Thứ Bảy, 05/10/2024 06:25 SA
Tết miền Tây Bắc trên đất Sông Hinh
Thứ Ba, 09/02/2021 09:00 SA

Trong những mùa xuân khi chưa có dịch bệnh, phụ nữ người Tày, Nùng, Kinh hòa chung điệu đàn tính, tiếng hát then trên đất Phú Yên (ảnh minh họa) . Ảnh: NGỌC DUNG

Không có hoa mận, hoa đào, hoa mơ rực hồng, trắng muốt trên những triền đồi như miền Tây Bắc, nhưng tết của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) thường có điệu sli, tiếng đàn tính, hát then ngọt ngào. Phong tục ngày tết vô cùng đặc sắc của đồng bào các dân tộc đã góp phần tạo nên bức tranh xuân đa sắc màu ở miền Tây Phú Yên.

 

Khi những cơn gió buốt lạnh dần đi qua, những tia nắng vàng dịu nhẹ thắp lên khắp các triền đồi, nương rẫy cũng là lúc người Tày, Nùng, Dao ở xã Ea Ly chuẩn bị đón tết. Thấp thoáng dưới các nếp nhà, bà con tất bật hái lá dong để gói bánh, dọn dẹp trang trí nhà cửa... Trong gian bếp của gia đình, phụ nữ người Tày lấy trên gác bếp những bó lúa nếp chắc mẩy, căng tròn từ mùa gặt hồi tháng mười Âm lịch xuống, đem đi xay để về làm bánh, đồ xôi.

 

Phong vị độc đáo

 

Ea Ly là vùng đất nằm ở phía Tây của huyện miền núi Sông Hinh với 14 tộc người cộng cư: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Ba Na, Mường, Sán Dìu, Thái, Chăm, Gia Rai, Sán Chỉ, Xơ Đăng, Khmer. Trong đó chiếm đa số là tộc người Tày, Nùng, Dao. Cũng như đồng bào Kinh, với người Tày, Nùng, Dao, Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất trong một năm, là dịp để bà con nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả.

 

Đây cũng là dịp để họ trình với ông bà, tổ tiên về những thành quả lao động của gia đình trong một năm qua, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Với lòng thành hướng về cội nguồn, dù bao năm rời xa quê hương lập nghiệp trên đất Sông Hinh, bà con vẫn giữ những phong tục ngày tết rất đặc trưng nơi vùng Tây Bắc.

 

Nói về nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Tày vào dịp tết đến xuân về, bà Lương Thị Thân ở thôn Tân Lập tươi cười: “Với người Tày chúng tôi, trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngày tết không thể thiếu con gà trống cùng với bánh khẩu sli, bánh chưng, xôi ngũ sắc”.

 

Từ những hạt nếp dẻo thơm, đôi tay khéo léo của phụ nữ người Tày không chỉ làm nên những chiếc bánh chưng dài được gói trong lá dong xanh mướt, mà còn làm bánh khẩu sli, xôi ngũ sắc. Bánh khẩu sli có mùi thơm của nếp rang hòa quyện với mùi thơm của gừng lẫn với vị ngọt thanh của mật mía. Xôi ngũ sắc có năm màu trắng, vàng, xanh, đỏ, tím được tạo từ các nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong vườn nhà. Màu tím từ lá cẩm, màu đỏ của quả gấc, màu vàng của củ nghệ, màu vàng chanh nhuộm bằng cây hoa “bjoóc phón” - loại cây mọc tự nhiên trong rừng, hoa nở vào mùa xuân có hương thơm rất đặc trưng làm cho xôi ngũ sắc có mùi thơm của ngào ngạt của cây cỏ, núi rừng. Xôi ngũ sắc còn mang ý nghĩa độc đáo tượng trưng cho ngũ hành, cho đất trời, núi rừng, cho ước mơ, khát vọng sống sung túc đủ đầy của bà con nơi đây. Theo quan niệm của người Tày, Nùng, Dao, ăn xôi ngũ sắc vào các ngày lễ tết sẽ đem lại sự may mắn, tốt lành cho cả năm.

 

Trong ngày tết, ngoài xôi ngũ sắc, bánh chưng gù, bánh khẩu sil đặc trưng, đồng bào nơi đây còn dâng lên bàn thờ tổ tiên thịt heo, thịt gà, rượu… Họ mong ước một năm yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; người già, con trẻ đều mạnh tay, khỏe chân. Vì bà con Tày, Nùng, Dao cộng cư trên một dải biên cương phía Bắc xa xôi nên phong tục ngày tết của họ có nhiều điểm tương đồng. Nét đẹp văn hóa này hòa quyện trong tình đoàn kết, sẻ chia để cùng bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất mới ở Ea Ly.

 

Qua hát sli, hát lượn, thanh niên làm quen, ướm thử lòng, thẩm định khả năng biến báo, trí thông minh, tài ứng đối của người bạn khác giới. Nguồn: BÁO CAO BẰNG

 

Văn hóa đa sắc màu

 

Toàn xã Ea Ly có 2.031 hộ dân, đa số là bà con người Tày, Nùng, Dao từ các tỉnh phía Tây Bắc vào lập nghiệp. Ông Nguyễn Đình Sao, một trong những người lớn tuổi di cư từ Lạng Sơn vào Ea Ly, mỉm cười phấn chấn khi chứng kiến cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc trên vùng đất lành. Ông Sao càng vui hơn khi những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán được bà con nơi đây giữ gìn. Ông nói: “Gìn giữ được văn hóa thì dù có đi đâu cũng không lo lớp trẻ sau này bị mất gốc, mất nguồn”. Chị Đàm Thị Nam, một phụ nữ trẻ người Nùng, thổ lộ: “Nhờ cha ông và các bác, các cô chú mà em biết được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng như biết thêm nhiều phong tục của bà con các dân tộc khác nơi đây”.

 

Nhắc đến phong tục ngày tết của người Tày phải kể đến lễ lồng tồng (hay còn gọi là lễ xuống đồng) diễn ra vào mùng 4, mùng 5 Âm lịch nhằm cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

 

Những năm trước đây, người Tày ở Ea Ly còn khôi phục hội tung còn vào ngày tết - một trò chơi tìm bạn, tìm duyên rất thú vị của nam nữ thanh niên. Trong khi đó, bà con người Dao thì có lễ cấp sắc rất đặc trưng, được xem là lễ trưởng thành của các chàng trai người Dao. Trong những ngày tết hay dịp lễ hội, đám cưới, bà con người Tày, Nùng, Dao sẽ mặc chiếc áo chàm đặc trưng của dân tộc mình. Và dịp đặc biệt này không thể thiếu những điệu hát sli, hát lượn, hát then, tiếng đàn tính đặc sắc. Những tiếng đàn, câu hát của quê hương không chỉ chuyên chở niềm thương nỗi nhớ của họ về những bản làng Tây Bắc xa xôi mà còn mang nặng tình đất, tình người nơi vùng đất Phú Yên cưu mang họ sau những tháng năm gian khó. Họ hát về mùa xuân, về cuộc sống mới tươi đẹp, về đất mẹ thương yêu như lời nhắn nhủ các thế hệ con cháu dù đi đâu về đâu hãy luôn nhớ đến nơi cưu mang, nuôi dưỡng mình.

 

Tết năm nay, bà con tạm gác những hội hè tụ họp, cùng nhau phòng chống dịch bệnh. Dư âm tiếng đàn, câu hát xuân trước như vẫn còn đâu đây...

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lối ngõ vàng hoa
Thứ Năm, 11/02/2021 07:00 SA
Những cái tết có hoa vạn thọ
Thứ Tư, 10/02/2021 08:00 SA
Lễ cúng lúa mới nơi vùng cao Phú Mỡ
Thứ Hai, 08/02/2021 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek