Bà chị từ Hà Nội vào xứ Nẫu Phú Yên đi du lịch với gia đình và vài người bạn. Nghe chị điện bảo vào du lịch, tôi chột dạ: chị đã đi khắp nơi trong và ngoài nước, quê mình có gì để chị thích hè? Thôi, có chi giới thiệu nấy, những thứ đã sẵn có của người và đất một vùng Nam Trung Bộ…
Khi họ đến nơi, tôi ngạc nhiên về sự “dễ tánh” của họ. Ấy là cái sự dấn thân, sẵn sàng mở lòng với cảnh trí, nói năng, nết ăn uống… tất tần tật mọi thứ có thể “nghe, ngó, rờ, nắm, nuốt”; sẵn sàng “làm tới” với bao sản vật đặc trưng, đơn sơ không bày biện như là một lối sống, một cách chế biến món ăn nói lên tâm hồn một vùng đất “thẳng ruột ngựa”.
Ở đây trọng sự tươi ngon chất lượng của nguyên liệu đầu vào, thế nên cách chế biến luôn chẳng cầu kỳ. Ví như, con gì bắt được trên núi dưới biển, cứ thế về rộng rồi bắt ra, vớt lên, đi thẳng vào vấn đề “nướng, hấp”, đôi lúc chỉ trụng sơ là… thả cửa nhồm nhoàm.
Bữa sáng, tôi đưa gia đình chị đi ăn bánh hỏi cháo lòng ở quán Lolotica tại Tuy Hòa. Ban đầu, bà chị tỏ ra không lạ gì với các thức bánh hỏi, tô cháo lòng, đĩa lòng và thịt luộc. Thế nhưng, tất cả đều “tới tấp” gắp, cuốn, xì xụp… toát mồ hôi. Rồi chị chợt nhận ra, bánh hỏi cháo lòng đã từng ăn, bánh tráng thịt heo đã từng thưởng thức, thế nhưng nhập hai thứ vào một bữa sáng thì chỉ thấy ở Phú Yên. Một sự sáng tạo thú vị, tạo cho bữa sáng đầy đủ năng lượng theo khoa học ẩm thực hiện đại “ăn sáng như vua, ăn trưa vừa đủ, ăn tối như người nghèo”. Chị nhận xét, món ăn này quá ngon nhờ kiểu chế biến rất mộc; nào là mắm nhĩ ngon “nhức răng”, nào là rau tươi, bánh tráng thơm mùi gạo quê kiểng, miếng lòng, miếng thịt ba chỉ luộc khéo… Tất cả phối lên một tấm chân tình của đất và người xứ Nẫu.
Sau một ngày thăm thú thắng cảnh Phú Yên, cả nhóm quyết định đi thưởng thức hải sản. Một lần nữa, những người bạn tôi lại ngạc nhiên với sức quyến rũ của hải sản một vùng Nam Trung Bộ biển xanh cát trắng. Theo chị, sò huyết, tôm đất, cua cá đầm Ô Loan có hương vị thơm ngon khác biệt, hiếm thấy. Rồi chị lại nói về sự hội nhập trong ẩm thực khi ăn món cá ngừ đại dương kiểu sashimi của người Nhật ngay tại đất Tuy Hòa. Đến món lẩu “đèn pha” (mắt cá ngừ đại dương chưng cách thủy), chị tỏ ra “nghiêng mình kính cẩn”. Bởi theo chị, trong thực đơn người Nhật không hề có món “đèn pha” này. “Đây là sáng chế chuyên biệt, sản phẩm chính hiệu Made in xứ Nẫu Phú Yên, Việt Nam”, chị tâm đắc.
Càng ngạc nhiên hơn, ngày về, chị đã gom mua những món bình dị chân quê Nẫu, mỗi thứ một ít. Nước mắm, mắm thu, mắm ruột, mắm cái, mắm ruốc; rồi sò huyết, mấy súc cá ngừ đại dương ướp đá thùng xốp; cả đến bánh hỏi, lá hẹ… Tất cả đều là những thức món khác biệt đối với chị và bạn bè Hà Nội. Xin cảm ơn những người bạn yêu Phú Yên quê tôi bằng cả tâm hồn.
HÙNG PHIÊN