Thứ Hai, 07/10/2024 09:22 SA
Hiến đất – truyện ngắn của NGUYỄN BÁ THUYẾT
Thứ Hai, 14/10/2019 07:00 SA

Minh họa: PV

Lão Hạng ở thôn Quang Chiêm. Sinh ra, lớn lên giữa vùng đất heo hút. Thuở ấy, dân làng lão chừng ba mươi nóc nhà, lấy tự cung tự cấp để duy trì cuộc sống. Những món đồ buộc người làng lão không thể không mua thì họ mới mua. Đó là muối ăn, cuốc, lưỡi cày và dao, rựa... Nhà lão bắt đầu có vườn, có nhà nhờ khả năng khai hoang, phục hóa từ đời cha lão. Lão trưởng thành từ lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ, có lẽ vì thế mà thân thể lão gân bắp, dẻo dai như con trâu cày. Lão tham gia chiến trường chống Pháp rồi chống Mỹ tổng cộng tám năm, may mà đạn địch tha cho nên chẳng hề bị thương. Lão là cựu chiến binh già nhất cái xã này. Nay lão đã ngoài chín mươi mà mọi sinh hoạt vẫn như ngày nào. Lão đi chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất. Xe lão đi phát ra nhiều thứ âm thanh, chỉ có cái chuông là không kêu. Lão chuông bằng mồm, đại khái là gặp người hay trâu bò, chó heo thả rông lão đều báo chuông theo một cách riêng, rõ to: xe xe xe xe...

Lâu nay, lão vẫn ăn khỏe, ngủ tốt. Nhưng, mấy hôm nay lão bị mất ngủ, trông hốc hác. Lão mất ngủ vì phải trằn trọc về một sự kiện, với lão cứ tưởng có nằm mơ cả đời lão cũng không thể ngờ tới. Chẳng biết từ khi nào, mảnh đất quê nghèo, heo hút “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ngày xưa giờ hóa nén vàng, nén bạc. Đã mấy tháng nay, hình như ngày nào nhà lão cũng có khách. Lúc thì đoàn cán bộ xã, thôn, khi thì bà con lối xóm. Họ đến thăm lão, kể chuyện về xây dựng nông thôn mới. Họ kể có nhiều người xung phong hiến đất để làm đường làng, liên thôn, liên xã, làm nhà văn hóa, nhà trẻ. Cũng có kẻ lạc hậu, keo kiệt, muốn sướng mà cứ bo bo của nhà mình không chịu hưởng ứng phong trào lại còn xúi kẻ khác “nhảy vào bãi mìn”, thấy mà ghét. Mỗi ngày lão phải nấu nước đến ba bốn lần mới đủ tiếp khách. Mệt mà vui, già rồi có nhiều người đến chơi nên lão thấy ấm trong lòng, nhưng nghe mấy chuyện đất đai cũng động trong lòng. Các con của lão làm ăn xa gọi điện về lúc nào cũng có phần hỏi thăm tình hình đổi mới ở quê hương. Mấy đứa cháu nội, ngoại ở gần đến chơi than phiền xóm mình không chịu làm đường mới để đi cho sướng. Chỉ có vợ chồng thằng út được lão cắt cho một phần ba đám đất để ở, chúng nó chẳng ý kiến gì. Quê lão bây giờ nhiều nghề truyền thống trỗi lên, thông thương mọi miền, giàu lên nhanh chóng. Ô tô, tạp hóa, hàng ăn... thi nhau mọc lên, muốn gì có nấy, đưa đến tận nhà. Đó là những điều khiến lão khó ngủ. Thời thế thay đổi rồi, cả đời lão lao động cực nhọc, vất vả mới có được mảnh vườn đẹp như thế. Địa thế vườn rộng, gần bến sông, ở ngã ba đường lớn mới mở, gần trung tâm xã mới quy hoạch. Có mấy nhà ở gần lão mới bán đất được cả hàng trăm triệu, có nhà cả tỉ đồng. Vườn nhà lão được trồng tre, hàng rào cây bao quanh chắc chắn. Có người còn rỉ tai lão rằng, đất vườn nhà cụ có khi lên đến dăm tỉ đồng. Chẳng biết đúng sai thế nào nhưng lão thấy bàng hoàng. Ấy vậy mà giờ người ta sắp mở đường, mở bến, xây nhà văn hóa thôn, nhà lão nếu thuận lòng cũng phải mất vài trăm mét vuông đất. Cứ theo lời mấy đứa nhỏ to, đất ấy có giá có khi mấy trăm triệu đồng. Lão không ngủ được...

 

Lão nghĩ về quá khứ khó nhọc. Lũy tre ấy gắn bó với đời lão gần cả trăm năm. Tre cung cấp măng, tre non, tre già thứ thì bán, thứ thì dùng; đủ mọi thứ cột kèo, rổ rá, nan lạt, giường chõng. Mỗi năm lão thu cả chục triệu đồng từ cây tre. Lão nghĩ về mảnh vườn, lão và vợ đã tần tảo cày xới nuôi đàn con lớn lên trong nghèo khó. Giờ đây mảnh vườn ấy trở thành tri ân, tri kỷ. Cuộc đời đổi mới, giá trị đám đất quả là quá lớn so với của cải có được trong mấy chục năm lão dành dụm được. Giờ đây lão phải xa lũy tre, cắt nhỏ mảnh vườn ấy, lão phải suy nghĩ. Lão nghĩ về xã, thôn, về bà con lối xóm. Nghĩ về tiếng đài phát thanh suốt ngày biểu dương, phê bình công tác xây dựng làng văn hóa, nông thôn mới. Nhất là mấy phiên họp thôn gần đây, con đường trước ngõ nhà lão dự kiến mở rộng hơn năm mét, nhưng còn vướng vì thiếu đất. Người ta tranh luận, bàn bạc rồi hình như mọi ánh mắt đổ dồn, hướng về phía lão. Người ta nói xa, nói gần, nói đâu đâu mà sao như những mũi kim chích vào bụng lão. Bộ da ngoài chín mươi của lão đã dày như da cóc vẫn thấy nhồn nhột. Lão suy nghĩ... Lão vò đầu rồi bứt mấy sợi tóc lưa thưa, đứng ngồi không yên.

 

Có tiếc mấy cũng phải làm! Lão được mệnh danh là người sống có trước, có sau. Uy tín ngời ngời, đi bộ đội về có cả huân chương hẳn hoi. Con cháu đề huề, trưởng thành nhất nhì cái làng này, chẳng lẽ... Trưa đó, lão nằm không ngủ. Lão bật dậy, tìm cây thước gỗ, ra vườn đo đo, đếm đếm, lấy bút giấy ra tính toán, ngẫm nghĩ. Lão ho mấy tiếng rồi tặc lưỡi. Lão đi đến một quyết định quan trọng. Lão gọi vợ chồng thằng út sang. Lão thăm dò ý hai đứa. Thằng út vốn hiền lành ít nói, nó im lặng. Vợ nó thì thưa rằng, nhà con được ông nội ưu ái cho đất, cho vườn rồi. Phần còn lại, ý của ông và các bác thế nào chúng con xin nghe theo. Lão không chịu. Lão muốn hỏi cho rõ nhẽ, là ý các con nên thế nào, hiến đất hay đòi quyền lợi. Thằng út giờ mới lên tiếng, nhà người ta có kẻ hiến, có người bán. Hiến thì tiếng thơm vang mãi. Bán thì có tiền, nhưng tiền rồi cũng tiêu hết. Còn nhà mình có lẽ nên chăng ông nội gọi các bác, các cô về để thống nhất thì tốt hơn ạ. Lão im lặng, lấy xe đạp, lão đi. Quả thật, đường bê tông ngay thẳng, có hàng cây bóng mát, những khóm hoa vàng đỏ trông thật mát mắt. Sang mấy làng kế bên họ còn làm khá hơn nhiều. Chỉ còn lại vài con đường ẩm thấp, tối tăm như khu nhà lão. Lão hỏi thăm, tìm hiểu lý do. Họ cho biết do là đất hương hỏa, con cháu ở xa, thiếu thống nhất, ở nhà người già không quyết định được. Cũng đang có hướng giải quyết tốt, cơ bản đều thống nhất chủ trương xây dựng con đường, vì mục tiêu nông thôn mới.

 

Lão về, lão bảo thằng út gọi mời các anh chị mày tranh thủ chủ nhật tới về nhà gấp. Ba có việc trọng đại cần bàn. Lão còn dặn, không gia đình nào được vắng. Chồng quá bận thì vợ về. Cả hai về, con cháu về đông đủ càng tốt. Thằng út hỏi lại, có chuyện gì quan trọng vậy ba. Lão bảo, rất quan trọng. Họp gia đình. Thằng út nghe xong lo lắng. Ba đang bình thường, gọi họp gia đình, chắc có chuyện lớn. Út đứng nhìn lão nghi ngại. Lão giục, gọi đi rồi báo tình hình cho ba biết.

 

Cuộc họp gia đình mở rộng sau khi đã thống nhất với con cháu nội thân. Lão mời cả hàng xóm gần nhà, đại diện chi bộ, lãnh đạo thôn cùng dự. Khi đã có mặt đông đủ, lão tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần. Lão giao cho thằng con trai trưởng cán bộ Trung ương về hưu chủ trì phiên họp. Trong không khí khá nghiêm trang, con trai trưởng tuyên bố được sự đồng thuận cao trong gia đình, đặc biệt là sự đồng ý của ba, ông, cố chúng tôi là Nguyễn Hạng, sinh năm 1928, chủ sở hữu mảnh đất này, diện tích 932m2. Chúng tôi xin hiến 326m2 cho Nhà nước để làm đường và xây nhà văn hóa thôn. Phần còn lại sau này gia đình sẽ sử dụng xây nhà từ đường cho con cháu. Đề nghị chính quyền thôn, xã tiếp nhận. Chúng tôi xin lập văn bản để chính quyền có căn cứ pháp lý mà tiến hành xây dựng. Đất và cả những tài sản trên đất đều thuộc quyền Nhà nước quản lý.

 

Tất cả mọi người dự họp đều vỗ tay vui mừng. Cuộc họp kết thúc, lão mời mọi người ở lại để cùng dự cơm thân mật với gia đình. Khuôn mặt lão bừng sáng vui vẻ, pha lẫn niềm tự hào. Tối đó, loa phát thanh của thôn đưa tin về việc gia đình lão hiến đất. Lão thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Đêm đó lão đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Lão mơ về con đường làng trước nhà lão, rộng hơn năm mét, thảm bê tông, thẳng băng. Nhà từ đường của gia đình lão khang trang, tọa lạc hướng về con đường ấy. Cạnh nhà từ đường có nhà văn hóa thôn cao ráo, hoa nở quanh năm, đủ màu sắc. Người lớn, trẻ thơ suốt ngày rộn ràng cuộc sống mới trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Quang Chiêm...

 

Lão thức dậy khi mặt trời vừa lên. Những tia nắng đầu tiên chiếu xuống vườn nhà lão. Lão bước ra trước đàn con cháu đông vui. Lão thở nhè nhẹ. Thế là toại nguyện. Thế là viên mãn một cuộc đời.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek