trọng. Văn chương như là một cây thước để đo khi tôi mạnh mẽ hay yếu lòng. Không chỉ là niềm yêu thích thuần túy, mà văn chương còn là trách nhiệm của mình với trang viết, với độc giả.

 

Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

 

Là lẽ sống của cuộc đời

 

Nếu như thi thoảng nhà văn Vũ Thảo Ngọc mới viết cho thiếu nhi thì bậc đàn chị ở Hà Nội là nhà văn Lê Phương Liên cả đời chuyên sáng tác cho trẻ em. Hầu như tất cả các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến văn học thiếu nhi, dù xa xôi mấy chị đều có mặt. Tôi nhớ một cuộc hội thảo như vậy diễn ra ở Trường đại học Đồng Tháp 10 năm về trước, chị vẫn nhiệt tình bay vào TP Hồ Chí Minh cho kịp lên xe cùng đoàn đi miền Tây. Bài phát biểu của chị khá ấn tượng, mở ra những điểm mới tại hội thảo.

 

Nhà văn Lê Phương Liên. Ảnh: NVCC

 

Nhà văn sinh trưởng ở phố cổ năm nay tuổi tròn thất tuần, đã xuất bản mấy mươi đầu sách. Rất nhiều tập truyện của Lê Phương Liên đã trở thành món ăn tinh thần cho tuổi thơ các thế hệ: Những tia nắng đầu tiên, Khi mùa xuân đến, Hoa dại, Én nhỏ, Ngày em tới trường, Cuộc phiêu lưu của chú Rối Tễu… và gần đây là tuyển tập truyện ngắn và tản văn Câu hỏi trẻ thơ được các bạn nhỏ nồng nhiệt đón đọc. Đó là chưa kể chị còn là tác giả nhiều truyện tranh lịch sử, tất nhiên là không thiếu các tiểu thuyết, tập truyện viết cho người lớn.

 

Nhà văn Lê Phương Liên là một người hiền lành, đằm thắm, kỹ tính. Bà cho biết bà đến với văn chương từ lúc 19, 20 tuổi - lúc đang học tu nghiệp để trở thành giáo viên. Thế nhưng, bà không bằng lòng với một cuộc sống không sáng tạo mà chỉ rập khuôn theo sách giáo khoa. Đó cũng là lúc tình yêu văn chương nảy nở, như ánh mặt trời đánh thức tâm hồn bà, khơi dậy khao khát tìm đến tinh hoa đời sống. Và từ một giáo viên, bà đã trở thành cán bộ biên tập NXB Kim Đồng, chính là để tìm đến một cõi tinh hoa.

 

“Khi bắt đầu thời kỳ đổi mới, việc làm sách theo cơ chế thị trường đã khiến tôi đối diện với thử thách về nhu cầu mưu sinh lợi nhuận và lẽ sống văn chương là tinh hoa. Để rồi trong thực tế chính tư tưởng: Văn chương là tinh hoa của tuổi thơ đã đưa NXB Kim Đồng, trong đó có tôi, tồn tại vững vàng trên thị trường”.

 

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ với chúng tôi và cho biết thêm: “Là một phụ nữ, tôi đã trải qua đau khổ và gian nan trong việc sinh ra ba con, nuôi dạy các con trở thành những người lương thiện, sống hạnh phúc. Đối với tôi việc bền bỉ với tình yêu sáng tạo chính là để vượt qua khó khăn của đời sống trong đó có việc lo toan cơm áo cho gia đình. Trong đời mình, việc lựa chọn văn chương lên trên hết đã khiến tôi tìm ra con đường sáng sủa nhất, thành công nhất. Văn chương thực sự là lẽ sống của đời tôi”.

 

Và đồng hành cùng con người

 

Cái lẽ sống mà nhà văn Lê Phương Liên nói tới cũng là quan niệm của nhà thơ Trúc Linh Lan hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Cùng với các nữ sĩ Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Lập Em..., Trúc Linh Lan là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long từ khi đất nước đổi mới, góp phần tạo nên diện mạo riêng cho thơ miền sông nước xa xôi.

 

Vừa làm thơ, viết phê bình, khảo cứu và đảm nhận nhiệm vụ quản lý, nhiều năm nhà thơ Trúc Linh Lan phải hàng ngày đi xe gắn máy từ nhà ở Hậu Giang đến cơ quan gần 30km để làm việc ở Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Chị cũng là người thích xê dịch và có nhiều tình cảm với đất lẫn người Phú Yên. Đến nay, Trúc Linh Lan đã xuất bản hơn 10 đầu sách, trong đó có các tập thơ Khoảnh khắc chiêm bao, Đêm trầm tích, Người đàn bà ngồi nhặt ký ức...

 

Trò chuyện về nghề nghiệp, nhà thơ Trúc Linh Lan nói rằng văn chương luôn đồng hành với cuộc sống con người mọi lúc mọi nơi, lúc khó khăn, khi hạnh phúc, làm điểm tựa lúc bi quan chán nản. Chính vì thế, con người chưa bao giờ ruồng bỏ văn chương, trong đó có thơ, hướng con người tới cái đẹp, tránh xa cái ác, thắp lên ngọn lửa niềm tin yêu cuộc sống.

 

Nói về Ngày Thơ Việt Nam vừa qua mà hai năm liền không thể tổ chức, nhà thơ Trúc Linh Lan trăn trở: “Tôi nghĩ những người làm thơ khao khát có một không gian thật sự thơ với những bài thơ mang hơi thở cuộc sống được chia sẻ đến công chúng thưởng thức. Hai năm không tổ chức được Ngày Thơ đã gợi lên nỗi nhớ và các cuộc thơ được một số nơi tổ chức với dạng online cũng mong thỏa lòng yêu thơ. Hy vọng năm sau dịch COVID-19 không còn để có một Ngày Thơ Việt Nam thật hay, mới mẻ, phong phú sắc màu vùng miền cả nước. Dù cuộc sống không ngừng vận động, có những cái mới xuất hiện, nhiều giá trị cũ mất đi thì văn chương và thi ca vẫn mãi mãi gắn liền với tâm hồn con người”.

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng ba ngày tám... - thơ TRẦN THỊ MINH CHÁNH
Chủ Nhật, 07/03/2021 13:07 CH
8 tháng 3 - thơ NGUYỄN VĂN LONG CHÂU
Chủ Nhật, 07/03/2021 13:05 CH
Tám tháng ba và thơ tặng vợ…
Chủ Nhật, 07/03/2021 12:24 CH
Tháng Giêng xanh
Chủ Nhật, 07/03/2021 11:12 SA
Gọi về nắng ấm tháng ba
Chủ Nhật, 07/03/2021 11:09 SA
Thiều Thu Sa - nghệ sĩ đa năng
Chủ Nhật, 07/03/2021 10:49 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek