Thứ Bảy, 05/10/2024 04:11 SA
“Em ơi mùa xuân đến rồi đó”
Thứ Tư, 10/02/2021 09:00 SA

Tôi có ba năm cùng bạn bè tha phương đón tết ở Sài Gòn. Thương lắm tâm tư người xa xứ. Phố đó, pháo hoa đó, rộn ràng sắc xuân đó… nhưng hồn tha hương phiêu lãng về quê. Có cả nước mắt chạy dài trên những gương mặt khắc khổ vì mưu sinh. Chắt bóp đến đồng bạc cuối cùng... Kẻ lo cho những đứa con đang còn đi học, người lo thửa ruộng đang chờ phân bón. Người khác lo có ông cha bà má đang bệnh tật. Ai cũng nói về quê hương mình với rất nhiều trìu mến và trân trọng. Nếu yên lặng lắng nghe, ta như thấy miền quê êm đềm của từng người hiện ra qua lời tình tự. Họ như đang trên đường làng với lũy tre xanh, dưới hàng cau đang ẩn mình trong nắng sớm. Và tâm tính những người thân hiện ra rõ hình rõ nét. Ai cũng dịu dàng đầy yêu thương và rộng lượng… Mười một giờ đêm, tôi đạp chiếc ba bánh của mình chạy dọc theo đường Điện Biên Phủ. Gần đến giao thừa, những tụ điểm bán hoa xuân sẽ cho không kẻ xa xứ. Rồi cũng thịt mỡ, dưa hành bánh chưng xanh, bên chai rượu tha hương, chúng tôi cùng tạc thù kể chuyện ngày xưa và hát “em ơi mùa xuân đến rồi đó...”.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

Tôi từng đón giao thừa trên rừng cao một mình. Lúc cô độc mới ngộ hết sự thiêng liêng của quê cha đất tổ. Vẳng bên tai là tiếng cười giọng hát của em thơ bên nồi bánh chưng chờ giao thừa đến. Lòng chùng chực khóc với nghìn nỗi thiết tha. Ước sao có cặp cánh để tung một soãi về với người thân. Tết chứa trong lòng người tha hương rất nhiều hoài niệm. Những gương mặt bạn bè tạc thù bên chén rượu chờ giao thừa để cúng đầu năm. Những đôi mắt tươi vui của bé con xúng xính trong quần áo mới, khoanh tay chúc tết ông bà để nhận lì xì… Những điều ấy cứ quẩn quanh trong đầu những người xa xứ.

 

Mùa xuân đến. Vâng. Có thể do thời tiết, có thể do cành non lộc nõn của cây lá, có thể do một rộn ràng từ rất sâu trong mênh mông trời đất. Rất nhiều những “có thể” khác đồng loạt đến với tâm tư của tất cả, từ thợ thuyền đến danh gia. Chừng như ai ai cũng mở rộng lòng mình. Bao dung, rộng lượng, phóng khoáng và chừng như ai cũng thấy đời đẹp hơn khi “em ơi mùa xuân đến rồi đó”.

 

Những người vì mưu sinh hay một lý do nào đó phải xa xứ, họ trông mong xiết bao một cơ hội để có thể hành hương về với ông bà cha mẹ vào dịp xuân về tết đến. Nhưng không được theo ý nguyện thì buồn lắm. Buồn đến nát ruột nát gan. Nói ra có người cho là cường điệu, nhưng thật là vậy. Bởi, trong hàng nghìn kẻ xa xứ kia không phải ai cũng đang trên phố thị. Có người đón giao thừa trên rừng cao, kẻ đang ngoài biển khơi xa thẳm. Buồn. Nhưng buồn trên phố thị không thể so sánh được với buồn ở rừng cao hay biển xanh. Chắc chắn là niềm nhớ, nỗi ngậm ngùi của kẻ ở rừng ở biển bén và nhọn hơn ở phố gấp nhiều lần.

 

Xuân về tết đến ở phố thị ngày nay rất nhiều điều kỳ diệu được tạo ra bởi bàn tay con người. Những tòa nhà cao vợi, những siêu thị, những khu vui chơi giải trí… luôn tạo bất ngờ cho tất cả… Ngày nay đô thị hóa nông thôn đã chạy với tốc độ của tên lửa hành trình xuyên lục địa. Dân xứ ruộng vừa xây được căn nhà cũng tậu loa di động và tha hồ hát karaoke “dã chiến”. Phong trào anh hát, tôi hát, chúng ta cùng là hát sĩ đã khiến đâu đâu cũng nhức tai. Tiếng ồn đã làm méo mó tất cả. Người ta phải hét lên để nói chuyện với nhau. Ôi chao là mệt mỏi. Và câu hát “em ơi mùa xuân đến rồi đó” cũng lạc vào hỗn loạn của âm thanh.

 

Bất giác tôi nhớ đến mẹ và những ngày xuân thời lửa loạn. Trước tết nửa tháng, mẹ dẫn bầy con của bà, đứa lớn đến tiệm may, nhỏ thì ra chợ tậu cho mỗi đứa hai bộ quần áo mới. Chúng tôi chỉ được mặc chúng vào sáng mồng một tết. Ba giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, mẹ gút nếp và đậu xanh, chuẩn bị thịt mỡ rồi gói bánh. Rạng sáng, trong khi cha kê bếp thì bà lôi mấy thằng con trai ra tiệm hớt tóc. Sau đó những cái đầu ca-rê ba phân theo bà ra suối - nếu ở cao nguyên, ra giếng khi ở duyên hải, bà tắm rửa kỳ cọ cho cái đen đủi xấu xí của năm cũ trôi đi. Nửa đêm mẹ gọi anh em dậy đón giao thừa.

 

Ngày nay tôi đang sống ở vùng đất của Phật. Trên lộ lớn không quá hai cây số có những hai ngôi chùa. Bên trái một bên phải một kéo dài cả vài mươi cây số. Giao thừa xong thiện nam tín nữ cùng nhau, kẻ trên xe, người đi bộ đến chùa để hái lộc đầu năm. Lộc là những phong bì đựng lá xăm được nhà chùa treo trên những cây mai đặt ngoài chánh điện. Lễ xong ta ghé cây lộc xin một lá. Xăm sẽ được một sư ông hay sư bà giải để người xin thấu hiểu lẽ nhiệm màu cũng như hậu vận trong năm mới. Đưa một nửa của mình đến chùa nhưng tôi không bao giờ xin lộc. Lý do? Nhìn những tờ giấy bạc của người xin nhét vào tay những vị giải xăm và bàn tay nắm chặt giấy bạc lòng tôi buồn vô hạn. Buồn nhất là khi bàn tay không thể nắm được, người giải xăm phải dừng lại xếp cho bằng giấy bạc rồi cột lại bằng dây chun, sau đó nhét vào bên trong áo cà sa. Tết đến lưu dân còn hào phóng nói chi người bản xứ.

 

Xuân về, tết đến người xa xứ nhớ lắm quê mình. Lại hẹn hò thôi thì năm sau sẽ cố để về ăn cái tết gia đình cho ấm.

 

NGUYỄN TRÍ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek