Cách đây 45 năm, đúng vào ngày 30/4/1975, sau bản tin chiến thắng, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát ngay lập tức đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Cho đến bây giờ, Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn luôn vang lên khắp mọi nẻo đường, trong mọi cuộc vui. Không chỉ vào ngày thống nhất, mà trong bất cứ lễ kỷ niệm hay niềm vui chung nào của toàn dân tộc, những người con đất Việt lại ca vang bài hát, như một bản bản hòa âm cộng hưởng niềm vui...
Khúc hoan ca mừng chiến thắng
"Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.
|Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh.
Việt Nam Hồ Chí Minh”.
Bài hát vỏn vẹn 60 ca từ đã có tới 20 từ là “Việt Nam Hồ Chí Minh”, giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích… thế nhưng ca khúc Như có Bác trong ngày Đại thắng lại có một sức sống bền bỉ, mãnh liệt thậm chí vượt quá cả sự mong đợi của chính tác giả bài hát - nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt tên bài hát là Như có Bác trong ngày đại thắng. Nhưng mọi người Việt Nam vẫn quen gọi đó là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” theo câu hát mở đầu trong bài.
Nói về sự ra đời của bài hát, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đầu tháng 4/1975, thời điểm ông đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Lâm giao nhiệm vụ cho nhạc sĩ sắp tới ta sẽ có những trận thắng lớn, các nhạc sĩ phải có sáng tác mừng ngày chiến thắng.
Nhận nhiệm vụ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhanh chóng phác thảo một bản hợp xướng lớn với những chương, đoạn… Dù đã phác thảo xong, nhưng ông vẫn băn khoăn lắm, mãi chưa viết được thành tác phẩm.
Cho đến tối 28/4/1975, khi ngồi nghe bản tin trên đài có đưa tin về sự kiện phi công ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm đó ông không ngủ, đứng ở cầu thang khu tập thể Khương Thượng (nơi ở của gia đình ông khi đó) và nghĩ, đã ném bom đến Tân Sơn Nhất rồi, chắc là giải phóng chỉ nay mai thôi.
Nghĩ đến chiến thắng đã cận kề trong gang tấc, trong lòng người nhạc sĩ trào dâng niềm vui, trong niềm vui hân hoan đó, ông chợt nhớ đến lời trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn” và nghĩ, nếu còn sống, chắc hẳn Bác Hồ cũng sẽ rất vui...
Dòng suy nghĩ ấy cùng với mong muốn được góp một tiếng reo vui mừng của mình vào chiến thắng của dân tộc… khiến cảm xúc dâng trào, ông lập tức ngồi vào bàn, sau hai tiếng đồng hồ bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” ra đời.
Vợ ông là người được ông khoe tác phẩm đầu tiên. Bà khen bài hát hay, rồi động viên ông mang bài hát đi thu.
Sáng 29/4/1975, ông mang bài hát lên Đài. Thế nhưng, lúc đó ta chưa giải phóng, có ý kiến cho rằng, chưa thống nhất mà ta đã hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” sẽ là lạc quan tếu. Vì thế, Ban Biên tập sắp xếp để đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ thu và phát.
Nhưng chỉ một ngày sau, đến trưa 30/4/1975, tin quân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam truyền về. Ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam gọi ngay cho nhạc sĩ Phạm Tuyên và bảo "Thống nhất rồi, cậu xem có bài nào thu để phát không?". nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: "Tôi chỉ có một bài ngắn thôi”.
Rồi ông đứng ngay cầu thang Đài Tiếng nói Việt Nam ở Quán Sứ hát cho ông Trần Lâm nghe bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nghe xong, ông Trần Lâm bảo gọi ngay Đoàn Ca nhạc lên thu luôn, không cần bài khác nữa.
Đúng 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, các nghệ sĩ Đoàn Ca nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có mặt để thu bài hát; duyệt rồi phát ngay sau khi ta công bố tin chiến thắng của Việt Nam ra toàn thế giới.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đó là một buổi thu thanh rất cảm động và ấn tượng. Nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy đã khóc, các ca sĩ biểu diễn cũng khóc. Tất cả đều khóc vì niềm vui chiến thắng, vui vì non sông thống nhất…
Sau hai tiếng thu thanh, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng đã được duyệt phát. Sau khi tin thắng trận được phát đi toàn thế giới, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng vang lên…
Nói thay tiếng lòng hàng triệu trái tim Việt
Chia sẻ cảm xúc khi sáng tác bài hát, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, lúc ấy, mọi thứ cứ hiện lên trong đầu, cảm xúc trào dâng, dường như đó không còn là tình cảm của riêng ông, mà là tình cảm của mọi người…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, 17 giờ ngày 30/4/1975, bài hát mới được phát đi, nhưng sáng hôm sau, ngày 1/5/1975, khi ông đạp xe từ nhà lên cơ quan ở Quán Sứ, đi qua Hồ Hoàn Kiếm đã thấy Đoàn quân nhạc chơi bài đó.
Ông ngạc nhiên quá nên đến gần hỏi, bài hát này đã in ra đâu, sao các bạn biết hát… thì được biết là sau khi bản tin phát đi tin đại thắng, cho đến tận sáng cứ phát tin xong là lại hát bài này nên một lúc là anh em đã thuộc. Lúc đó, các Đoàn quân nhạc không hề biết, nhạc sĩ Phạm Tuyên chính là tác giả.
Rồi chỉ vài ngày sau, cả miền Bắc hầu như ai cũng nghe và biết bài hát này. Trong miền Nam, nhiều người cũng đã thuộc và hát. Sau này, bài hát cũng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, lan tỏa ở nhiều nước Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Năm 1985, tức là 10 năm sau khi bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" ra đời, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nói về cảm nhận của mình về sức sống lâu bền của bài hát, Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, bài hát ra đời vào đúng lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Lời bài ca là tình cảm, tiếng lòng của hàng triệu trái tim người con đất Việt. Nhờ có sự cộng hưởng đó, tác phẩm dù giản dị nhưng vẫn có sức sống lâu bền…
Cho đến nay, tròn 45 năm đất nước giải phóng, cũng là 45 năm bài hát đồng hành cùng dân tộc. Mỗi năm, cứ đến tháng 4 lịch sử, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” lại vang lên khắp mọi nẻo đường.
Dần dần, bài hát được hát không chỉ trong tháng 4, mà trong mọi cuộc vui, trong những ngày hội mừng của đất nước, của dân tộc, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng lại vang lên rộn ràng. Đặc biệt là sau chiến thắng của đội bóng đá lớn của nước nhà trên sân cỏ, trong những ngày hội lớn của dân tộc…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi được nghe bài hát của mình vang lên, ông vẫn cảm động lắm.
“Bài hát được công chúng yêu mến, hát nhiều chứng tỏ tác phẩm của mình đã đi vào tình cảm của nhiều thế hệ công chúng, từ các em nhỏ cho đến những người lớn tuổi… Đây là phần thưởng lớn nhất với người sáng tác như tôi”, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.
Theo TTXVN/Vietnam+