Thứ Hai, 07/10/2024 03:25 SA
Bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa:
Cần thực chất, không chạy theo số lượng
Thứ Năm, 28/11/2019 13:01 CH

Sinh hoạt văn hóa tại Buôn văn hóa, du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh). Ảnh: THIÊN LÝ

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã góp phần vào việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn lối sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của phong trào là việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa còn chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn và còn chạy theo số lượng.

 

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 233.635/251.519 hộ gia đình văn hóa (GĐVH), chiếm 92,89%; 567/625 thôn, buôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, chiếm 90,72%; 57/112 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, chiếm 50,89%; 807/874 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, chiếm 92,33%...

 

Nhiều bất cập

 

Phong trào TDĐKXDĐSVH được Trung ương khởi xướng, phát động từ năm 2000 với 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể và được triển khai rộng khắp. Trong đó, phong trào xây dựng GĐVH, thôn, buôn, khu phố văn hóa, xã, phường, thị trấn văn minh đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, động viên cộng đồng phát triển kinh tế - xã hội.

 

Song, nghịch lý ở một số địa phương là số lượng đạt chuẩn GĐVH theo báo cáo chiếm tỉ lệ rất cao, nhưng thực trạng đời sống văn hóa - xã hội lại xuống cấp và diễn biến phức tạp; còn xảy ra nhiều tệ nạn xã hội, vi phạm an ninh trật tự, tội phạm, chưa có ý thức giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường thôn, xóm...

 

Ông Nguyễn Hữu Hên, Trưởng thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, bày tỏ: “Các cuộc vận động và phong trào diễn ra trên khắp các địa bàn. Song nội dung các phong trào bao gồm quá nhiều lĩnh vực và cùng triển khai trong một thời gian đã làm cho công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định về tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa đến người dân không đạt hiệu quả cao”.

 

Ngoài ra, tiêu chí bình xét các danh hiệu văn hóa, đặc biệt là việc xét chọn GĐVH hiện nay vẫn chưa cụ thể. Việc công nhận danh hiệu GĐVH chỉ mới dừng lại ở công tác vận động tuyên truyền và khen thưởng GĐVH tiêu biểu theo quy định, chưa có hình thức chế tài đối với hộ gia đình không đạt danh hiệu GĐVH...

 

“Hiện tại, các danh hiệu Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn, Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, và Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chưa có quy định cụ thể về mức khen thưởng nên gây không ít khó khăn cho cơ sở khi xét khen thưởng trong thời gian qua...”, ông Phạm Minh Hạnh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân cho biết.

 

Cần chính xác, công khai

 

Do vậy, để các danh hiệu văn hóa phát huy sức mạnh thực sự ở cơ sở cũng như tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ, hầu hết các đơn vị, địa phương đều kiến nghị Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh có các nhóm giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng các danh hiệu GĐVH, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa và hướng dẫn các bảng chấm điểm, tự đánh giá thực hiện tiêu chí bình xét GĐVH, Khu dân cư văn hóa... Đồng thời gắn công tác xây dựng các danh hiệu với những quyền lợi cụ thể để người dân phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn, nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

 

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL thì cần phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo các cấp; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong bình xét các danh hiệu văn hóa. Ngoài ra cần thống nhất phương án đánh giá các danh hiệu văn hóa phù hợp với các tiêu chí khác, tránh tình trạng chồng chéo.

 

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; vận động quần chúng tham gia, làm cho mọi người dân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ về ý nghĩa, nội dung và tác dụng thiết thực của các phong trào, danh hiệu văn hóa; từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện.

 

“Việc bình xét các danh hiệu văn hóa ở cơ sở bên cạnh những chính sách lâu dài, bền vững và chuyển hóa theo chiều sâu của phong trào thì bản thân các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Ở địa phương cần tổng hợp số liệu thực chất, không nên công nhận để chạy theo số lượng mà thực hiện một cách qua loa; cần khơi dậy ý thức trách nhiệm cộng đồng... nhằm nhân rộng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek