Thứ Hai, 07/10/2024 03:29 SA
Đừng nhận vơ áo dài!
Chủ Nhật, 24/11/2019 14:55 CH

Điệu đà với áo dài truyền thống Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG TRÍ

Mạng xã hội đang dậy sóng khi phát hiện thương hiệu thời trang Ne Tiger (Trung Quốc) giới thiệu bộ sưu tập gồm nhiều mẫu thiết kế y hệt áo dài của Việt Nam kèm theo phụ kiện là nón lá tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2019 nhưng lại được giới thiệu là “những sáng tạo mới”.

 

Trên ChinaDaily.com.cn, những mẫu thiết kế y hệt áo dài Việt Nam lại được chú thích là “sáng tạo mới tại buổi trình diễn thời trang của Ne Tiger trong Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2019 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/10/2018”. Và có vẻ như là trùng hợp khi tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2020 vừa khai mạc vào cuối tháng 10 ở Bắc Kinh, ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne Tiger, phát biểu trên sóng của Đài CGTN (Trung Quốc) về quan điểm của ông khi sáng tạo các bộ sưu tập: “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc. Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi cũng đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới”.

 

Nói như ông Zhang Zhifeng, thì bộ sưu tập mà Ne Tiger giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc xuân hè 2019 cũng là “những sáng tạo mới” từ trang phục truyền thống của... Trung Quốc. Điều này càng khiến công chúng Việt Nam phẫn nộ và gọi đó là hành vi ăn cắp trắng trợn.

 

Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập được NTK Trung Quốc coi là “sáng tạo mới” của họ. Nguồn: TTO

NSND Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, người giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật nhiều chương trình đoạt huy chương vàng tại các liên hoan, cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, cho biết: “Tôi rất bất ngờ trước thông tin đó. Rõ ràng áo dài là sự phát triển tuyệt vời về phong cách ăn mặc của người Việt mình. Lịch sử đã chứng minh; cả thế giới đều biết. Phụ nữ Trung Quốc có áo xường xám, còn áo dài của người Việt mình thì xẻ hai tà trước sau rõ ràng, chít eo; phần cổ, ngực cũng khác. Trong việc này, mình phải lên tiếng”.

 

Bà Đỗ Thị Út Hiền, người có hơn 20 năm may áo dài, hiện là chủ tiệm may Út Hiền ở phường 2 (TP Tuy Hòa) nói: “Áo dài của phụ nữ Việt Nam và áo xường xám của phụ nữ Trung Quốc có nét tương đồng. Nhưng áo xường xám xẻ tà tới gối và không mặc cùng với quần dài, còn áo dài của người Việt mình thì xẻ tà cao đến eo và mặc với quần dài. Áo xường xám tôn vẻ đẹp gợi cảm, còn áo dài tôn vẻ đẹp dịu dàng, thướt tha”.

 

Từ xưa, áo dài đã là trang phục truyền thống của người Việt, dành cho cả nam lẫn nữ. Theo thời gian, chiếc áo cách tân từ áo ngũ thân của Việt Nam trở thành trang phục thể hiện nét đẹp văn hóa của phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh người con gái Việt thướt tha trong tà áo dài, nghiêng nghiêng vành nón trắng đã đi vào thơ ca nhạc họa, đã đến với bạn bè trên khắp thế giới. Chính vì vậy, rất nhiều người Việt tức giận khi phát hiện nhà thiết kế (NTK) Trung Quốc nhận vơ áo dài của Việt Nam.

 

Có vẻ như đây không phải là lần đầu, áo dài Việt Nam bị nhận vơ. Trên trang cá nhân, NTK áo dài Sĩ Hoàng từng chia sẻ chuyện anh sang Nhật giới thiệu, trình diễn áo dài vào năm 2008. Tham quan Bảo tàng Kimono đúng lúc tại bảo tàng có triển lãm chuyên đề “Lịch sử trang phục 5.000 năm Trung Quốc”, trong tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng của triển lãm, NTK Sĩ Hoàng nhìn thấy một… bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc, phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ “Trang phục hiện đại Trung Quốc”.

 

“Khi ấy chưa có điện thoại di dộng và máy ảnh để tôi chụp lại, nếu có cũng không được phép vì quy định trong bảo tàng là không được chụp hình. Tôi chỉ biết thề rằng trong giây phút chứng kiến ấy, dù phải vay mượn tiền để hoàn thành nhanh sớm Bảo tàng Áo dài cũng phải vay. Thực tế là tôi đã nợ đến con số gần 40 tỉ mà nhiều năm sau trong nỗi nhọc nhằn vẫn chưa trả hết…”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.

 

Cũng phải nói thêm là sau 12 năm kiên trì, nhọc nhằn đeo đuổi ý tưởng, NKT Sĩ Hoàng đã ra mắt Bảo tàng Áo dài vào đầu tháng 1/2014 tại khu nhà vườn Long Thuận, phường Long Phước (quận 9, TP Hồ Chí Minh). Bảo tàng rộng 20.000m2, được xây dựng theo kiến trúc nhà gỗ xưa của Việt Nam, “kể” với khách tham quan câu chuyện tuyệt vời về áo dài từ lúc hình thành cho đến nay.

 

NTK Sĩ Hoàng cũng chia sẻ rằng nhiều năm qua, mỗi khi có dịp giao lưu với học sinh sinh viên, anh đều nhắn nhủ: Áo dài các bạn mặc không chỉ đẹp đâu mà còn là trách nhiệm công dân khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa. “Người Việt dù ở nơi đâu, hãy xem việc mặc áo dài trong một dịp nào có thể nhất, là đã cùng nhau góp tâm giữ được cho người Việt tấm áo của quê hương đất nước”, NTK Sĩ Hoàng viết những dòng tâm huyết trên trang cá nhân.

 

QUỐC VŨ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek