Thứ Bảy, 05/10/2024 22:23 CH
Lá thư mùa COVID – truyện ngắn của NGÔ TRỌNG CƯ
Chủ Nhật, 09/08/2020 06:00 SA

Ngăn ngừa COVID-19 lây lan, không đến trường, cô Tho ở nhà, tranh thủ nhổ cỏ bón phân mấy gốc mai già.

 

Đang suy nghĩ vẩn vơ, tiếng chuông điện thoại làm Tho giật mình.

 

- A lô a lô, ai vậy, tôi đang nghe...

 

- Dạ, em đây cô, em là Đũi học trò lớp cô chủ nhiệm nè.

 

- Ừ, ừ cô nhận ra tiếng em rồi. Có gì không em, chắc muốn hỏi về bài tập cô mới giao chiều qua hả?

 

- Dạ không. Em không biết. Chắc em phải nghỉ học luôn.

 

- A lô... tút tút.

 

Tho chuyển qua nhắn tin: “Cô đang rảnh, em đừng ngại, cứ mở điện thoại, cô có việc rất cần em giúp...

 

- Dạ em nghe đây cô.

 

- Cô trò mình mấy tháng không gặp, để nói chuyện, đừng tắt nữa nghen; em nói đùa chứ sao lại nghỉ học?

 

- Thật đấy cô, hết dịch em đi làm phụ hồ; cả tháng nay em đâu học được chữ nào đâu, mai mốt đứng cuối lớp, đi học càng xấu hổ.

 

- Thì các bạn cũng vậy thôi mà; cứ làm theo hướng dẫn của các thầy cô trên mạng là tạm ổn rồi đấy, mai mốt học lại sẽ hiểu thêm...

 

- A lô. A lô... tút tút... Lại tắt nữa rồi (cô giáo Tho nói một mình). Tay bấm nút gọi liên tục..., tút tút… cũng liên tục. Bụng dạ như lửa đốt, cô thả chiếc điện thoại xuống ghế nhựa, đi ra phía đám mai, thu hồi cuốc, xẻng. “Chiều nay phải đến nhà Đũi mới được, có ai bảo mình không tuân thủ cách ly toàn xã hội thì sao? Mặc kệ, việc cần phải làm, khẩu trang y tế bên trong, khẩu trang vải bên ngoài. Phải đi. Phải đi”, cô lẩm nhẩm một mình.

 

Chuông điện thoại lại reo nhưng không kéo dài; màn hình sáng, bạn có một tin nhắn mới: “Em xin lỗi cô và các bạn, vì em không thể tiếp tục là học trò của cô và bạn tốt của lớp 9G. Với em, mọi kiến thức thầy cô dạy trên mạng đều vô nghĩa, nó chỉ dành cho các bạn có đủ điều kiện chứ nó không thể mở ra từ chiếc điện thoại “cùi bắp” của ba em cho trước khi bác sĩ bảo mẹ em “đưa ba về”... Em rất biết ơn cô và bạn Hùng, Dũng; hai bạn đã cho em đến nhà học chung nhiều lần... Nhưng bây giờ thì khác rồi, cách ly là việc phải làm, em không dám làm phiền các bạn nữa. Mà học hành là sự thi đua... Em không thể là đứa học trò có kết quả học tập cuối lớp. Việc học không công bằng với người nghèo như em đâu cô... Tạm biệt cô!”.

 

Lần này, Tho không bấm nút gọi nữa, cả người cô như mất hết năng lượng, tay chân thoáng bủn rủn, trước mắt hiện lên khung cảnh nhà Đũi, cái bàn thờ có di ảnh ba Đũi... Tâm trí bỗng quay về với khoảnh khắc đứng bên mấy đồng nghiệp và học trò, thắp nhang tiễn ba của Đũi về bên kia núi, cứ rõ dần rõ dần. Ba Đũi mất đi vì tai nạn lao động, sập giàn giáo.

 

Nhà Đũi cách trường hai con sông với đoạn đường dài hơn mười cây số, hôm ấy bà ngoại Đũi vừa khóc vừa nói “tội thằng Đũi, cha mất, sợ nó học không tới nơi tới chốn. Đời nó sao mà đen đủi. Được cái siêng năng, biết tự ái, thua nẫu (người ta) cái gì nó không chịu...”. Trong ngôi nhà ngói vách đất rộng chừng hai mươi mét vuông, phía đầu hồi bên tay trái là góc học tập của hai anh em Đũi. Gọi là góc học tập nhưng cũng chỉ có cái bàn gỗ ba Đũi tự đóng; nhưng trên bàn sách vở, đồ dùng học tập được sắp xếp rất gọn gàng. Lúc đứng chờ mẹ Đũi đốt mấy cây nhang cho cháy đều, Tho liếc nhìn qua góc học tập, trong suy nghĩ lóe lên nhiều tia hy vọng cho tương lai đứa học trò…

 

Nửa học kỳ trôi qua, từ ngày ba Đũi mất, nhờ nhà trường, thầy cô, bạn bè giúp đỡ; khéo léo động viên tinh thần và phương tiện (sách, vở, xe đạp...), Đũi học hành tiến bộ dần lên. Giá như không có cái đại dịch nghiệt ngã thì đứa học trò ngoan hiền này đâu có suy nghĩ bỏ học.

 

Trong đầu Tho lúc này, Đũi chiếm chỗ hết mọi suy nghĩ. Hay là mình mua cho Đũi cái điện thoại thông minh, nhà Đũi không có mạng thì đăng ký thuê bao... Tiền lương tháng này dồn vô mấy thứ dự trữ: gạo, mắm, xà phòng, sữa cho cu tí... đủ xài trong hai tuần để giảm đi lại...; hay là mình mua trả góp… Nhưng mà Đũi có chịu nhận hay không, sao nó khổ mà nó cứ tự trọng hơn người khác cho đời nó khổ thêm. Bao suy nghĩ cứ lần quần chạm vào Đũi. Mà hình như nó nói đúng, mấy ngày nay, học trò trao đổi việc học trên internet đa số con nhà kha khá trở lên với con của thầy cô giáo hay những người có đồng lương ổn định...

 

Trằn trọc mãi, trưa tròn bóng đi qua hồi nào chẳng hay, bóng nhà xuống nửa sân, gió nồm rì rào ngoài đám mai, Tho cầm điện thoại ra ngồi ghế dựa chỗ hàng ba.

 

- A lô, xin hỏi, trong thời gian này có bán điện thoại trả góp không ạ?

 

- Có, giao tận nhà luôn chị, chị mua khoảng bao nhiêu? Nokia, Sam sung hay...

 

- Khoảng trên dưới một triệu thôi chị.

 

- Giá đó, đến mấy cửa hàng điện thoại cũ đi chị… tút tút tút...

 

Tho bịt khẩu trang, dắt chiếc xe máy ra tiệm sửa xe, cả tuần nay không đi xa, bánh xe sau buồn xẹp lép. Mùa này ngày dài đêm ngắn, mặt trời xuống tới đọt tre, mà nắng còn rất gắt. Ngồi chờ thợ sửa xe, nhìn về hướng tây, hướng nhà Đũi, nhìn hoàng hôn đang xuống dần, Tho chợt nghĩ, khó khăn này đâu phải chỉ mình Đũi, trong lớp còn hai đứa thuộc hộ nghèo và cận nghèo nữa; được cái đứa nào học hành cũng chăm ngoan, chứ đâu nhếch nhác như mấy đứa nhà khắm khá quanh năm lo thi đua thay xe, đổi điện thoại, đã vậy rồi mà cứ thấp thỏm chờ tan trường là chui vô tiệm game...

 

- Xe sửa xong rồi cô, ruột tốt, bảy lăm ngàn.

 

- Dạ, cảm ơn! Anh khỏi thối, e có sẵn tiền lẻ!

 

Tho quyết định đến nhà Đũi, để động viên tinh thần đồng thời báo cho bà ngoại Đũi biết ý nghĩ bỏ học của Đũi. Việc mua điện thoại đợi tháng lương tới rồi hẳn tính.

 

- Chào cô giáo, mời cô vô nhà... May quá, có cô lên, tui nhờ cô nói giúp chớ mấy bữa nay thằng Đũi cứ đòi nghỉ học. Mẹ nó bán vé số kẹt trong Long An đâu có về được. (Tho chưa tháo khẩu trang mà ngoại vẫn nhận ra).

 

- Dạ, ngoại cứ làm, để con ngồi đây cho mát. Vừa nói Tho vừa kéo cái đòn gỗ ngồi nhanh xuống bên bà cụ đang lặt rau muống chỗ hàng ba.

 

- Không giấu gì cô, cả tháng nay thằng Đũi cứ đòi nghỉ học, nó buồn bực, ốm nhom. Bữa nay nó theo ông Sáu đi kẹp đác trong núi. Nó nói nay không có học ở trường nữa, toàn học trên máy, nẫu giàu nẫu học, nó đi làm rừng cho quen...

 

- Không phải đâu ngoại, tạm thời tự học ở nhà vài tuần thôi, mai mốt hết dịch rồi việc học sẽ bình thường trở lại; mà chừng nào nó về hả ngoại?

 

- Chiều mai, ông Sáu thường đi hai ngày.

 

- Bây giờ không học qua máy móc, mai mốt cũng được đến trường học tiếp hả cô? Để nó dìa (về) tui nói cho nó mừng, mà vậy rồi nó có học kịp người ta không cô? Cái thằng hễ cứ thua là nó không chịu.

 

- Cái tính đó là tốt há ngoại. Thôi ngoại nấu cơm, để con thắp cây hương cho ba Đũi, con về rồi mai con lên.

 

Tho vào bên trong, ngoại cũng lum khum bước theo. Khi Tho quay ra, nghe giọng ngoại thì thào: “Vái ba thằng Đũi phù hộ cho nó học giỏi, đừng bỏ học...” .

 

Bữa cơm chiều nhà cô Tho không rơm rả như mọi hôm, vì nhà có hai vợ chồng, đứa con trai năm tuổi, mà người nói nhiều nhất là cô. Bao nhiêu suy nghĩ dành cho mấy đứa học trò cứ chập chờn, đêm trôi về khuya, vẫn không ngủ được... Mở điện thoại, đọc lại cái tin nhắn của Đũi... Tho nhận ra, như có điều gì giống với sự học hành của mình hồi nhỏ. Hồi ấy, nhà mình không khó nhất làng nhưng vì đất nước mới thống nhất, gia đình mới về làng sau nhiều năm tản cư nên gần như cả làng đều khó, đi học, mỗi tổ được mượn một bộ sách chớ mấy... Nửa tỉnh nửa mơ, Tho bỗng thấy vui hơn như phát hiện điều gì. Cô ngồi dậy, bật điện và viết, phải viết bằng giấy trắng mực đen như thời học trò, như thuở chưa có sóng điện thoại mới được. Tho quả quyết, nếu lúc này, Đũi có mở điện thoại nhận tin nhắn thì mình vẫn viết, coi như làm gương...

 

Chiều hôm sau, Đũi được nhận một đôi giấy đầy chữ của cô giáo…

 

“Đũi, học trò ngoan của cô! Chiều nay cô đến thăm ngoại và nói với em về việc học, nhưng em bận đi rừng, cô trò mình không trao đổi được nên cô viết thay lời, cố gắng đọc thật chậm nhé, học trò của cô!

 

Em biết đấy, dân tộc Việt Nam từ cổ đến kim biết bao nhiêu nhân tài (trạng nguyên, tiến sĩ, nhà khoa học) bước ra từ gia đình nghèo khó. Họ đã để lại biết bao công trình cho đất nước. Và ngay lúc này, họ cũng đang gồng mình trong điều kiện khó khăn để tìm giải pháp dập dịch cứu người… Một học sinh có suy nghĩ bỏ học trong lúc này, dù chỉ suy nghĩ thôi cũng không tốt. Cô sẽ giấu kín việc này vì nếu các bạn khác nghe được sẽ bảo đó là sự yếu hèn!

 

Người Việt Nam ta rất coi trọng sự học, từ già đến trẻ đều quý đạo học, ai cũng được tạo điều kiện tốt nhất để học hành.

 

Em sẽ có được mọi điều kiện để học tập tốt hơn, cô hứa cô sẽ là một cầu nối tin cậy để giúp em có đủ các phương tiện học tập nhưng không phải ngay bây giờ. Vì lúc này mọi người đang cách ly, phòng dịch.

 

Điều quan trọng nhất cô muốn nói với em là: Em đang có sách. Tất cả kiến thức phổ thông đều ở sách giáo khoa, rèn luyện kỹ năng đọc sách và tự học từ sách là một điều rất cần thiết để học được nhiều và học lên cao… (Em đang hơn cô ngày xưa, cô và 10 người bạn cùng lớp chỉ có một bộ sách thôi đấy).

 

Bây giờ, em cứ làm theo hướng dẫn của cô nhé!

 

Hãy bình tĩnh đi vào từng môn học, bài học, bằng thời khóa biểu tự lập. Đọc kỹ từng mục nhỏ, vận dụng vào bài tập; không vội vàng; nếu đọc hiểu chưa đủ để khắc sâu thì lấy giấy bút viết đi viết lại nhiều lần, viết theo cách của mình, ghi nhớ sẽ càng lâu; đôi khi còn vỡ òa “bây giờ ta mới hiểu”. Làm hết bài tập, trả lời xong câu hỏi là em đã hoàn thành xuất sắc rồi. Nội dung nào thấy khó hiểu cũng nên ghi chép lại để hỏi thầy cô.

 

Riêng những môn xã hội, cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thuộc càng tốt, đọc hoài không nhớ thì quay qua viết những nội dung chính bỏ vào túi áo, khi nào rảnh lấy ra xem lại.

 

Rồi em sẽ mỉm cười một mình vì đã nhớ, đã hiểu đấy!

 

Rồi khi đến trường, bạn bè sẽ bất ngờ vì kiến thức vững vàng của em đấy!

 

Chúc em học giỏi!

 

(Cô giáo chủ nhiệm)”.

 

Sáng nay đang loay hoay nấu bữa sáng, chuông điện thoại tít tít, bạn có tin nhắn mới “Em cảm ơn cô! Cô giấu giùm việc em đòi nghỉ học nghen cô!”.

 

Bữa sáng hôm nay ngon đến lạ kỳ!

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek