Những năm qua, với đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, huyện Sông Hinh đã xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa - văn nghệ và sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về nguồn cội và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Sông Hinh có 20 dân tộc sinh sống, với khoảng 52.000 người, như: Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Thái, Mường, Gia Rai, Mông, Kinh… Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, góp phần tạo nên đời sống văn hóa hết sức phong phú, độc đáo.
Nguy cơ mai một
GS Phan Đăng Nhật, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã từng đánh giá: Vùng đất Sông Hinh là quê hương của trường ca, các bộ sử thi đồ sộ, có giá trị văn hóa cao. Đặc biệt Sông Hinh là nơi khởi nguồn của trường ca Đam San - Xinh Nhã (bộ sử thi đồ sộ, quý hiếm của các DTTS Tây Nguyên). Còn lại, một số DTTS khác đều có những giá trị văn hóa truyền thống hết sức độc đáo. Đây là tiềm năng, vốn quý, thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, so với sự phát triển chung thì mức hưởng thụ về đời sống văn hóa và tinh thần của người dân ở huyện Sông Hinh còn thấp so với vùng đồng bằng, đặc biệt là văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc bản địa đang có nguy cơ mai một.
Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình giao lưu văn hóa đã kéo theo sự phá vỡ tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo nên văn hóa mới pha trộn, gồm văn hóa truyền thống bản địa của đồng bào các DTTS kết hợp với lối sống mới từ người dân các địa phương trong cả nước về sinh sống trên địa bàn huyện.
Ông Y Típ gần 80 tuổi ở xã Ea Trol, lo lắng: “Hiện nay, một số lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được bà con quan tâm, trong đó có các lễ hội, lễ nghi liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc. Việc tôn thờ thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối không còn như trước. Tôi rồi cũng phải về với tổ tiên mà chưa truyền lại hết cho nhiều người, nhất là những nghi thức cúng thần linh độc đáo của dân tộc mình”.
Ngoài ra, biểu diễn cồng chiêng, nhảy arap, hát khan... trong các lễ hội, ngày vui, ngày quan trọng của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ba Na ngày càng ít dần. Các loại nhạc cụ truyền thống chỉ có số ít các nghệ nhân đã lớn tuổi biết sử dụng. Một số hộ gia đình đồng bào dân tộc Ê Đê ở các thôn, buôn không còn ở nhà sàn (nhà dài truyền thống) mà xây dựng nhà ở theo kiến trúc đồng bằng, thành phố, đã phá vỡ không gian văn hóa truyền thống của buôn làng.
Theo nghệ nhân Ma Vân, điều đáng lo ngại nhất, đó là trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS. Trước kia, trong các dịp lễ Tết, các chàng trai cô gái sẽ mặc trang phục truyền thống, đánh lên những bản cồng chiêng đầy ý nghĩa. Tiếng cồng chiêng vang khắp buôn làng như lời chúc phúc, cầu cho gia chủ một năm mùa màng bội thu và nhiều may mắn.
“Nhưng ngày nay những bộ trang phục truyền thống đã không còn phổ dụng, tiếng cồng chiêng cũng không còn vang lên thường xuyên nữa. Chúng chỉ được thấy trong tủ trưng bày, hoặc là trên sân khấu biểu diễn”, nghệ nhân Ma Vân tiếc nuối.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Trước nguy cơ mai một thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong tiến trình phát triển là cấp thiết. Vì vậy, đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh được triển khai giai đoạn 2007-2020 đã đề cập rất rõ về công tác giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đây là đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Nguyễn Như Đông, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh đã đạt được những kết quả nhất định. Hàng năm và theo định kỳ, UBND huyện đã tổ chức: Hội thi Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số; Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca và nhạc cụ dân tộc; Liên hoan VH-TT-DL huyện Sông Hinh; Tuần Văn hóa - Du lịch Sông Hinh...
“Các hoạt động này nhằm giúp cho đồng bào các DTTS có cơ hội giao lưu, đoàn kết, hiểu biết, gần gũi nhau hơn, các nghệ nhân có điều kiện giới thiệu về trang phục truyền thống, được biểu diễn, giới thiệu các loại nhạc cụ, các loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình”, ông Đông nói.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng tích cực vận động đồng bào ở các thôn, buôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, các địa phương đã trang bị được 12 bộ cồng chiêng cho các đội cồng chiêng ở các thôn, buôn. Ngoài ra, Hội Văn học - Nghệ thuật huyện đã thành lập được 12 câu lạc bộ âm nhạc truyền thống dân tộc.
Đồng thời tổ chức tập luyện, truyền dạy đánh cồng chiêng, nhảy arap cho các đội cồng chiêng, phục dựng các lễ hội truyền thống, sưu tầm và lưu giữ các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, các loại trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ba Na và một số dân tộc khác.
Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, quan trọng nhất vẫn là ý thức giữ gìn của chính đồng bào, thúc đẩy vai trò của cộng đồng các dân tộc. Bởi họ chính là chủ thể xây dựng, sáng tạo, nắm giữ các hệ giá trị hình thành nên bản sắc văn hóa. Chỉ khi bản thân đồng bào thấy tự thân cần phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thì mới thực sự đem lại hiệu quả. Thời gian tới, Sở VH-TT-DL sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kiểm kê, quy hoạch, định hướng bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh.
Phó Giám đốc điều hành Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái |
THIÊN LÝ