Đó là ông Huỳnh Văn Minh (nghệ danh Tuấn Minh) ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An, người trong suốt 45 năm qua luôn giữ niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn nghệ thuật hò bả trạo và dân ca bài chòi.
Hiện nay, ngoài đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm CLB Hò bả trạo - Dân ca Bài chòi thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An), ông Minh còn tích cực hoạt động và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
Từ niềm đam mê
Một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Minh trong con hẻm nhỏ giữa làng chài Mỹ Quang Bắc. Từ xa đã nghe văng vẳng câu hò đặc trưng của vùng biển miền Trung đầy nắng gió: Mịt mù khói tỏa vầng trăng/ Gió hiu trước mặt mây giăng lưng trời.
Sau khi mời khách vào nhà, bên ấm trà nóng vừa mới pha, ông Minh giảng giải cho chúng tôi: Hò bả trạo (hay còn gọi là chèo bả trạo/bá trạo) là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung Bộ. Tên gọi hoặc cách diễn xướng có khác nhau đôi chút nhưng đều mang ý nghĩa cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa thu hoạch; thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, tai ương trên biển. Hò bả trạo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 9/9/2013.
Ông Minh nhớ lại: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với lễ hội cầu ngư. Mỗi lần đến mùa lễ cầu ngư, tôi được xem các anh, các chú hò bả trạo, càng nghe càng mê. Từ đó, hò bả trạo “thấm” vào máu thịt của tôi lúc nào không hay. Không cần ai kèm cặp, tôi tự mày mò học hát, học hò. Đến năm 1984, tôi cùng một số anh em nghệ nhân trong làng thành lập Đội Hò bả trạo để phục vụ lễ hội cầu ngư”.
Không chỉ đam mê hò bả trạo, ông Minh còn say mê cả những làn điệu bài chòi. Cái duyên và lòng đam mê vô tận đối với những làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng và cổ bản... đã ăn sâu vào lòng ông từ lúc trai trẻ. Đến năm 2002, ông thành lập CLB Hò bả trạo - Dân ca Bài chòi thôn Mỹ Quang Bắc. 10 năm sau, ông được bầu làm Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư của thôn. Vào ngày 13/6 âm lịch hàng năm, lễ hội cầu ngư đều được duy trì, quy mô tổ chức tùy theo điều kiện kết quả đánh bắt hải sản trong năm, trong đó phần lễ không thể thiếu hò bả trạo. Hay nói cách khác, trong lễ hội cầu ngư, điểm nhấn là nghệ thuật diễn xướng hát bả trạo.
Bằng tình yêu thiết tha dành cho bả trạo, bài chòi, ông Minh nỗ lực đưa nghệ thuật dân gian này đến gần với người dân. Đặc biệt, với vai trò Chủ nhiệm CLB Hò bả trạo - Dân ca Bài chòi, ông đã đưa CLB của mình tham gia nhiều hội thi, liên hoan và phục vụ các sự kiện văn hóa trong tỉnh và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận... Từ đó, CLB Hò bả trạo - Dân ca Bài chòi đã tạo sân chơi, giao lưu bổ ích cho người đam mê nghệ thuật truyền thống.
Đến thành quả ngọt ngào
Trong suốt thời gian dài gắn bó với nghệ thuật truyền thống, ông Minh đã tích cực tham gia phát triển CLB Hò bả trạo - Dân ca Bài chòi, góp phần xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở làng biển Mỹ Quang - An Chấn nói riêng và huyện Tuy An nói chung. Người dân địa phương ấn tượng sâu sắc với nghệ nhân sinh năm 1966 này từ các vai diễn: tổng lái, tổng mũi và tổng thương trong nghệ thuật hò bả trạo đến những vai diễn trong các trích đoạn, vở kịch dân ca bài chòi như: Lê Thành Phương trong Danh nhân Lê Thành Phương, Dương Thi Sách trong Tiếng trống Mê linh, Lưu Bình trong Lưu Bình - Dương Lễ, Châu Tuấn trong Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công trong Phạm Công - Cúc Hoa và Cao Quân Bảo trong Hạ Nam Đàn...
Đến nay, ông Minh nắm giữ nhiều tri thức và kỹ năng hò bả trạo, múa siêu, lễ Nghinh Ông trong lễ hội cầu ngư, Hán Nôm hò bả trạo. Bên cạnh đó, ông còn biên soạn và sáng tác nhiều tiểu phẩm dân ca bài chòi phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương; một số tác phẩm đạt giải trong các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng, như: giải A Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam với tiết mục hò bả trạo năm 2007; bằng khen về thành tích tham gia đóng góp thành công triển lãm Di sản văn hóa Biển - Đảo Việt Nam, trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017, giấy khen về thành tích tham gia triển lãm Di sản văn hóa Du lịch Biển - Đảo Việt Nam năm 2019 tại Nha Trang, Khánh Hòa...
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH-TT-DL Huỳnh Từ Nhân cho biết: Ông Huỳnh Văn Minh là một trong bốn nghệ nhân trong tỉnh có hồ sơ đề nghị xét tặng Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ 3 - năm 2021.
Ông Tuấn Minh tâm niệm: “Tôi chỉ mong muốn anh em trong CLB hoạt động tích cực, để góp sức gìn giữ và bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Qua đó góp phần đưa nghệ thuật hò bả trạo đến với nhiều người hơn, có thể “sống” lâu bền giữa lòng dân. Vì vậy, ai muốn nghe hò bả trạo hay dân ca bài chòi thì cứ đến với CLB. Ai muốn học thì tôi rất sẵn lòng chỉ dạy, bởi chia sẻ kinh nghiệm với mọi người cũng là được sống trong không gian của những âm thanh, giai điệu của loại hình nghệ thuật tôi yêu thích”.
Với những đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ông Huỳnh Văn Minh đã được Sở VH-TT-DL và huyện Tuy An tặng nhiều giấy khen và được Bộ VH-TT-DL tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VH-TT-DL. Ông là một trong bốn nghệ nhân trong tỉnh có hồ sơ đề nghị xét tặng Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ 3 - năm 2021. |
THIÊN LÝ