Thứ Hai, 30/09/2024 20:34 CH
Bao giờ có phim lịch sử Việt Nam?
Thứ Năm, 15/05/2008 17:00 CH

Không đầy 3 năm nữa là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mà phim về Thăng Long vẫn còn trên giấy. Phim Việt giờ “vàng” trên VTV1 toàn là phim về hiện thực đương đại. Kết thúc mỗi kỳ thi tuyển đại học và cao đẳng, môn Lịch sử VN vẫn là nỗi đau của các nhà giáo dục, nỗi buồn của cha anh.

 

080515-Ngon-nen.jpg

Cảnh trong phim “Ngọn nến hoàng cung”

 

CÓ PHẢI MIỀN ĐẤT TRẮNG?

 

Phim truyền hình (TH) lịch sử VN đã gần như vắng bóng, hình như không có trong khái niệm làm phim của các nhà làm phim VN và Đài TH. Đã từ lâu lắm, việc làm phim lịch sử VN được nhắc tới nhắc lui không biết bao lần, mỗi khi chuẩn bị kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào thì lại mang ra bàn và rồi vẫn cứ mỏi cổ đợi vì nó chỉ ở trên giấy, trên miệng, hay trong dự án nào đấy mà không biết bao giờ mới có thể thành hiện thực. Phim lịch sử VN nói chung, phim TH lịch sử VN nói riêng giống như một “miền đất trắng”. Điểm lại các phim đã làm của THVN, ngoài một Hoàng Lê nhất thống chí vừa nhạt nhẽo vừa sai kiến thức lịch sử, không có giá trị cả nghệ thuật lẫn nội dung, bị hầu hết khán giả xem phim và giới làm nghệ thuật chỉ trích, thì có lẽ chỉ 2 phim gọi là gần đây nhất (nhưng cũng là đã mấy năm rồi) của Hãng TFS - TH TP HCM Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa, nhưng thuộc về thời cận đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Còn cả một khoảng lịch sử 4000 năm với 18 đời vua Hùng dựng nước, của các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn dựng nghiệp giữ nước với bao sự kiện lịch sử lưu danh thiên cổ, và còn bao nhân vật lịch sử, danh nhân đất Việt qua sử sách, qua các truyền thuyết dân gian từ đời này sang đời khác… Không có một phim nào. Trong khi ngày ngày cứ phải xem hay “được” xem lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc…, hết Càn Long, Khang Hy, Từ Hy thái hậu, Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Hán Cao Tổ, Minh Thành Tổ… đến Jumon, Chosun…, đến nỗi không cần phải đọc nhiều nhưng vẫn “làu làu” kinh sử các triều đại Trung Quốc, Hàn Quốc từ mấy ngàn năm trước công nguyên đến đầu thế kỷ 20. Buồn hay vui đây?

 

Năm 2000, khi kỷ niệm 990 năm Thăng Long, có cả một Ban chỉ đạo phát động viết kịch bản làm phim lịch sử cho 1000 năm Thăng Long. 7 năm trôi qua, cho đến giờ này chỉ có 2 kịch bản được duyệt, một cho phim điện ảnh, một cho phim TH nhiều tập: Thái Tổ Lý Công Uẩn - Hãng phim truyện VN, Trần Thủ Độ và người tình - Hãng phim truyện 1. Nhưng tới giờ này vẫn còn trên giấy, kịch bản chưa thống nhất, đạo diễn thay đổi, vẫn đang tranh cãi làm phim hay không làm phim. Và tất cả những gì để làm phim gọi là “hạ tầng cơ sở” vẫn là con số 0 - không có diễn viên vì chưa casting, không có phim trường, không có đạo cụ như phục trang, vũ khí, ngựa chiến… mà những thứ này thì không thể làm giả bằng tre bằng giấy, phải có một xưởng chế tác sản xuất. Còn ở Hãng phim TFS - Đài TH TP HCM thì đang lên kế hoạch phim về Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ Vó ngựa trời Nam, nhưng chưa biết khi nào bấm máy.

 

Và còn một điều không biết phải nghĩ gì, khi điểm các kế hoạch, dự án làm phim của cả các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân trong năm 2008, không có một chỗ nào cho phim lịch sử VN.  

 

TẠI SAO VÀ TẠI SAO?

 

Không biết các nhà làm phim, các nhà hoạch định về VHNT có cảm thấy bức thiết với câu hỏi này không, có cảm thấy như đang “mắc nợ” với khán giả xem phim VN, xem phim TH hay không? Cũng có những nhà làm phim tâm huyết với phim lịch sử nhưng gần như ai cũng lắc đầu “khó lắm, gian nan lắm”. Xét ở một góc độ, nguyên nhân có thể thấy, nhưng thấy để rồi làm gì khắc phục thì vẫn là câu hỏi ngỏ.

 

Về phía các nhà làm phim, ai cũng biết những khó khăn khi làm phim lịch sử. Đầu tiên là kinh phí làm phim lịch sử bao giờ cũng nhiều gấp mấy lần phim đương đại, vì những yếu tố lịch sử không sẵn có mà phải dựng tất cả từ con số 0. Kế tiếp là thiếu kiến thức về sử, nên không những thiếu kịch bản mà còn thiếu cả đạo điễn có đủ tầm hiểu biết về lịch sử. Hơn nữa tài liệu về sử của ta cũng có nhiều khi không rõ ràng đầy đủ, chỉ dựa vào những gì còn lại, do qua quá nhiều binh biến trong lịch sử nên bị mất, bị hủy hoại, muốn biết thời kỳ đó người Việt ta trang phục ra sao, sinh hoạt như thế nào quả là đánh đố. Khâu diễn viên cũng là một bài toán cực kỳ khó. Có đạo diễn bức xúc, muốn đi tìm một diễn viên đóng vai Yết Kiêu, Dã Tượng tìm ở đâu, nếu lấy các lực sĩ tuyển thủ quốc gia thì chỉ đạt về hình thức còn diễn xuất thì… Chưa kể ngay cả bản thân diễn viên còn mù mờ về kiến thức lịch sử thì sao đóng được những nhân vật sử do mình thể hiện. Và khâu quan trọng không kém là phim trường, là đạo cụ. Ở các quốc gia lân bang, họ có cả mấy phim trường dựng y như thật tất cả các triều đại nào họ cần, họ lại có những xưởng chuyên sản xuất các loại vũ khí chiến cụ xưa, những xưởng may y phục thậm chí sản xuất loại vải đặc biệt của thời lịch sử đó theo mẫu hình vẽ trong sách vở tư liệu để lại, có nơi nuôi ngựa chỉ để đóng phim… Còn VN, tất cả chỉ trong mơ. Vì thế mà cũng thật buồn, nếu làm phim lịch sử về 1000 năm Thăng Long như kế hoạch đã định, phải mượn phim trường của Trung Quốc(!)

 

Đứng về phía các nhà hoạch định về chiến lược phát triển VHNT VN, hình như trong các văn bản về điện ảnh (bao gồm cả phim điện ảnh, phim TH) phần dành cho phim lịch sử không được chú trọng một cách cụ thể như trong năm, trong 5 - 10 năm phải có được bao nhiêu phim về lịch sử. Và như thế thì ai dại gì làm phim lịch sử khi khó khăn chồng chất. Nguyên nhân nữa là tư duy của các nhà xét duyệt kịch bản phim lịch sử quá khiên cưỡng và cứng nhắc, đòi hỏi các tình tiết phải đúng như trong sử… không cho ngẫu hứng, không cho phóng tác hư cấu, mà trong tư liệu có bao giờ đầy đủ, trong khi kho tàng văn học dân gian thì truyền thuyết về nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính huyền ảo truyền kỳ rất nhiều, việc hư cấu có thêm tình tiết dã sử thần thoại chỉ là tăng thêm độ hấp dẫn. Điều đó cũng làm cho các nhà biên kịch không thể có được kịch bản như ý, và thế thì đạo diễn lấy gì mà làm phim. Việc này được chứng minh qua xét duyệt kịch bản  làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long… 

 

080515-Duoi-co.jpg
Cảnh trong phim “Dưới cờ đại nghĩa”  - Nguồn: VNN

 

NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI?

 

Đã đến lúc không thể làm ngơ đối với đề tài lịch sử. Việc làm phim lịch sử nói chung, phim TH lịch sử nói riêng phải được chú trọng như một nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các nhà làm phim cả nhà nước và tư nhân; không phải một “nhà” nào làm mà phải cùng chung tay, cùng tập hợp vào để làm phim lịch sử.  Không thể để khán giả VN phải “đói” phim lịch sử VN và phải hàng ngày “ăn” sản phẩm sử của nước ngoài. Chúng ta phải thấy đó không chỉ là nỗi buồn mà còn là chạm vào lòng tự tôn dân tộc của người VN. Cứ thử nghĩ nếu như có một vị khách nước ngoài muốn xem phim lịch sử VN thời Trần 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông, ta nói không có… Cảm giác lúc đó không cần phải diễn tả.

 

Ngoài việc các nhà hoạch định chiến lược VHNT của nhà nước đưa ra kế họach, xây dựng các phương án thực hiện…, tạo điều kiện để có một hạ tầng cơ sở (phim trường, các điều kiện vật chất để làm phim lịch sử), tài chính làm phim, còn phải có sự tập hợp nhân lực. Khó khăn không phải là rào cản, có thể khắc phục, khi xã hội hóa các ngành  nghề như một xu thế thì không có gì là không thực hiện được. Trước hết, các nhà sử học phải vào cuộc, vì họ là những người hiểu biết và có kiến thức về lịch sử nhiều nhất, họ là người có thể “miêu tả” chính xác diện mạo thời kỳ lịch sử đó,  làm nên “bột” để sau đó là các nhà biên kịch, các đạo diễn “gột” nên phim. Kế tiếp cũng phải có những lớp bồi dưỡng kiến thức về lịch sử VN cho các nhà làm phim, để ít ra họ có chút hiểu biết về từng giai đoạn lịch sử, từng sự kiện, tạo cảm xúc để sáng tạo nghệ thuật, và việc này phải là liên tục, phải như một điều kiện bắt buộc.

 

Không còn  thời kỳ làm phim kiểu “ăn đong”, mà hãy chuyên nghiệp từ tư duy đến cách làm. Với phim lịch sử cũng vậy. TH là một lợi thế vì đã có những phương tiện công nghệ cao hỗ trợ, thiết nghĩ các Đài TH và các hãng phim TH hãy nghĩ một cách nghiêm túc vấn đề này để không phụ lòng mong mỏi của khán giả THVN, để có được những phim TH về lịch sử VN xứng với tầm những trang sử nước Việt. Để người VN hiểu biết thêm về lịch sử VN mà tự hào và sống xứng đáng với những gì cha ông xưa để lại  cho muôn đời sau.

 

HOÀI HƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek