Thứ Sáu, 10/01/2025 06:46 SA
Hơn 30 năm mang lời ca tiếng hát đến đồng bào vùng sâu, vùng xa
Thứ Ba, 02/02/2021 15:00 CH

Anh Vũ Phi Cảng (trái) trong nhóm nhạc gia đình. Ảnh: LÊ TRUNG HIỀN

Đó là anh Vũ Phi Cảng, sinh năm 1965, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) Trung tâm Văn hóa và điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh. Tham gia Đội TTLĐ của tỉnh ngay từ những ngày đầu mới thành lập, khi còn là một chàng trai trẻ, sau nhiều thay đổi, thăng trầm, đồng nghiệp có người đến rồi lại đi nhưng anh vẫn gắn bó với chiếc máy nổ, sân khấu... và coi đó như cái nghiệp, như duyên nợ đời mình.

 

Nhìn dáng ngồi trầm ngâm với ánh mắt mơ màng hướng về nơi núi rừng xanh thẳm, tôi hiểu được phần nào tâm tư, tình cảm của anh trong đêm diễn cuối đợt và cũng là kết thúc quá trình công việc đã theo anh từ lúc vào nghề cho đến khi chuẩn bị nghỉ hưu. Tôi bắt đầu gợi chuyện để anh giãi bày tâm sự.!

 

Buổi diễn cuối cùng

 

Khi mặt trời còn nằm trên lưng núi phía xa xa, cũng là lúc công việc của Đội TTLĐ bắt đầu. Làm nhiều nên quen, từ phụ trách đội đến diễn viên, nhạc công, cộng tác viên, không ai bảo ai, cứ người nào việc nấy, phối hợp với nhau rất nhịp nhàng trong việc lắp đặt sân khấu, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, phông màn và vệ sinh sân bãi...

 

Chưa đầy 30 phút, công tác hậu đài đã xong. Những giai điệu hào hùng của những ca khúc cách mạng hay âm thanh du dương của tiếng gió, tiếng sóng biển từ những bài ca về biển đảo bắt đầu vang lên giữa núi rừng.

 

Thoắt cái nhìn lại, mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo nhưng mọi người chưa kịp thay vội, chỉ rửa tay, rửa mặt rồi còn phải lo cơm chiều. Người thì có cơm dỡ, hay nắm xôi, người kia thì ổ bánh mì hay tô mì tôm húp vội. Mọi việc phải thật nhanh để còn trang điểm, thay trang phục biểu diễn.

 

Ở phía xa xa, người đội trưởng vừa bước sang tuổi 56, tóc đã hoa râm, tay chân cũng không còn dẻo dai, nhanh nhẹn như thời còn trẻ, nhưng trong ánh mắt vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với nghề. Anh bảo, nghề này vất vả lắm! Ngày trước khi chưa có ô tô, phải đi dài ngày, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với người dân. Do vậy, nếu không thực sự đam mê thì không thể nào theo đuổi, gắn bó lâu dài được.

 

“Với người dân vùng sâu, chương trình TTLĐ là món ăn tinh thần ít khi được thưởng thức nên họ quý lắm. Chỉ cần người nọ truyền tai người kia, nghe tin có Đội TTLĐ đến là họ đã ngóng ra đường đón mình rồi, vui lắm! Nhiều khi đội vác loa đi rao mới hay bà con đã biết hết cả”, anh Cảng trải lòng.

 

Anh Vũ Phi Cảng (trái) cùng Giám đốc Trung tâm VH-ĐA Lê Trung Hiền trong buổi chia tay. Ảnh: CTV

 

Tình yêu với nghề

 

Anh Vũ Phi Cảng xuất thân trong gia đình không có truyền thống âm nhạc. Nhưng các anh chị em trong nhà đều có thiên phú về ca hát và chơi nhạc cụ như: guitar, organ... Có người hiện nay đã thành công và khẳng định tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam với nhiều sáng tác hay, được công chúng đón nhận, đó là nhạc sĩ Vũ Quốc Việt (em ruột của anh Cảng, từng là cộng tác viên của Đội TTLĐ).

 

Cũng giống như các anh em trong gia đình, Vũ Phi Cảng trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng. Với năng khiếu sẵn có cùng niềm đam mê cháy bỏng và được các lớp đàn anh đi trước hướng dẫn, chỉ bảo, anh chăm chỉ học hỏi, khổ luyện trong nhiều năm. Những năm 1990, anh là “chân” gạo cội của một nhóm nhạc.

 

Cũng thời gian đó, anh được mời làm cộng tác viên cho Đội TTLĐ của Sở Văn hóa - Thông tin (sau này là Đội TTLĐ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Triển lãm tỉnh, nay là Trung tâm VH-ĐA tỉnh). Được làm công việc mà mình yêu thích, anh tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Sau những nỗ lực và thành tích đạt được, năm 1995, anh chính thức trở thành cán bộ của trung tâm.

 

Thấm thoát, giờ cũng đến lúc chia tay anh, “trả” anh lại phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Tôi lân la gợi lại chuyện đời, chuyện nghề. Như “cá gặp nước”, anh tuôn ra những suy nghĩ của mình. Anh Cảng kể: Phong trào văn hóa, văn nghệ những năm 1990-1995 không sôi động như bây giờ. Thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phương tiện đi lại của cả đội thường là thuê xe ben, xe công nông độ chế (có gắn ròng rọc để có thể “tự kéo” khi leo dốc bị trơn trượt hoặc vướng sình lầy).

 

Vất vả là vậy nhưng vui và hạnh phúc vô cùng khi đêm nào diễn, bà con cũng đến chật kín sân bãi. Đó chính là chất xúc tác, là động lực tuyệt vời cho những người làm nghề TTLĐ. Như để đáp lại tình cảm của bà con, từ người phụ trách đội, đến nhạc công, diễn viên, cộng tác viên, toàn thể anh chị em đều nỗ lực cố gắng tập luyện rất nhiều để có được một chương trình hoàn chỉnh.

 

“Ngày trước, mọi người đều phải đánh nhạc sống và hát sống để tập từng bài chứ không có nhạc thu sẵn như hiện nay. Dù công nghệ đã dần thay thế vai trò của nhạc công trên sân khấu, nhưng để thu hút được khán giả và làm cho đêm diễn thêm sinh động, theo cá nhân tôi thì sự có mặt của ban nhạc trên sân khấu là rất cần thiết”, anh Cảng bày tỏ.

 

Với anh Cảng, chỉ có đam mê, mà nghĩ cho cùng thì cũng chỉ có đam mê, say việc, say nghề mới có thể giúp con người ta gắn bó, sống chết với nó. “Thời gian qua nhanh thật! Mới đó mà đã 31 năm gắn bó với công việc này, với biết bao nhiêu kỷ niệm buồn, vui, sướng khổ, giờ sắp chia tay anh em! Cảm giác thật khó tả...”, anh thổ lộ.

 

Nói đến đây, tôi thấy anh nghèn nghẹn và rơm rớm nước mắt! Chầm chậm một lúc, anh nói tiếp: “Đành rằng là quy luật nhưng mai mốt nghỉ, chắc nhớ nghề, nhớ anh em và nhớ bà con ở các địa phương lắm! Mong rằng, các anh em hãy tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ TTLĐ trong thời gian đến, vì vừa làm công việc mình yêu thích, đồng thời là một nhiệm vụ chính trị vẻ vang mà đơn vị đã giao cho những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như chúng ta làm một điều vô cùng hạnh phúc.

 

Cố gắng giữ gìn tình cảm của bà con đã dành cho chúng ta từ bấy lâu nay và thực hiện tốt phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương!”. Anh nói chắc: “Nghỉ thì nghỉ nhưng khi đơn vị có việc cần đến mình thì mình sẽ không bao giờ từ chối”.

 

Ngày 1/12/2020, Trung tâm VH-ĐA tỉnh tổ chức chia tay anh Vũ Phi Cảng nghỉ hưu trước tuổi theo Quy định 108. Tôi ghi nhận, cảm ơn những chia sẻ, gửi gắm và những cống hiến của anh đối với nhiệm vụ TTLĐ trong suốt thời gian qua. Chúc anh luôn vui, khỏe, hạnh phúc và tiếp tục góp phần phát triển phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.

 

LÊ TRUNG HIỀN

Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Niềm tin - thơ NHÂN VĂN
Chủ Nhật, 31/01/2021 11:49 SA
Kết tình thơ – thơ DIỄM PHÚC
Chủ Nhật, 31/01/2021 11:47 SA
Tiếng ru mùa xuân – thơ VŨ THANH THANH
Chủ Nhật, 31/01/2021 11:44 SA
Sẽ còn vang mãi những khúc tráng ca
Chủ Nhật, 31/01/2021 10:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek