Ðàn đá và kèn đá Tuy An được xem như báu vật của quốc gia. Hai báu vật này được đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam khuyến khích lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, việc xác định chủ nhân văn hóa của hai báu vật này còn nhiều tồn nghi, luôn thôi thúc các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian đi sâu tìm hiểu với mong muốn tìm chủ nhân đích thực của hai báu vật này.
Cuối năm 2012, UBND tỉnh tổ chức buổi giới thiệu, minh họa di sản văn hóa quốc gia bộ đàn đá, kèn đá Tuy An đến Ủy ban UNESCO Việt Nam để đề nghị công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. TS Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao tính độc đáo của hai loại nhạc, khí cụ bằng đá này, nhất là sự kết hợp uyển chuyển, linh hoạt âm thanh của đàn đá và kèn đá.
Đàn đá Tuy An được đánh giá là bộ đàn đá có thang âm thuộc loại chuẩn nhất trong số những đàn đá thời tiền sử có niên đại cách đây 2.500 năm, được phát hiện ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, còn kèn đá hiện là độc nhất vô nhị trên thế giới.
Những tồn nghi về chủ nhân văn hóa
Bộ đàn đá Tuy An được nông dân Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện năm 1990 ở vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An), hiện được lưu giữ cẩn trọng tại Bảo tàng Phú Yên. Tám thanh trong bộ đàn đá Tuy An có độ dài từ 30-59cm (6 thanh có độ dài từ 40cm trở lên); đầu rộng (đầu lớn) từ 10,5-6,5cm; nặng từ 2,3-14kg, được làm từ đá riolit pocfia. Theo tài liệu khoa học, tuổi đàn đá Tuy An nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, do chính người tại đây chế tác. |
Bộ đàn đá Tuy An được nông dân Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện năm 1990 ở vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An), hiện được lưu giữ cẩn trọng tại Bảo tàng Phú Yên. Tám thanh trong bộ đàn đá Tuy An có độ dài từ 30-59cm (6 thanh có độ dài từ 40cm trở lên); đầu rộng (đầu lớn) từ 10,5-6,5cm; nặng từ 2,3-14kg, được làm từ đá riolit pocfia. Theo tài liệu khoa học, tuổi đàn đá Tuy An nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, do chính người tại đây chế tác.
Kèn đá, ốc hiệu, cóc đá, tù và đá là những tên gọi khác nhau của hai hiện vật bằng đá khi thổi phát ra âm thanh, được một nông dân khác là ông Đỗ Phán phát hiện năm 1994 ở vùng núi thôn Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An). Kèn “cái” nặng 75kg, kích thước đáy 40cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 55cm, lỗ thổi rộng 2,5cm. Kèn “đực” nặng 34,5kg, kích thước đáy 29cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 52cm, lỗ thổi rộng 1,8cm.
Đề cập đến chủ nhân (chủ thể văn hóa) của hai báu vật kèn đá và đàn đá Tuy An, giới nghiên cứu còn có những ý kiến khác nhau. Theo TS Quang Văn Cậy (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), các dân tộc Ba Na, Chăm, Ê Đê thuộc các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh rất yêu thích âm nhạc, vốn dân gian phong phú, độc đáo; họ có một nền nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điêu khắc rất độc đáo. Trong nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điêu khắc, họ sử dụng chất liệu gỗ để tác tạo nên những pho tượng gỗ, những quần thể tượng gỗ rất độc đáo có sức truyền cảm mạnh mẽ… TS Quang Văn Cậy đưa ra nhận định: Các dân tộc ở phía tây tỉnh Phú Yên có phần xa lạ với nghệ thuật điêu khắc đá. Như vậy, đàn đá và hai chiếc tù và đá không có địa chỉ ở phía tây tỉnh Phú Yên.
TS Quang Văn Cậy dẫn chứng ở Phú Yên có tấm bia tìm được có niên đại khoảng giữa thế kỷ thứ IV, được ghi bằng chữ Chàm cổ. Có người gọi là “Bia chợ Dinh I” khắc vào vách đá ở sườn núi Nhạn, giáp sông Chùa, TP Tuy Hòa. Như vậy, ít nhất từ giữa thế kỷ thứ IV đã có người Chăm sinh sống ở đây… Vương quốc Champa là vương quốc có sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền khá chặt chẽ, yếu tố này đã chi phối mạnh mẽ, sâu sắc trong lĩnh vực hoạt động của xã hội Champa, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là điêu khắc đá… Trên cơ sở đánh giá, kết luận của các nhà chuyên môn và từ sự nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện về đàn đá và kèn đá Tuy An, TS Quang Văn Cậy nhận định đàn đá và kèn đá Tuy An là sản phẩm của nghệ nhân Chăm. Tuy nhiên, giới nghiên cứu về lịch sử, văn hóa ở Phú Yên vẫn còn rất nhiều nhận định khác nhau, những tồn nghi liên quan đến chủ nhân của hai di sản văn hóa đá quý báu này.
Những đoán định bước đầu
Việt Nam hiện có gần 200.000 người Chăm sinh sống rải rác ở các tỉnh phía Nam như Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, An Giang... Ở Việt Nam, người Chăm có mối liên hệ gần gũi với các dân tộc nói các tiếng cùng thuộc ngữ tộc Malay-Polynesia như Gia Rai, Ê Đê, Ra Glai và Chu Ru.
Từ sự nghiên cứu các bộ đàn đá được phát hiện ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đối chiếu so sánh với bộ đàn đá và cặp kèn đá Tuy An, tác giả bài viết này nhận thấy còn nhiều tồn nghi trong nhận định của TS Quang Văn Cậy.
Thứ nhất, bộ gõ và nhạc khí cổ trong hệ thống nhạc cụ âm nhạc dân gian của các tộc người xuất hiện đầu tiên trên trái đất không phải nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của con người mà xuất phát từ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, phục vụ nghi thức tế lễ tại những nơi thờ tự, nghi thức tang ma, sau đó mới phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí. Đặt giả thuyết đàn đá và kèn đá Tuy An là do các nghệ nhân Chăm tạo ra theo nhận định của TS Quang Văn Cậy thì tại sao hàng trăm di sản văn hóa chất liệu đá của người Chăm còn lưu giữ được trong các tháp Chăm hoặc tìm thấy qua khai quật ở các phế tích Chăm dọc dài các tỉnh từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ chưa một lần phát hiện được những nhạc cụ này? Trên thực tế đàn đá, kèn đá được phát hiện ở những địa điểm thường là đồi núi, và chủ yếu ở khu vực miền núi Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; nơi phát hiện đàn đá, kèn đá cũng không có tháp Chăm, cũng không phải là nơi cư trú lâu đời của người Chăm.
Thứ hai, di sản văn hóa chất liệu đá của người Chăm rất phong phú, đa dạng về loại hình nhưng tập chung vào các nhóm chính như: Tượng nam thần, tượng nữ thần, tượng Phật lồi, tượng Gannesa, tượng voi, tượng bò Nanđin, tượng ngựa, tượng rắn, tượng sư tử, các phù điêu trang trí trên các công trình kiến trúc đền, tháp và các bi ký... Tất cả những di vật này đường nét đều rất sắc sảo, uyển chuyển mang tính nghệ thuật cao. Điều này cho thấy, khi tạo ra những di vật đá đề cập trên, các nghệ nhân Chăm đã có những công cụ (dụng cụ) chuyên dùng bằng kim loại. Đàn đá và kèn đá Tuy An thì hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là khi tác tạo ra những nhạc cụ này, chủ nhân (chủ thể văn hóa) không có các công cụ (dụng cụ) bằng kim loại mà dựa vào những vật liệu có sẵn trong tự nhiên tác động vào những thanh đá, khối đá để tạo ra đàn đá, kèn đá.
Thứ ba, trên các bi ký, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá, các phù điêu trang trí, các văn tự thuộc di sản văn hóa Chăm đến thời điểm hiện nay chưa có một phát hiện nào được công bố đề cập đến kèn đá, đàn đá - dù chỉ là thông qua chữ viết hoặc bằng hình ảnh, qua nét chạm khắc.
Thứ tư, trong hệ thống nhạc cụ truyền thống phục vụ các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh, lễ hội, tang ma của người Chăm sinh sống ở các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang lưu truyền đến ngày nay không có nhạc cụ nào bằng chất liệu đá.
Như vậy chủ nhân của hai báu vật kèn đá và đàn đá Tuy An vẫn còn nhiều tồn nghi. Kết quả nghiên cứu của ngành Dân tộc học và Khảo cổ học cho biết, từ xa xưa ở sườn đông cuối dãy Trường Sơn, cực Nam Trung Bộ đã có một số tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polinésien sinh sống (gồm: Chăm, Raglai, Chu-ru. Êđê, Gia-rai). Các tộc người trong một nhóm ngôn ngữ (có thể không phải cùng một nguồn gốc chủng tộc) nhưng chắc chắn phải có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển.
Một đặc điểm về yếu tố tự nhiên cũng rất đáng chú ý là khu vực cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần Đông Nam Bộ có cấu trúc địa chất khá đặc biệt với rất nhiều núi đá, trong đó có những thanh đá chứa hợp chất kim loại, khi gõ phát ra âm thanh. Bởi vậy, người Raglai xưa kia đã chọn những thanh đá kêu về giăng thành hàng ở dưới suối và lợi dụng sức nước bằng đòn bẩy để những thanh đá con đập vào những thanh đá lớn phát ra nhiều âm thanh với nhiều cung bậc khác nhau, vừa tạo nên những “bản nhạc” thiên nhiên, vừa có tác dụng đuổi muông thú, giữ rẫy. Người Raglai gọi những thanh đá đó là “Patâu Tuleng” (đá kêu). Có thể đây là sự khởi điểm cho những ý tưởng sáng tạo ra các nhạc cụ bằng đá sau đó chăng? Trên thực tế khi nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn (thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), các nhà nghiên cứu về âm nhạc, về nhạc khí đã xếp đàn đá Khánh Sơn vào loại nhạc cụ “roi”, tức là loại nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng…
Và bộ đàn này kết hợp một nhạc khí tổng hợp nhiều “roi” theo một thang âm cố định, rất phù hợp với thang âm của bộ đàn đá Ndút Liêng Krăk đang cất giữ ở Paris, đã được phát hiện từ năm 1949 ở Đắk Lắk.
Cùng với việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn, các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp (Khánh Hòa) còn tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phún trào (riolit pocfia) có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá để chế tác đàn đá Khánh Sơn…
So sánh đàn đá Tuy An với một số bộ đàn đá đã phát hiện được ở các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có thể nhận thấy một số điểm giống nhau cơ bản.
Từ kết quả phân tích địa chất về đàn đá và kèn đá Tuy An của nhóm tác giả do kỹ sư Nguyễn Kảnh Hiền, Trưởng Phòng Kỹ thuật Đoàn 703 cùng tập thể kỹ sư kỹ thuật Đoàn 703 thực hiện; và bảng so sánh các âm thanh của đàn đá và kèn đá Tuy An do GS - nhạc sĩ Tô Vũ tiến hành, đáng chú ý là những điểm giống nhau về âm vực, về chất liệu giữa đàn đá Tuy An với đàn đá Khánh Sơn A, cũng như sự trùng hợp về mặt âm thanh của đàn đá và kèn đá Tuy An.
Mặt khác, từ những bằng chứng xác định về việc sử dụng “đá kêu” trong quá khứ của người Raglai, tác giả bài viết đoán định chủ nhân của đàn đá và kèn đá Tuy An là người Raglai. Cũng phải nói thêm rằng, sự phân tích và đưa ra những đoán định của tác giả bài viết này cũng chỉ là những giả thuyết khoa học. Việc xác định niên đại cũng như tộc người nào đó trong quá khứ là chủ nhân (chủ thể văn hóa) đích thực của hai báu vật kèn đá và đàn đá Tuy An cần thêm nhiều thời gian, công sức của nhiều chuyên gia liên ngành để tiếp tục nghiên cứu và kiểm nghiệm, mới có thể đưa ra được những kết luận thực sự chính xác, khoa học.
ThS NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông