Chủ Nhật, 06/10/2024 09:39 SA
Chiếc kiềng bếp của mẹ
Chủ Nhật, 03/05/2020 10:34 SA

Cuộc sống bây giờ tương đối đủ đầy, việc nấu ăn trong gia đình đã dùng bếp gas, bếp điện, lò vi sóng… Câu chuyện bếp núc không như trước, cái thời nhà nhà ở quê tôi nấu ăn sử dụng vật liệu chất đốt bằng củi tre và rơm rạ. Những hình ảnh của mẹ lui cui khom người thổi lửa để cho bữa cơm gia đình kịp lúc đã trở thành chuyện kể “ngày xửa… ngày xưa” cho con cháu hôm nay.

 

Chái bếp nhà tôi vẫn còn, mẹ tôi đã cao tuổi nên không vào như xưa nhưng chiếc kiềng bếp sắt mua thời bao cấp mẹ vẫn giữ và treo nơi góc bếp như để minh chứng chiếc kiềng bếp sắt đã một thời gắn với công việc nội trợ của mẹ. Lúc cha tôi chưa qua đời, ông có sửa chữa lại chái bếp và có ý muốn “thanh lý” chiếc kiềng bếp sắt nhưng nào dám. Vì mẹ nói “Cha con ông muốn sửa sao thì sửa, muốn thay gì thì thay, nhưng chiếc kiềng bếp sắt cứ treo đó cho tui”.

 

Theo lời mẹ kể: Hồi xưa bếp nấu nhà tôi chỉ là ba “ông Táo” kê bằng những viên gạch với nhau, khi đun nấu hay bị “nghẹt lửa” tạo ra nhiều khói dẫn đến cơm, canh không ngon… Theo quan niệm dân gian thì khi đặt ba “ông Táo” làm bếp nấu thì không dịch chuyển và trong một bếp không nên kê nhiều “ông Táo”, hơn nữa để tiện việc nấu thêm ấm nước cho cha pha trà, kho thêm xoong cá đồng cho kịp anh em chúng tôi học về có ăn cho nhanh, mẹ tôi phải bán một gánh khoai lang ở chợ thị trấn để mua chiếc kiềng bếp sắt…

 

Chiếc kiềng bếp sắt có kích cỡ phi 10 (Ф10), mọi người hay gọi chiếc kiềng bếp sắt rằn (thân cây sắt có những đường nổi hình thoi để có độ nhám kết dính xi măng trong việc xây dựng…). Qua bàn tay của những thợ lò rèn thủ công, với những công đoạn trui, nung, tán…, chiếc kiềng được vững chắc trên “ba chân đế” có chiều cao khoảng 15cm; phần trên của kiềng bếp cũng bằng “sắt rằn” được uốn tròn gắn trên “ba tai kiềng” có đường kính trên 20cm.

 

Còn nhớ thời bao cấp, nhà tôi và các nhà trong xóm đều nuôi heo để bán cho hợp tác xã, từ khi có chiếc bếp sắt, sinh hoạt của xóm tôi vui nhộn hơn. Bởi lẽ, tầm xế chiều thì mẹ tôi và các cô, thím trong xóm đem kiềng bếp ra hàng tre rồi cào lá tre khô, củi tre khô để nấu cháo heo cùng nhau chuyện trò rôm rả… Tôi và mấy đứa bạn thì tranh thủ lùi sắn, lùi khoai...

 

Cũng có bao chuyện vui từ việc bếp núc... Gia đình chú thím năm B gần bên nhà tôi có cô con dâu ở Đà Lạt về nhà chồng nghỉ ăn Tết. Thím năm quen miệng bảo cô con dâu “Con bắt nồi thịt hầm măng lên “ông Táo” rồi con rinh bếp lò (bếp lò than) ra hè để mẹ xên rim bí, xong con nhúm củi kiềng bếp sắt cho mẹ để nấu nước làm vị”… Chị con dâu lúng túng “đứng hình”… Qua Tết thím năm kể lại với mẹ tôi hai người cười ồ… mẹ tôi trách thím năm “Tội nó, ở Đà Lạt làm sao nó biết mấy cái bếp lò của quê mình là cái nào”.

 

Chiếc kiềng bếp sắt của mẹ tôi qua thời gian tiếp xúc với lửa khói và bồ hóng (bụi tro của củi phát tán bay lơ lửng bám vào, lâu ngày tạo thành lớp bụi màu đen) đã chuyển đen màu. Ba “ông Táo” bằng gạch cũng đen, kể cả nồi niêu, xoong chảo cũng đen… đen cả những cái nắp vung chụp nồi… Nhưng nồi cơm từ tay mẹ nấu thì trắng tinh, thơm dẻo, những xoong canh vẫn đượm ngọt vị rau của nhà trồng, trã cá kho mặn mà hương vị ruộng đồng... cùng bao nhiêu món ăn như: sắn, khoai của làng cát… đã đi suốt tuổi thơ để tôi nhắc nhớ một thời.

 

HOÀNG HÀ THẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek