Chủ Nhật, 12/01/2025 07:40 SA
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Thứ Năm, 10/12/2020 10:40 SA

Nghệ thuật Bài chòi là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: THIÊN LÝ

Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có biển, đồng bằng, miền núi..., Phú Yên có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, như: Kinh, Chăm, Ba Na, Ê Đê, Tày, Nùng... Chính sự phong phú này đã tạo ra những giá trị di sản văn hóa (DSVH) đa dạng và độc đáo cho vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” mà không phải địa phương nào ở dải đất miền Trung này cũng có được.

 

Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Đa dạng và độc đáo

 

Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, Hội đua thuyền trên sông Đà Rằng, Lễ hội sông nước Đà Nông, Lễ hội Vịnh Xuân Đài, Lễ hội Đồng Cam, Lễ hội Chùa Từ Quang, Hội thơ Nguyên tiêu, Lễ hội Đền Lê Thành Phương, Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu ngư... và nhiều lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Theo thời gian, các lễ hội này đã ăn sâu, bén rễ, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử trong đời sống cộng đồng.

 

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL), cho biết: “Hiện một số di tích đã được tỉnh quy hoạch mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lễ hội như: Di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, di tích Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương... Nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị, trở thành điểm đến tham quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng. Trong đó, danh thắng Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn được đưa vào thu phí tham quan từ năm 2016”.

 

Cũng theo ông Nhân, từ năm 2016, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng. Tính đến tháng 7/2020, trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh); 185 DSVH phi vật thể được kiểm kê; 4 di sản được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014), Lễ hội Cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015), Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân (2016), Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018). Đặc biệt, di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Bảo tồn và phát huy giá trị

 

Theo ông Nguyễn Danh Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích (Sở VH-TT-DL), kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo cho hoạt động lễ hội tại các di tích là yếu tố quan trọng. Kinh phí để thực hiện nội dung này đến chủ yếu từ hai nguồn chính, đó là từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. “Thực tế, trong thời gian qua, một số nơi vận động kinh phí xã hội hóa rất tốt, tiêu biểu như tại di tích đình Ngọc Lãng (thôn Ngọc Lãng, TP Tuy Hòa). Đình Ngọc Lãng là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh năm 2013.

 

Trước khi được xếp hạng, cơ sở vật chất của di tích này đã cũ kỹ, xuống cấp. Nhưng nhờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều hạng mục của di tích đã được đầu tư xây dựng như cổng đình, nhà Đông, nhà Tây, hàng rào bảo vệ... làm cho di tích ngày một khang trang. Hoặc như di tích Tháp Nhạn, nguồn kinh phí để mua sắm cơ sở vật chất cho công tác tổ chức lễ Vía Bà diễn ra hàng năm tại di tích này đều sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa từ sự đóng góp của những người đăng ký tham gia hành lễ”, ông Nguyễn Danh Hạnh cho biết.

 

Mới đây, UBND tỉnh ban hành đề án Bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2023 thực hiện tốt công tác bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; khai thác có hiệu quả di sản Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Phấn đấu 60% xã, phường, thị trấn vùng ven biển và 30% xã, phường, thị trấn vùng đồng bằng và miền núi có câu lạc bộ bài chòi; 60% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội chơi bài chòi vào dịp lễ hội hoặc ngày Tết cổ truyền của dân tộc; xây dựng được 5 điểm biểu diễn nghệ thuật bài chòi.

 

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái, thời gian qua, Phú Yên đã tập trung triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về văn hóa. Nhờ đó, các giá trị DSVH được giữ gìn và phát huy; nhiều DSVH vật thể, phi vật thể, di sản tự nhiên còn nguyên giá trị, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế đánh giá cao.

 

“Sở VH-TT-DL đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, khảo sát, đưa các DSVH của từng địa phương vào danh mục để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục DSVH quốc gia sau này nhằm bảo tồn và phát huy những DSVH đó. Đồng thời thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Ngọc Thái nói.

 

Sở VH-TT-DL đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, khảo sát, đưa các DSVH của từng địa phương vào danh mục để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục DSVH quốc gia sau này nhằm bảo tồn và phát huy những DSVH đó. Đồng thời thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thái

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những ký ức bình dị đáng trân quý
Chủ Nhật, 06/12/2020 09:28 SA
Ấm tình đồng nghiệp
Chủ Nhật, 06/12/2020 07:00 SA
Học cách gọi tên cảm xúc
Chủ Nhật, 06/12/2020 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek